17/07/2004 10:55 GMT+7

"VN phải ngăn chặn tình trạng đôla hóa nền kinh tế"

SƠN NGUYỄN thực hiện
SƠN NGUYỄN thực hiện

TTCN - Tại hội thảo khoa học quốc tế về VN học ở TP.HCM, tiến sĩ kinh tế người Đức Andreas Hauskrecht đã có cuộc trao đổi với TTCN xoay quanh tính rủi ro của tình trạng đôla hóa tại VN.

VsWtsy9S.jpgPhóng to
Tiến sĩ kinh tế người Đức Andreas Hauskrecht

Tiến sĩ Hauskrecht hiện là giáo sư Trường Quản trị kinh doanh Kelly (bang Indiana, Mỹ) và giữ chức tư vấn trưởng chương trình hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước VN và Tổ chức Hợp tác kỹ thuật của Đức.

* Xin ông cho biết việc đôla hóa nền kinh tế VN đã diễn ra như thế nào?

- Ông Hauskrecht: VN là một nền kinh tế đôla hóa một phần trong đó hệ thống tiền tệ sử dụng song song hai đồng tiền là VND và USD. Tuy nhiên, mức độ chính xác của đôla hóa rất khó xác định. Hiện tượng nền kinh tế VN sử dụng rộng rãi đồng USD trong giao dịch, buôn bán... bắt đầu được chú ý từ năm 1988 khi các ngân hàng được phép nhận tiền gửi bằng USD.

Đến năm 1992, tình trạng đôla hóa đã tăng mạnh với hơn 41% lượng tiền gửi vào các ngân hàng là bằng USD (xem biểu đồ). Trước tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước VN đã cố gắng đảo ngược quá trình đôla hóa nền kinh tế và đã khá thành công khi giảm mạnh mức tiền gửi bằng USD vào các ngân hàng xuống 20% đầu năm 1997. Nhưng cũng trong năm này cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã khiến đồng VND giảm giá trị và VN lại đứng trước sức ép tiếp tục chống đôla hóa. Cuối năm 2003, tỉ lệ đồng USD được gửi vào các ngân hàng trên 23%.

* Hiện tượng đôla hóa đã gây tác động ra sao lên nền kinh tế VN, thưa ông?

- Một khi bị đôla hóa, câu hỏi lớn nhất mà nền kinh tế VN, đặc biệt là các ngân hàng, phải giải đáp là: làm gì với những đồng USD hiện có. Để tạo ra lợi nhuận, các ngân hàng trong nước đã đem phần lớn nguồn USD gửi ra các ngân hàng nước ngoài, nhất là Singapore và Hong Kong, để kiếm lãi suất cao.

Nhưng điều này chỉ làm tình hình thêm xấu hơn vì những đồng USD đã không được đầu tư trong nước. Năm 2002 lãi suất USD giảm mạnh, các ngân hàng VN không thể thu lợi từ các tài khoản ở nước ngoài nên đành rút một lượng lớn tiền về, khoảng 3 - 4 tỉ USD. Lượng tiền gửi ở nước ngoài giảm đi còn một nửa tính đến thời điểm cuối năm 2003.

uqv1yMfg.jpgPhóng to
Biểu đồ: tỉ lệ tiền gởi bằng đồng USD trên tổng lượng tiền gởi vào các ngân hàng VN (tính bằng %). (Nguồn: nghiên cứu điều tra về tiền tệ, ngân hàng Nhà nước VN)
Nhưng đến đây các ngân hàng VN lại phải tìm cách làm gì đó với khoản tiền USD này để sinh lợi. Họ đã cho các doanh nghiệp trong nước vay. Mức tăng tín dụng ngoại tệ đạt mức cao điểm 41% vào năm 2003. Điều này trước tiên xem ra có vẻ ổn đối với các ngân hàng vì họ nhận tiền gửi và cho vay đều bằng USD nên ít rủi ro.

Nhưng xem kỹ lại chúng ta nhận thấy các doanh nghiệp đi vay USD sẽ gặp khó khăn như thế nào nếu VND bị giảm giá. Các doanh nghiệp này chủ yếu có doanh thu bằng VND nhưng phải trả nợ bằng USD! Họ phải đứng trước các rủi ro về thay đổi tỉ giá giữa USD và VND mà không có những công cụ để phòng tránh rủi ro.

Nếu đồng USD tăng giá, nhiều doanh nghiệp sẽ mất khả năng thanh toán nợ. Các ngân hàng chắc chắn bị ảnh hưởng và dẫn đến nền kinh tế bị khủng hoảng. Theo tôi được biết, tính đến cuối năm 2003 khoản tiền được các ngân hàng cho vay bằng USD chiếm đến 28%. Thật quá nhiều và vấn đề chính nằm ở đấy.

* Như vậy có thể rút ra kết luận là: tình trạng đôla hóa không có lợi cho nền kinh tế VN?

- Đúng như thế mặc dù cũng có ý kiến về những tác động tích cực nào đó. Việc sử dụng đồng USD như thế nào cho thật hiệu quả là điều vô cùng phức tạp. VN không còn chọn lựa nào khác ngoài việc tìm mọi cách có thể được nhằm chống lại tình trạng đôla hóa, từ đó chỉ có một tiền tệ duy nhất được lưu hành là VND.

Thực tế chúng ta thấy rõ là một số nền kinh tế thành công ở châu Mỹ Latin và châu Á không bị đôla hóa. Như tại Trung Quốc, các ngân hàng không được phép quyết định lãi suất tiền gửi bằng USD. Đôla hóa diễn ra khi đồng tiền của một đất nước bị đánh giá là yếu kém với tư cách là phương tiện dự trữ giá trị.

Tuy nhiên, không phải bất cứ quốc gia nào có đồng tiền yếu đều bị đôla hóa trực tiếp. Như tôi đã nói ở trên, chính việc cho phép các khoản tiền gửi bằng USD cũng như việc sử dụng gần như hợp pháp hóa đồng USD tại VN đã làm gia tăng quá trình đôla hóa. Nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế VN đang trong tình trạng rất khó khăn vì bị đôla hóa.

* Thưa ông, như vậy VN có thể đảo ngược tình trạng đôla hóa bằng cách nào?

- Nếu tình hình không được sớm ngăn chặn, tôi cho rằng VN có thể gặp khủng hoảng tài chính lớn trong vòng hai năm tới. Thật nguy hiểm vô cùng.

Theo tôi, để chặn đứng tình trạng đôla hóa, thứ nhất, các ngân hàng chỉ được phép cho vay đồng USD đối với những đối tượng có doanh thu trực tiếp bằng đồng USD. Thứ hai, VN nên cố gắng làm cho lãi suất tiền gửi bằng đồng USD trở nên kém hấp dẫn, có thể thông qua việc đưa ra mức lãi suất trần. Bên cạnh đó là việc nâng lãi suất tiền gửi bằng VND. Thứ ba, nên đưa ra qui định nâng tỉ lệ vốn dự trữ bằng USD bắt buộc trong các ngân hàng. Thứ tư, nhà chức trách VN cần ban hành qui định VND là tiền tệ giao dịch hợp pháp duy nhất.

Giá bất động sản, mặt hàng điện tử, xe cộ, phí khách sạn... chỉ nên được niêm yết bằng VND. Điều này tương đối khó cho VN nhưng không phải là không thể. Nhiều nước trên thế giới với nền kinh tế tương tự VN đang làm được. Nếu bạn sang Trung Quốc, Thái Lan, Brazil... bạn không thể thanh toán dễ dàng bằng USD.

Quá trình đảo ngược đôla hóa thành công là một tiền đề cần thiết để VN có được một cơ chế tỉ giá hối đoái linh hoạt hơn. Với sự mở cửa của khu vực tài chính trong những năm tới và sự tự do hóa giao dịch tài khoản vốn, việc đạt được mục tiêu này sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Dĩ nhiên muốn điều chỉnh phải cần nhiều thời gian và quyết tâm.

SƠN NGUYỄN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên