05/01/2019 16:33 GMT+7

Việt Nam cần có đại học sống bằng nghiên cứu, không bằng học phí

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo quốc gia về phát triển nhóm nghiên cứu trong các trường đại học được tổ chức ngày 5-1 tại Hà Nội.

Việt Nam cần có đại học sống bằng nghiên cứu, không bằng học phí - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TUYẾT NGA

'Hai chân'... bị lệch

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng các cơ sở giáo dục đại học đều có "hai chân" quan trọng là đào tạo và nghiên cứu. 

Tuy nhiên, trong một thời gian dài, nhiều trường chỉ tập trung cho đào tạo, trong khi nghiên cứu khoa học còn yếu. 

Gần đây, nghiên cứu khoa học trong trường đại học được chú trọng, đẩy mạnh hơn, nhưng nếu so với mảng đào tạo thì vẫn bị lệch.

Để tạo động lực mới cho phát triển nghiên cứu khoa học, một trong những yếu tố quan trọng chính là cơ chế. Bởi lẽ vẫn con người đó, cơ sở đào tạo đó, phòng thí nghiệm đó nhưng nếu có cơ chế tốt, động lực đúng đắn thì sẽ "giải phóng sức sáng tạo", kết quả nghiên cứu sẽ tốt hơn. 

Sắp tới đây, trong chương trình công tác 2019-2020, Bộ GD-ĐT cũng đã đặt trọng tâm công tác nghiên cứu khoa học ở trường đại học.

"Từ việc phát triển các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học, phải hình thành được những trường đại học nghiên cứu như trên thế giới, sống được bằng khoa học, chứ không phải sống bằng học phí.  

Các trường hiện nay phần lớn vẫn đang dựa vào nguồn thu học phí, phần còn lại dựa vào ngân sách nhà nước. Nhưng nếu là đại học nghiên cứu đúng nghĩa thì nguồn thu từ nghiên cứu khoa học phải chiếm đáng kể" - ông Phúc nhấn mạnh.

Thiết bị cho nghiên cứu: thiếu, không đồng bộ...

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ nhiệm nhiệm vụ trong khuôn khổ nhiệm vụ cấp Nhà nước của Chương trình khoa học giáo dục giai đoạn 2016-2020 - khẳng định ở loại trường đại học nghiên cứu, thực ra nghiên cứu vẫn luôn gắn kết chặt chẽ với đào tạo. 

Trong đó, nhóm nghiên cứu chính là mô hình để thông qua đó gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo. 

Song trên thực tế, dù việc hình thành và có những chính sách đầu tư cho nhóm nghiên cứu đã được quan tâm hơn trước nhưng tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ này còn chậm.

Trên cơ sở khảo sát 142/271 trường đại học, trong hệ thống các trường đại học đã hình thành hơn 900 nhóm nghiên cứu. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, gia tăng công bố quốc tế...

Tuy nhiên, về mặt tổng quan, số lượng các công bố quốc tế của các nhóm nghiên cứu vẫn còn khá khiêm tốn. 

Kết quả khảo sát các giảng viên từ 40 trường đại học cho thấy có đến hơn 1/3 số thầy cô được hỏi chưa có công bố quốc tế ISI/Scopus và cũng hơn 1/3 số chưa có công bố quốc tế nào khác. 

Số các giảng viên có công bố quốc tế ISI/Scopus trên 5 bài chỉ có 34,2% và hơn 60% chưa có sản phẩm nào được thương mại hóa.

Đặc biệt, nguồn lực đầu tư cho các nhóm nghiên cứu còn hạn chế, cơ sở vật chất, thiết bị đầu tư cho nghiên cứu không có hoặc rất thiếu hoặc không đồng bộ. Kinh phí cho các đề tài rất khiêm tốn và thường bị cấp chậm. 

"Để khắc phục những hạn chế trên cũng như thu hút được nhân tài vào các nhóm nghiên cứu, chúng tôi kiến nghị Nhà nước, Bộ GD-ĐT cần sớm xây dựng chính sách hỗ trợ cho việc xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học.

Cần áp dụng cơ chế khoán theo sản phẩm đầu ra cho từng nhóm nghiên cứu để thúc đẩy tính năng động và sáng tạo" - GS Đức nhấn mạnh.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên