15/07/2019 16:53 GMT+7

Vì sao kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất trong gần 3 thập kỷ?

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Sau khi Trung Quốc công bố mức tăng trưởng kinh tế yếu nhất trong gần 3 thập kỷ qua, nhiều sàn giao dịch chứng khoán tại châu Á đã đồng loạt giảm điểm.

Vì sao kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất trong gần 3 thập kỷ? - Ảnh 1.

Một phụ nữ làm việc tại một xưởng sản xuất vật liệu nhựa phục vụ đóng gói sản phẩm tại Túc Thiên, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin AFP, trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng 6,2%, tỉ lệ thấp nhất kể từ đầu những năm 1990 tới nay, nhưng vẫn khớp với các chỉ số dự đoán và nằm trong mục tiêu đặt ra của Chính phủ Trung Quốc.

Số liệu công bố chính thức này cho thấy rõ ảnh hưởng tiêu cực từ các chính sách phạt thuế của Mỹ thời gian qua với nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Stephen Innes, chuyên gia tại Công ty Vanguard Markets, cho rằng bất kể việc nền kinh tế Trung Quốc giảm tăng trưởng đã được lường trước, điều này vẫn "không làm giảm đi những lo âu của thị trường về việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tiến tới tình thế ‘hạ cánh cứng’".

"Hạ cánh cứng" (hard landing) theo định nghĩa của từ điển Cambridge là tình trạng sụt giảm lớn, đột ngột của hoạt động kinh tế cũng như nguồn vốn có tính thanh khoản cho các khoản vay sau một giai đoạn tăng trưởng kinh tế.

Tình thế "hạ cánh cứng" với nền kinh tế của một quốc gia thường là hệ quả của việc ngân hàng trung ương nước đó tăng lãi suất quá nhiều nhằm kiểm soát lạm phát.

Giới quan sát cũng đề cập tới nguy cơ xảy ra khả năng để giải quyết tình trạng kinh tế giảm tốc, Trung Quốc có thể sẽ dùng tới các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, giới đầu tư vẫn đang thấp thỏm theo dõi diễn tiến từ các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp Edward Moya của Công ty OANDA nhận định: "Mặc dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) đã đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế trong năm nay, song các thị trường vẫn chờ đợi những thông tin cắt giảm mức dự trữ bắt buộc của ngân hàng và các biện pháp khác trong trường hợp đàm phán thương mại Mỹ - Trung thất bại".

Trong các giao dịch đầu ngày 14-7, chứng khoán tại Hong Kong giảm 0,2%, tại Thượng Hải giảm 0,3%, trong khi tại Sydney giảm 0,5%.

Chứng khoán Singapore cũng giảm điểm 0,2%, Seoul giảm 0,1% và Wellington giảm 0,4%. Tuy nhiên Đài Bắc tăng 0,1%, Jakarta tăng 0,7%. Sàn Tokyo nghỉ giao dịch vì là ngày nghỉ.

Trong một diễn biến khác, đồng bitcoin lao dốc gần 2.000 USD, xuống còn 10.000 USD/btc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ quan điểm không tin tưởng đồng tiền này.

Ông Trump nói bitcoin "không phải là tiền" và cảnh báo những bên muốn giao dịch nó phải tuân thủ các điều khoản quản lý chung của hệ thống ngân hàng quốc gia và quốc tế.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên