15/07/2020 17:56 GMT+7

Vì sao chánh án TAND cấp cao kháng nghị vụ 'đương sự định nhảy lầu sau khi tòa tuyên án'?

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Kháng nghị 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ ‘đương sự định nhảy lầu sau khi tòa tuyên án’ vừa được chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM ký chiều 15-7 nêu lên 5 điểm bất hợp lý trong cả 2 bản án nêu trên.

Vì sao chánh án TAND cấp cao kháng nghị vụ đương sự định nhảy lầu sau khi tòa tuyên án? - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Dư - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo đó, kháng nghị cho rằng bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM và bản án sơ thẩm của TAND quận Gò Vấp có nhiều vi phạm về nội dung và thủ tục tố tụng.

Thứ nhất, tòa án cấp phúc thẩm xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án là tranh chấp quyền sử dụng đất là không đúng. Bởi tranh chấp nêu trên xuất phát từ quan hệ hợp đồng, do đó quan hệ tranh chấp trong trường hợp này là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Thứ hai, về thời hiệu khởi kiện, kháng nghị cho rằng mặc dù quan hệ tranh chấp là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng hợp đồng này chưa hoàn tất về mặt thủ tục, đến tháng 3-2017 thì nguyên đơn khởi kiện.

Do đó, theo quy định tại điều 132 Bộ luật dân sự 2015, trường hợp giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật thì thời hiệu khởi kiện không bị hạn chế. Trong vụ án này, thời hiệu khởi kiện vẫn còn.

Thứ ba, về mặt nội dung, hợp đồng đã thực hiện xong. Thực tế các bị đơn đã nhận đất, giao đủ tiền. Thời điểm khởi kiện nguyên đơn cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định, khi các bên đã thanh toán xong thì hợp đồng này không bị xem là vô hiệu.

Thứ tư, việc tách thửa, hiện nay thực tế 3 phần đất (tổng diện tích 674m2) đều được chuyển nhượng cho ông Lê Văn Dư, đảm bảo điều kiện tách thửa theo quyết định 190 của UBND TP (đất nông nghiệp phải từ 500m2 trở lên mới được tách thửa).

Do không vi phạm về điều kiện tách thửa nên hợp đồng không được xem là vô hiệu.

Thứ năm, theo điều 688 Bộ luật dân sự 2015 về điều khoản chuyển tiếp, trong trường hợp giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của bộ luật này thì áp dụng quy định của bộ luật này.

Đối chiếu điều 129 Bộ luật dân sự 2015, đối với giao dịch dân sự buộc phải công chứng, chứng thực nhưng các bên không tuân thủ về hình thức, song đã thực hiện gần xong, thanh toán từ 2/3 giá trị trở lên thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực mà tòa án có thể công nhận hợp đồng.

Từ đó, chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM cho rằng cần phải kháng nghị hủy các bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao cho cấp sơ thẩm giải quyết lại theo hướng nếu không có chứng cứ nào khác để xác định hợp đồng này vô hiệu thì phải áp dụng điều 129 Bộ luật dân sự 2015 để công nhận hợp đồng.

Vụ Vụ 'đương sự định nhảy lầu sau khi tòa tuyên': tòa cấp cao ra kháng nghị

TTO - Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM vừa ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm khiến 'đương sự định nhảy lầu sau khi tòa tuyên'.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên