Nhiều bạn trẻ hiện nay không thiếu thông tin về thị trường lao động, mà thiếu thông tin về... bản thân, dẫn đến không tìm được công việc như ý - Ảnh: FORBES |
Đó là chia sẻ của Dick Bolles, tác giả của cuốn What color is your parachute (đã có ấn bản tiếng Việt với tên Cây dù của bạn màu gì?)
Ngẫm thử đúng không?
Trên thực tế, nhiều bạn trẻ hiện nay đi tìm việc nhưng không biết một công việc như thế nào sẽ phù hợp với mình ngoài suy nghĩ: mức lương đó cao hay thấp?
Nhưng lương, hay nói rộng ra là thu nhập, cũng chỉ là một phần của công việc.
Liệu bạn có thích một công việc lương cao nhưng bạn không cảm thấy hài lòng, không thấy vui thích? Ngoài lương ra, bạn còn mong đợi điều gì ở môi trường làm việc, ở việc đáp ứng cho lộ trình phát triển sự nghiệp của bản thân?
Nhiều bạn chỉ nhìn đích đến mà quên nhìn lại bản thân, như trường hợp của ứng viên H.S.T., nộp hồ sơ ứng tuyển vào một công ty du lịch nổi tiếng ở TP.HCM.
Trong thông báo tuyển dụng, công ty ghi rõ cần người có kinh nghiệm có tối thiểu 5 năm trong ngành. H.S.T. chỉ mới ra trường đi làm chưa đầy một năm, kinh nghiệm chưa nhiều, vẫn nộp hồ sơ ứng tuyển.
Hồ sơ T. với các đầu việc chủ yếu là phụ việc cho cấp quản lý theo kiểu nhập liệu, giao dịch, công ty T. đang làm cũng chỉ là một công ty nhỏ chưa tới 20 người. Vậy thì làm sao nhà tuyển dụng tin tưởng năng lực bản thân của T. đủ để đáp ứng yêu cầu của họ?
Hay như trường hợp L.T.N., không thích giao tiếp nhưng lại xin làm nhân viên chăm sóc khách hàng qua điện thoại. Trước khi quyết định nhận ứng viên nào, công ty mời các ứng viên cùng đi ăn một buổi tiệc. Trong buổi tiệc đó, N. chỉ ngồi im lặng là chính, ai hỏi gì trả lời đó. Sự thiếu chủ động này đã góp phần đánh trượt N.
Còn có rất nhiều ví dụ khác cho thấy chính bản thân ứng viên không rõ mình có gì, muốn gì, như ứng tuyển vào vị trí lễ tân trong khi ngoại hình lẫn gương mặt có phần khiêm tốn; thích làm việc sáng tạo nhưng lại đầu quân vào môi trường có tính kỷ luật sắt; thích công việc chạy tới chạy lui ngoài đường nhưng lại ứng tuyển vào vị trí thư ký...
Thường các đơn vị khi tuyển dụng đều ghi rất rõ mô tả công việc, đều nói đến sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của công ty mình để người tìm việc tìm hiểu.
Thậm chí, thời của Internet, ứng viên còn có thể dùng quyền trợ giúp của Google để xem công ty đó có ai nói xấu hay nói tốt, có lọt vào top những công ty có môi trường làm việc được yêu thích.
Ứng viên còn có thể so sánh xem cũng trong ngành nghề đó, lĩnh vực đó, công ty A có gì hay ho hơn công ty B... để ra quyết định tìm bến đỗ ngon lành.
Câu hỏi "Vì sao tôi không tìm được công việc như ý?" vì thế dĩ nhiên sẽ là dành cho chính bạn.
Làm sao biết được bản thân mình như thế nào, phù hợp những công việc gì? Hãy thử trả lời xem, bạn làm việc gì thì bạn thấy mê, thấy thích, thấy không tiếc thời gian đã dành cho nó? Tương tự, bạn ghét phải làm những việc gì?
Bạn xem thử điểm mạnh của mình là gì, điểm yếu của bạn là gì? Hãy thử trả lời xem, bạn muốn trở thành một người như thế nào trong 1, 3, hay 5 năm nữa? Giấc mơ trở thành một bác sĩ giỏi là của chính bạn hay do ba mẹ gán cho? Mục tiêu của bạn khi ứng tuyển vào công việc này là gì, kiếm tiền mua nhà trong vòng hai năm hay tích cực học hỏi một mảng mà bạn muốn sẽ rành rọt sau sáu tháng nữa?
Trong cuốn sách Business Model You (đã được dịch sang tiếng Việt với tên Tạo lập mô hình kinh doanh cá nhân), tác giả Tim Clark cùng các cộng sự của mình đã chia sẻ một công cụ có tên là Điểm vàng sự nghiệp.
Theo đó, bằng việc vẽ ra ba vòng tròn, gồm: Sở thích; Kỹ năng, năng lực và Tính cách, và sau đó liệt kê một cách trung thực những đặc điểm này, bạn đã hoàn thành được bước đầu tiên việc nhận diện mình là ai.
Hãy tìm những công việc, thỏa được sự giao nhau của ba vòng tròn này, để cuộc sống bạn có ý nghĩa, làm được điều mình thích, và dĩ nhiên thu nhập cũng vì thế tương xứng.
Trước khi tìm việc, nhảy việc... thậm chí ngay từ khi chọn giảng đường đại học để bước vào, nhớ nghiêm túc trả lời những câu hỏi trên.
Hiện nay, một xu hướng tuyển dụng cũng đang được áp dụng là cả hai làm quen qua những buổi định hướng, qua một vài ngày nhận vào làm việc thử, thậm chí tham gia một vài cuộc họp của công ty.
Đây chính là cách giúp cho cả ứng viên lẫn nhà tuyển dụng biết được phần nào liệu mình có "thuộc về nhau", và nếu không phù hợp thì nên “chia tay sớm cho bớt đau khổ”, lợi cả đôi đường.
Liệu bạn đã tận dụng tốt điều này để xem công việc ấy, môi trường ấy có phù hợp với mình?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận