11/08/2023 08:52 GMT+7

Vết loét trong miệng cũng có thể chỉ báo ung thư

Khi có cảm giác dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, người bệnh nên đi khám để phát hiện sớm ung thư lưỡi. Bởi những vết loét trong miệng gây đau đớn, không ăn được, nổi hạch… có thể chỉ báo ung thư giai đoạn muộn.

Phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K - Ảnh: BVCC

Phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K - Ảnh: BVCC

Không ngờ chỉ một vết loét mà là ung thư

Bệnh nhân nam 52 tuổi, tự dưng thấy đau vùng lưỡi, đặc biệt khi ăn uống và đánh răng. Đi khám phát hiện có một vết loét 1cm, xơ chai, bờ khá cứng, dễ chảy máu, bên cạnh đó có 2 chiếc răng hàm số 5, 6 bị mòn vẹt.

Đặc biệt, qua khám và siêu âm phát hiện thêm một vài hạch vùng cổ, kích thước từ 0,8-1,2cm, ranh giới không rõ, mất cấu trúc hạch, nghi ngờ hạch ác tính. 

Chọc tế bào hạch cho kết quả: hạch di căn của ung thư biểu mô. Bệnh nhân được chẩn đoán là ung thư lưỡi di căn hạch cổ. Cả bệnh nhân và người nhà đều vô cùng ngỡ ngàng, không thể nghĩ rằng chỉ một vết loét ở lưỡi thôi mà nghiêm trọng như vậy…

GS.TS Nguyễn Bá Đức, phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho biết ung thư lưỡi là u ác tính nguyên phát tại lưỡi, là ung thư thường gặp nhất trong các ung thư vùng khoang miệng, chiếm 30 - 40%.

Thống kê của Hiệp hội Ung thư Mỹ, trên toàn thế giới hằng năm có khoảng 263.900 ca mắc mới và khoảng 128.000 trường hợp tử vong do loại ung thư này. 

Ở Việt Nam, theo ghi nhận ung thư của Bệnh viện K năm 1995 - 1996, tỉ lệ mắc ung thư khoang miệng ở nam là 2,9/100.000 dân/năm, nữ là 2,7/100.000/năm. 

Giai đoạn 2001 - 2004 ở 5 tỉnh thành (Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ) cho thấy tỉ lệ mắc ung thư khoang miệng ở nam là 4/100.000 dân/năm, nữ 2,7/100.000 dân/năm. Ung thư lưỡi thường gặp ở lứa tuổi từ 50 - 60, nam gặp nhiều hơn nữ, tỉ lệ nam/nữ = 3/1.

Chưa có thống kê những năm gần đây nhưng con số trên thế giới có gia tăng.

Biểu hiện ban đầu của bệnh rất mờ nhạt, người bệnh có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi rất khó chịu nhưng qua đi nhanh, bệnh nhân không có cảm giác đau ở giai đoạn đầu nên người bệnh thường chủ quan và không đi khám.

Đến lúc đau khi ăn uống, đau kéo dài gây khó khăn khi nói, nhai và nhất là lúc ăn thức ăn cay, nóng, đôi khi đau lan lên tai, toàn thân sốt do nhiễm trùng, nước bọt tăng tiết, nhổ ra nước bọt lẫn máu, hơi thở hôi (do hoại tử tổn thương gây ra); 

Vết loét lâu ngày, màu trắng hoặc đỏ ở hai bên lưỡi (có thể hơi đau hoặc không đau), hạch cổ xuất hiện, khó khăn khi nói, nhai, chảy máu lưỡi, đau tai… đi khám thì có khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, di căn đến phổi, gan hoặc xương…

"Rất nhiều bệnh nhân nhầm ung thư lưỡi với nhiệt miệng tái đi tái lại nhiều lần. Khám lưỡi: tìm thấy ở lưỡi có một điểm nổi phồng lên với sự thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc tổn thương là vết loét nhỏ. 

Sờ thấy tổn thương chắc, rắn, không mềm mại như bình thường. Muộn hơn là ổ loét ở lưỡi, trên ổ loét phủ giả mạc dễ chảy máu, loét phát triển nhanh, lan rộng làm lưỡi bị hạn chế vận động, không di động được. 

Đôi khi không có dấu hiệu loét đó là một nhân lớn gắn chặt xuống lớp dưới, nhô lên dưới lớp niêm mạc căng nhẵn, có màu tím nhạt, lớp niêm mạc lỗ rỗ những lỗ nhỏ, khi ấn vào sẽ làm rỉ ra một chất trắng, sản phẩm của hoại tử ở phía dưới..." - GS Đức nhấn mạnh.

Nhiều thói quen gây bệnh

Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, Bệnh viện K, ung thư lưỡi là loại ung thư khoang miệng thường gặp nhất. Các triệu chứng của bệnh ung thư khoang miệng giai đoạn đầu khó được phát hiện vì nó tương tự các triệu chứng viêm nhiễm bình thường ở khoang miệng. 

Vì vậy, nếu thấy vết loét trong miệng kéo dài quá 2 tuần không đỡ (loét môi, lợi, lưỡi… dễ nhầm với nhiệt miệng), đau vùng miệng, ăn nhai nuốt khó, chảy máu, vận động lưỡi kém, nổi hạch vùng cổ, bất thường răng lợi… thì cần đi khám.

Ở hầu hết các trường hợp ung thư lưỡi không tìm được nguyên nhân bệnh sinh, tuy nhiên người ta thấy rằng có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh bao gồm:

- Hút thuốc lá: nghiên cứu của Gehanno cho thấy nếu hút 15 điếu/ngày kéo dài 20 năm, nguy cơ mắc ung thư cao gấp 5 lần so với người không hút.

- Uống rượu: nghiên cứu của Brian nếu hút thuốc và uống rượu thì nguy cơ mắc ung thư dầu mặt cổ tăng lên 10 - 15 lần. Theo Abraham và cộng sự (2010), tỉ lệ này là 15 - 40 lần.

- Nhai trầu: cũng là yếu tố nguy cơ trong ung thư khoang miệng. Người nhai trầu có nguy cơ mắc cao gấp 4 - 35 lần so với người không nhai trầu.

- Tình trạng vệ sinh răng miệng: vệ sinh răng miệng kém, hàm răng giả không tốt, răng mẻ kích thích lâu ngày đưa đến dị sản và ung thư.

- Nhiễm vi rút: nhiễm HPV, đặc biệt là type 2, 11, 16, 19 đã được chứng minh gặp nhiều trong ung thư khoang miệng.

- Chế độ dinh dưỡng: chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin A, E, D, sắt, trái cây cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ gây ung thư khoang miệng.

- Các tổn thương tiền ung thư: bạch sản, hồng sản, loạn sản.

Phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh ung thư lưỡi với mục đích điều trị triệt căn cần phải phẫu thuật rộng để lấy hết tổ chức ung thư đôi khi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh: ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chức năng nhai, nuốt, nói... của bệnh nhân.

Giai đoạn muộn hơn thì điều trị hóa trị trước phẫu thuật nhằm mục đích thu nhỏ kích thước u, sau đó cắt nửa lưỡi và vét hạch cổ. Xạ trị áp dụng trong các trường hợp giai đoạn muộn không còn chỉ định phẫu thuật.

Điều đáng nói là ung thư lưỡi có nguy cơ tái phát và biến chứng di căn rất cao.

AI có thể phát hiện ung thư vú chính xác hơn 20%AI có thể phát hiện ung thư vú chính xác hơn 20%

'Đọc' phim X-quang, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể phát hiện ung thư vú chính xác hơn 20% so với phương pháp sàng lọc truyền thống.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên