Tranh sơn mài khỏa thân của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình (vẽ năm 1983) từng không qua được cửa hải quan |
Vẽ nude không mẫu
Hơn 20 năm vẽ tranh nude với ít nhất 30 tác phẩm, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình (TP.HCM) cho biết anh chưa từng dùng mẫu nude trực tiếp, trừ những ngày tháng ngồi trên ghế nhà trường.
Giải thích về lý do vẽ nude không mẫu, anh tiết lộ một phần vì ngại ảnh hưởng đến gia đình, một phần vì khả năng dựng hình vững, nên không nhất thiết phải có mẫu nude. Phần lớn họa sĩ Bình vẽ dựa trên trí nhớ và cảm hứng rung động.
Tuy nhiên để tránh bị “tai nạn” cho mình và cho người mẫu được vẽ theo trí nhớ, anh cho biết mình chưa hề thể hiện cụ thể một ai trên tranh khỏa thân của mình.
Các cô gái trong tranh nude của anh rất tự nhiên và duyên dáng khỏa thân với nhiều tư thế quen thuộc trong sinh hoạt đời sống như nằm ngủ, mặc quần áo, buộc tóc, cởi đồ…, nom rất gần gũi và không hề dung tục.
Cũng nhiều họa sĩ chia sẻ họ khá khó khăn trong việc tìm kiếm người mẫu tranh nude trẻ đẹp. Phần lớn người mẫu trẻ đều thấy ngại ngùng khi được họa sĩ mời vẽ nude.
“Có xưởng riêng, dẫu vợ con thông cảm, cam kết không ngó ngàng hoặc can thiệp tới việc vẽ nude mà có cô nào trẻ đẹp chịu ngồi mẫu nude đâu. Người tình nguyện làm mẫu nude thì tuổi lại quá lứa, người lại không đẹp, không gây được cảm hứng để vẽ” - một họa sĩ xin giấu tên chia sẻ.
Cũng có trường hợp họa sĩ bị vợ hoặc bạn gái “làm tình làm tội”, bị dằn vặt đủ kiểu khi biết chồng/bạn trai mình sắp vẽ tranh nude. Vì vậy, không ít họa sĩ để tránh rắc rối đã bỏ qua đề tài này.
“Phần lớn tôi vẽ vợ mình vì thuê mẫu nude rất khó. Một số mẫu nude của tôi đều là người quen. Người lạ họ ngại lắm, không dám ngồi nude đâu” - họa sĩ Bùi Văn Tuất (Hà Nội), người từng vẽ 20 bức tranh nude, cho biết.
Lại có họa sĩ lớn tuổi cho biết nhiều năm trước kia, khi một lần đang say sưa vẽ tranh nude có mẫu, công an phường dẫn tổ dân phố đột ngột ập vào nhà đòi lập biên bản vì tội “đồi trụy, trái với thuần phong mỹ tục”.
Sự cố bất thình lình này khiến họa sĩ hết sức lúng túng và cô người mẫu đang không có một mảnh vải che thân ngượng chín người, từ đó bỏ luôn bức tranh đang dang dở.
Cũng chính vì thái độ chưa cởi mở khi nhìn nhận cái đẹp tự nhiên của con người, không ít người vẽ và cả người mua tranh nude đều phải giấu giấu giếm giếm vì ngại bị “đánh giá về đạo đức”.
Năm 1983 từng có một ông Việt kiều Pháp mua một bức tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, khi ra đến sân bay bị hải quan kiểm tra, ách lại và không cho qua nên tranh đành gửi lại nhà họa sĩ.
Bức sơn mài khỏa thân này sau đó từng được gửi đi dự triển lãm hai lần nhưng cả hai lần đều bị cấm không được trưng bày. Được biết họa sĩ Bình vẽ bức tranh này kéo dài mất hai năm, dựa trên bức ký họa của một người bạn họa sĩ khác.
Tranh sơn dầu khỏa thân của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình cũng đắt đỏ không kém các thể loại tranh khác của anh |
Tìm đường đi cho tranh nude
Họa sĩ Bùi Văn Tuất cho biết anh vẽ tranh nude chủ yếu để chơi, vẽ vì yêu thích và vì muốn tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ chứ chưa có thị trường cho dòng tranh này.
“Cũng có một số khách hàng đặt hàng cho tôi, phần lớn là khách nữ đơn thân, sống độc thân hoặc đã ly dị. Họ muốn vẽ tranh nude để làm kỷ niệm. Tranh vẽ xong, họ mang về cất kín trong phòng ngủ. Họa sĩ còn phải cam kết không tiết lộ tranh nude của khách".
"Một số khách đặt hàng nhưng ngượng ngùng không chịu cởi đồ ngồi lâu, bắt họa sĩ phải kết hợp mẫu với ảnh để vẽ. Tuy nhiên vẽ tranh nude qua ảnh rất bị hạn chế về cảm xúc” - họa sĩ Bùi Văn Tuất nói.
Họa sĩ cũng cho biết các tranh nude sau khi vẽ được gửi tại các phòng tranh nhưng bán rất chậm. Tuy nhiên họa sĩ Tuất cho biết anh không kén chọn mẫu nude, vì theo anh, không có mẫu xấu, chỉ có điều họa sĩ chưa chọn được góc nhìn để lột tả được hết cái đẹp mà thôi.
Trái lại, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình lại cho rằng không có sự khác biệt nhiều trong việc “tiêu thụ” tranh khỏa thân với các chủ đề, vì khách hàng quan tâm đến “phong cách vẽ”, chứ không phải “chủ đề” và 95% tranh khỏa thân anh vẽ bởi được khách đặt.
“Chính xác hơn là tôi có nhiều đối tượng mua tranh. Mỗi đối tượng quan tâm đến một chủ đề, nhưng tất cả đều có chung một ấn tượng về phong cách, nghĩa là cách vẽ, chứ không phải là vẽ gì…” - họa sĩ Bình giải thích.
Ý kiến của họa sĩ Bình đã nhận được sự đồng thuận của không ít họa sĩ. Nhiều người nhất trí cho rằng không có thị trường riêng cho tranh khỏa thân vì trong hội họa, không có sự phân biệt đó…
Tranh là tranh, còn vẽ gì là một yếu tố, nhưng để có một nhận thức đúng về tranh khỏa thân thì cần một thời gian (thậm chí rất dài) để thay đổi cái định kiến quá cũ, quá sâu của người Việt về chuyện khỏa thân.
“Nude là đề tài tế nhị, nếu người nghệ sĩ không tinh tế thì dễ đưa nó theo cách nhìn mang tính phản cảm và dục vọng, một điều rất khó trong nghệ thuật và văn hóa phương Đông. Tôi thật sự không thể biết thị trường tranh nude sẽ phát triển thế nào nhưng tôi mong muốn sự nhìn nhận tốt hơn, đón nhận nghệ thuật nude một cách cởi mở hơn. Tôi biết còn rất nhiều người có định kiến với tranh nude… Thật ra các họa sĩ chúng tôi không quá áp lực về điều này. Việc chúng tôi cần làm là phải làm việc tốt, truyền tải sự thẩm mỹ tích cực và hi vọng nó sẽ thuyết phục người xem nhìn nhận tranh nude thoáng hơn, thẩm mỹ hơn là định kiến về sân si nhục dục” - họa sĩ Trần Ngọc Bảy. |
Tranh nude của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình cũng đắt đỏ không kém các thể loại tranh khác của anh - Ảnh: NVCC |
Tranh của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình - Ảnh: NVCC |
Tranh của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình - Ảnh: NVCC |
Tranh của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình - Ảnh: NVCC |
Tranh nude của họa sĩ Bùi Văn Tuất - Ảnh: NVCC |
Tranh nude của họa sĩ Bùi Văn Tuất - Ảnh: NVCC |
Tranh nude của họa sĩ Bùi Văn Tuất - Ảnh: NVCC |
Tranh nude của họa sĩ Bùi Văn Tuất - Ảnh: NVCC |
Người chịu chi 25.000 USD để sở hữu bức “Cô gái thỏ” trong phiên đấu giá tại Hà Nội vừa qua là ông Christopher, tổng giám đốc điều hành Playboy tại Việt Nam - Ảnh: NVCC |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận