Đoàn Hồng Lê đã nhận được 20.000 USD của Liên hoan phim DMZ để thực hiện phim tài liệu Những lời cuối cùng của cha tôi - Ảnh: FB nhân vật |
Những lời cuối cùng của cha tôi (đạo diễn Đoàn Hồng Lê, nhà sản xuất Trịnh Đình Lê Minh) là một bộ phim về tình yêu.
Cha của đạo diễn Đoàn Hồng Lê năm nay đã hơn 80 tuổi. Xuất thân trong một gia đình tiểu thương ngành tơ lụa ở miền Trung, năm 1945 khi đội VN tuyên truyền giải phóng quân cùng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu với bài hát Đoàn Giải phóng quân đi qua làng ông, những đoàn quân cầm gậy tầm vông hát những lời ca hào hùng đã đưa ông đến với cách mạng bằng một tình yêu hồn nhiên trong sáng.
Tình yêu ấy đã theo ông suốt cuộc đời. Bây giờ ông đang phải đối mặt với căn bệnh Alzheimer, trí nhớ của hiện tại mất đi nhưng những ký ức về quá khứ đẹp đẽ hình như luôn được tắm gội trong tình yêu đó nên vẫn còn nguyên vẹn trong tiềm thức.
Những lời cuối cùng của cha tôi sẽ ghi lại các câu chuyện cuối cùng của một người cha tuổi gần đất xa trời kể cho con gái nghe.
Vừa trở về Đà Nẵng sau chuyến bay dài từ Hàn Quốc, Đoàn Hồng Lê đã có một “gia tài” nho nhỏ là 20.000 USD tiền thưởng để đi tiếp con đường hoàn thành dự án phim tài liệu của mình...
* Hồng Lê tin rằng VN, ngoài chiến tranh vẫn còn đề tài khác là mỏ vàng cho các nhà làm phim tài liệu?
- Khán giả nước ngoài rất quan tâm đến những câu chuyện của xã hội VN ngày nay, nhất là lớp khán giả trẻ, không có ký ức về chiến tranh VN. Người làm phim là con người của hiện tại, anh ta có nhìn quá khứ thì cũng phải bằng lăng kính của thời hiện tại, vì vậy chiến tranh cũng chỉ là một hình ảnh phản chiếu trong tấm gương của xã hội đương đại.
Đúng là hình ảnh truyền thống của VN trong mắt thế giới là một đất nước gắn liền với chiến tranh, nhưng không có nghĩa chỉ có chiến tranh mới là “của để dành”.
Chiến tranh là một phần lịch sử của đất nước, cũng như những cuộc chiến khác đang xảy ra hằng ngày hằng giờ trên thế giới là một phần của lịch sử nhân loại. Nhưng nghĩ cho cùng, nhân loại đều chia sẻ những giá trị chung: tình yêu, hòa bình, niềm tin... chia sẻ các cảm xúc chung: hạnh phúc, tiếng cười, nỗi thống khổ, niềm đau...
Và nghệ thuật là phương tiện để giãi bày. Tôi tin không chỉ VN mà bất kỳ xã hội nào cũng đều có thể là mỏ vàng đối với phim tài liệu.
* Để thế giới lắng nghe mình thì những gì là cần và đủ với một phim tài liệu khi đem ra bên ngoài?
- Nếu một người làm phim tiếp cận một nhà sản xuất hoặc phát hành phim ở nước ngoài, câu hỏi đầu tiên đặt ra là: “Tại sao khán giả nước ngoài phải quan tâm đến một câu chuyện xảy ra ở VN? Có gì liên quan giữa câu chuyện này với những xã hội khác?”.
Tại sao chúng ta khóc, cười, hi vọng, thất vọng, lo lắng, hồi hộp dõi theo số phận của những con người xa lạ, nói ngôn ngữ xa lạ, sống trong những cộng đồng xa lạ, hành xử theo những chuẩn mực văn hóa dị biệt trên màn ảnh, trong tiểu thuyết?
Bởi vì là con người, chúng ta ai cũng yêu, cũng ghét những điều giống nhau. Vậy nên: cần là tính địa phương. Đủ là tính toàn cầu. Kể những câu chuyện mang bản sắc của đất nước mình nhưng hướng đến những mối quan tâm chung của con người, câu chuyện sẽ được lắng nghe và thấu hiểu.
* Hình như nhóm các bạn làm phim tài liệu Varan (phong cách tài liệu trực tiếp từ Pháp) khá lặng lẽ, cách nào để Varan vẫn gắn kết với nhau và ngày càng mạnh hơn?
- Sau 11 năm từ những khóa học đầu tiên của Varan ở VN, không nhiều người theo đuổi con đường làm phim độc lập bởi nó quá nhọc nhằn.
Nhưng các thành viên Varan gắn kết với nhau chỉ bằng một thứ duy nhất: tình yêu đối với điện ảnh trực tiếp, mong muốn sản xuất được những bộ phim kể về thời chúng ta đang sống bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh trần trụi không son phấn nhưng giàu cảm xúc và mang vẻ đẹp khắc nghiệt của hiện thực.
Vì vậy mà chúng tôi dễ dàng chia sẻ với nhau các ý tưởng, đường hướng thực hiện một bộ phim cũng như hỗ trợ nhau trong khâu sản xuất, tìm tài trợ và phát hành.
Liên hoan phim quốc tế DMZ: Hòa bình và thấu hiểu Liên hoan phim quốc tế DMZ được tổ chức hằng năm tại Hàn Quốc, đây là năm thứ bảy với chủ đề Hòa bình và thấu hiểu. Trên trang web của liên hoan phim giải thích: “Bạn có thể “shoot” (chơi chữ, có nghĩa là bắn, còn nghĩa kia là quay phim) bằng một khẩu súng hoặc một chiếc camera. Súng là một vũ khí, còn camera là phương tiện để đối thoại. Chỉ có đối thoại mới dẫn đến hòa bình. Bạn có thể “shoot” bằng cả hai, nhưng kết quả sẽ khác nhau: một bên là cái chết, một bên là sự thấu hiểu; một bên là chia cắt, một bên là hòa bình”. Dự án Những lời cuối cùng của cha tôi đã được chọn lựa từ gần 150 dự án của các nhà làm phim độc lập khắp châu Á gửi đến. Câu chuyện về một VN ngày nay đặt trong những liên kết lịch sử và văn hóa với phần còn lại của thế giới đã gây được chú ý. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận