22/04/2015 08:01 GMT+7

​Vẽ chân dung người lính Trường Sa

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Không chỉ mang đến cho những người lính đang gìn giữ biển đảo của Tổ quốc tình cảm nồng ấm từ đất liền, các họa sĩ còn hào hứng vẽ thật nhiều chân dung người lính trên đảo.

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân tặng một chiến sĩ trẻ trên đảo Trường Sa Đông bức tranh ký họa chân dung vừa thực hiện - Ảnh: Bùi Quang Đức

11 ngày lênh đênh trên biển với nhiều xúc cảm, ấn tượng sâu sắc với nhiều họa sĩ chính là những gương mặt trẻ trung giữa muôn trùng sóng gió.

“Họ đang ở lứa tuổi đẹp nhất của đời người, lứa tuổi đẹp nhất của sự dâng hiến và họ đã dâng hiến cho Tổ quốc, cho chủ quyền biển đảo Việt Nam bất chấp mọi hiểm nguy gian khó. Dù nắng gió Trường Sa làm nước da họ rám nắng, nhưng đó là những gương mặt người trẻ đẹp nhất mà tôi gặp...” - họa sĩ Trần Luân Tín tâm sự.

Như thấy lại tuổi trẻ của mình

Họa sĩ Trần Luân Tín từng có mặt trong sự kiện mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại thành cổ Quảng Trị, rồi có mặt trong đoàn quân tiếp cận Sài Gòn đúng ngày 30-4-1975. Tháng 4 này, Trần Luân Tín lại theo một đoàn công tác ra Trường Sa. Ông đi để vẽ chân dung lính đảo.

Hành trang mang theo của người lính già trong những ngày tháng 4 biển lặng, ngoài những vật dụng cá nhân, còn có màu vẽ, giấy và một giá vẽ cầm tay loại nhỏ.

Bất kể nơi đâu bắt gặp hình ảnh người lính hải quân, ông rút giá vẽ trong chiếc túi vải đeo bên hông, hoặc đứng hoặc ngồi để phác thảo chân dung các chiến sĩ. Ông nói trong niềm xúc cảm: “Như thấy lại được hình ảnh của mình hơn 40 năm trước”.

Năm xưa khi vào bộ đội, họa sĩ Trần Luân Tín cũng chỉ 19, 20 tuổi như những người lính đảo bây giờ đang ngồi trước mặt ông, dưới tán cây bàng vuông còn sót lại một bông hoa nở đêm qua. Những gương mặt trong vắt ấy đang kể đầy nhiệt huyết về ước mơ cũng như nhiệm vụ của mình khi tình nguyện ra đảo.

Còn ông họa sĩ già thì chăm chú lắng nghe, chăm chú quan sát từng nét mày, ánh mắt, nụ cười của người chiến sĩ, để rồi 10 phút sau trân trọng tặng chiến sĩ ấy bức ký họa chân dung sinh động.

Lần đầu tiên được một họa sĩ vẽ chân dung trong bộ quân phục hải quân, chiến sĩ Đỗ Văn Vinh (20 tuổi) đã xúc động đến tần ngần.

Cầm bức ký họa trên tay, người lính trẻ lúng túng cảm ơn người lính già: “Đây là lần đầu tiên cháu được vẽ chân dung, cháu rất cảm ơn bác. Cháu không nghĩ rằng ở nơi đầu sóng ngọn gió này cháu lại được quen bác”.

Đến với đảo Trường Sa Đông được bảy tháng, Vinh cũng như nhiều đồng đội trên đảo đang ngày đêm vững tay súng để bảo vệ vùng đảo, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

“Ở đảo bây giờ không còn thiếu thốn như ngày trước, đi làm nhiệm vụ như chúng cháu đầy đủ hơn thế hệ cha anh nhiều. Gia đình ở nhà cũng động viên và dặn cháu yên tâm công tác, đảo của mình, mình phải giữ, không chỉ giữ cho mình mà còn giữ cho 90 triệu người Việt Nam” - Vinh nói, trước khi cất bức chân dung và chào tạm biệt bác họa sĩ.

Trong suốt 11 ngày của chuyến công tác, họa sĩ Tín đã có mặt trên tám đảo và điểm đảo của quần đảo Trường Sa. Bất chấp sóng to và những nguy hiểm có thể đến với những người lớn tuổi, mỗi khi trên tàu có thông báo chuẩn bị ra xuồng là ông tất tả gói giấy, gói chì, bảng vẽ vào chiếc bao nilông đặc dụng chống nước.

“Đồ dùng gì cũng có thể thiếu chứ giấy vẽ thì không thể thiếu” - ông cười và chìa ra tập giấy vẽ mà ông đã mua từ rất nhiều ngày trước để chuẩn bị cho chuyến hành trình dài ngày trên biển.

Họa sĩ Trần Luân Tín trao một bức ký họa chân dung cho chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông - Ảnh: Hoàng Điệp
Dù nắng gió Trường Sa làm cho nước da họ rám nắng, nhưng đó là những gương mặt người trẻ đẹp nhất mà tôi gặp...
Họa sĩ TRẦN LUÂN TÍN

Chậu xương rồng bằng vỏ sò của chiến sĩ 

Xuất phát từ Hà Nội, họa sĩ Chu Anh Phương - giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam - cũng chuẩn bị rất nhiều thứ để ra Trường Sa thăm lính đảo.

Đây là lần đầu tiên anh có chuyến hành trình dài trên biển nên rất háo hức và kèm thêm lo lắng: “Lo vì không biết sóng gió ngoài đó ra sao, nhưng tôi háo hức vì sẽ được thấy biển, thấy đảo của mình, thấy được những người lính đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta”.

Đi, quan sát và vẽ. Vẽ thật nhanh. “Chúng tôi không có nhiều thời gian ở mỗi đảo, bởi vậy chỉ có thể ký họa nhanh những hình ảnh đẹp, những con người đẹp nơi hải đảo xa xôi - nơi phần máu thịt không thể tách rời của đất nước Việt Nam” - họa sĩ Phương kể.

Có khoảng 15 bức ký họa chân dung chiến sĩ đã được anh vẽ tặng chiến sĩ trên các đảo Trường Sa Lớn, Đá Đông A, Trường Sa Đông, Thuyền Chài, Núi Le...

“Đó là những gương mặt trong veo nhưng đầy trách nhiệm trước đất nước, mà trước đó khi còn ở đất liền họ cũng là những cậu bé vô tư, cũng ham chơi, ham vui, có khi cũng cãi người lớn... Rõ ràng ý thức về chủ quyền của đất nước đã khắc họa những nét mới mẻ trên gương mặt họ” - họa sĩ Phương nói.

Nhưng không chỉ có các họa sĩ mang đến bất ngờ cho những người lính đảo. Sau một buổi lên đảo thăm những người lính hải quân, họa sĩ Chu Anh Phương nói anh rất xúc động trước tình cảm của cán bộ, chiến sĩ dành cho các họa sĩ.

“Khi đến đảo Đá Đông A, trên cầu thang lên lầu, tôi nhìn thấy một chậu xương rồng được trồng trong chiếc vỏ sò thật lớn. Thấy tôi ngắm nghía, một chiến sĩ trên tàu đã mang nó xuống, đưa cho tôi mang về tàu. Tôi thích mê cái vỏ sò trồng xương rồng mini ấy. Trên suốt đoạn đường từ đảo về tàu, tôi đã nghĩ rất nhiều” - họa sĩ Phương kể.

Và sau khi ngắm nghía cái cây, anh gửi nó lại xuồng, nhờ các anh mang trả lại cho đảo: “Tôi cứ nghĩ về cây xương rồng đó, vốn nó đã phải sống trên đất khô cằn rồi, lại được trồng trong chiếc vỏ sò, đó là màu xanh thật hiếm hoi trên đảo Đá Đông A, chắc hẳn việc trồng, việc chăm nó không dễ dàng gì.

Ai đã mang nhánh xương rồng ấy ra đây và ai đã chăm cho cây xương rồng ấy lên thật xanh, lại còn mọc được một nhánh bên cạnh nữa, hẳn đã mất rất nhiều công sức và hẳn nó rất quý với anh em.

Nhưng vì quý chúng tôi nên các em đã mang nó xuống xuồng tặng cho tôi. Tôi rất thích, nhưng tôi không thể giữ lại cho riêng mình cái cây đó. Vậy nên tôi đã gửi lại, để cây tiếp tục được bầu bạn với những người lính đảo”.

Vẽ chân dung người lính ở Trường Sa Đông - Ảnh: Bùi Quang Đức

Từ ngày 4 đến 14-4, đoàn công tác số 1 của UBND TP.HCM tổ chức đi thăm và làm việc tại các đảo và điểm đảo, nhà giàn tại Trường Sa.

Trong tổng số 132 đại biểu gồm nhiều thành phần lứa tuổi, còn có 17 họa sĩ đến từ Hội Mỹ thuật Việt Nam và Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam như các họa sĩ Thành Thế Vinh, Nguyễn Thế Sơn, Phạm Duy, Nông Tiến Dũng, Y Nhi K’So, Bùi Quang Đức, Hồ Đình Nam Kha, Thân Trọng Dũng...

Ngoài việc vẽ hình ảnh, các họa sĩ còn chụp nhiều hình ảnh trên các đảo và điểm đảo để phục vụ cho công việc nghệ thuật sau này.

 

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên