23/10/2016 11:07 GMT+7

Vất vả những VĐV lặn

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TT - Lặn là môn VĐV phải tập luyện cực nhọc bởi đòi hỏi người tập cả sức mạnh và sức bền.

HLV Nguyễn Văn Tuấn mátxa cho VĐV trước giờ thi đấu. Ảnh: K.XUÂN
HLV Nguyễn Văn Tuấn mátxa cho VĐV trước giờ thi đấu. Ảnh: K.XUÂN

Môn thể thao cực nhọc

Thật vậy, trong khi các VĐV bơi chỉ xuống nước với bộ đồ bơi trên người thì VĐV lặn phải mang theo bình khí, chân vịt. Ngoài ra, các VĐV phải đối mặt với những căn bệnh kinh niên về viêm đường hô hấp như tai, mũi, họng...

Giơ gan bàn chân chai sần dày cộp, mu bàn chân có nhiều vết lở loét, VĐV 16 tuổi Nguyễn Đăng Nam Hải (Phú Thọ) cho biết mình đã tập bơi 4 năm và tập lặn 2 năm nay. Do thường xuyên đeo chân vịt trong tập luyện nên chân chai sần và đôi lúc rách cả da...

Nam Hải chia sẻ: “So với bơi, tập lặn vất vả hơn nhiều bởi rất tốn sức vì phải mang theo các thiết bị như bình khí, chân vịt (nặng 2-3kg). Ngoài ra, do phải vận động thân dưới nhiều nên lưng, hông, đùi luôn bị quá tải gây đau nhức. Có nhiều buổi tập xong lên bờ chân và người cứng đơ không đi được vì cơ đã căng quá mức nên phải... bò”.

Còn theo VĐV Trần Thị Hương (Thái Bình), cô thường xuyên bị viêm tai, mũi, họng vì quanh năm phải ngâm mình dưới hồ bơi. “Tập môn lặn rất nặng nhọc, mỗi buổi tập xong thậm chí đi không nổi chứ nói gì đến ăn uống” - Hương nói. Dù tập luyện cực nhọc nhưng Nam Hải cho biết chỉ nhận được mức lương 1,2 triệu đồng/tháng.

HLV kiêm bấm huyệt, mátxa

Tại Cung thể thao dưới nước, trước và sau giờ thi đấu môn lặn ở Giải VĐQG 2016, các HLV luôn trong tình trạng quá tải công việc bởi HLV lặn không chỉ làm công việc chỉ đạo chuyên môn mà còn kiêm luôn việc chăm sóc y tế cho VĐV.

HLV Nguyễn Văn Tuấn (Nam Định) vừa cho VĐV khởi động xong đã phải chạy vào phòng thay đồ để bấm huyệt, mátxa cho VĐV trước giờ thi đấu. Anh Tuấn nói: “Chúng tôi phải tự học để biết mátxa, bấm huyệt cho VĐV. Tập môn lặn cột sống bị tác động rất nhiều nên VĐV dễ bị viêm đau cột sống, thậm chí vôi hóa cột sống. Vì thế trước và sau thi đấu các em phải được xoa bóp, bấm huyệt để giải tỏa mệt mỏi, cơ thể có thể hồi phục, tránh chấn thương nặng”.

Hì hục mátxa hết VĐV này đến VĐV khác, chiếc áo của HLV Trần Phương Diện (Quảng Bình) đã ướt sũng vì mồ hôi. Anh Diện cho biết các VĐV thường phải mátxa 30 phút trước khi thi đấu để làm nóng người và giải tỏa mọi mệt mỏi, tạo sung mãn nhất khi thi.

Để chống lạnh khi ngâm mình dưới nước suốt cả ngày, các VĐV lặn truyền nhau kinh nghiệm ăn gừng để cho ấm bụng. Ngoài ra, một số HLV còn mang theo sâm cắt lát để các VĐV ngậm trước khi thi đấu.

Mờ mịt hướng ra

Do là môn thể thao không được đưa vào chương trình thi đấu tại Asiad, Olympic nên môn lặn chỉ được duy trì tập luyện ở các tỉnh, thành, đội tuyển quốc gia hầu như không tập trung.

Ông Nguyễn Trọng Toàn, trưởng bộ môn lặn Tổng cục TDTT, cho biết đến thời điểm này, môn lặn vẫn chưa biết có được đưa vào chương trình thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc 2018 hay không.

Môn lặn có ba loại dụng cụ thi đấu: lặn chân vịt bản lớn (lặn chân vịt vòi hơi), lặn chân vịt đôi, lặn khí tài (có thêm bình khí cầm tay). Mỗi loại dụng cụ lại có nhiều cự ly khác nhau, cự ly dài nhất là lặn vòi hơi chân vịt 1.500m.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên