24/11/2023 09:54 GMT+7

Vật tư trợ lực ngành lúa gạo

Vụ lúa thu đông được mùa được giá, người nông dân có lời nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, ngoài yếu tố quan trọng là nhu cầu lớn và giá xuất khẩu lúa gạo cao, việc giá vật tư nông nghiệp ổn định cũng góp phần giúp nông dân thắng lớn.

Từ tháng 8-2023 đến nay, thương lái tìm mọi cách đặt cọc thu mua lúa của nông dân với giá cao - Ảnh: BỬU ĐẤU

Từ tháng 8-2023 đến nay, thương lái tìm mọi cách đặt cọc thu mua lúa của nông dân với giá cao - Ảnh: BỬU ĐẤU

Dù vậy, theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, để ngành lúa gạo phát triển bền vững, cần có nhiều giải pháp giúp chi phí đầu vào sản xuất lúa tiếp tục giảm, không chỉ với phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật mà cả những giải pháp kỹ thuật.

Lời hơn nhờ giá phân bón ổn định

Chỉ 3ha lúa giống OM 5451 trên cánh đồng ở xã Thạnh Thắng (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) sắp thu hoạch, ông Nguyễn Trung Thu khẳng định lúa vụ này nhìn "đẹp lắm", năng suất có thể tương đương vụ hè thu và đặc biệt là giá lúa ở mức cao, từ 7.800 - 8.000 đồng/kg. 

Trong vụ hè thu 2023 vừa qua, ông Thu thắng lớn do giá lúa cao trong khi giá phân, thuốc ổn định.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền - phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh - cho biết trong vụ hè thu 2023 giá phân bón, thuốc trừ sâu không biến động nhiều nên nông dân lời nhiều hơn với lợi nhuận bình quân gần 23 triệu đồng/ha, cao hơn gần 9,8 triệu/ha so với vụ hè thu 2022. 

Do đó trong vụ thu đông 2023, diện tích xuống giống tại địa phương này tăng hơn 2.500ha so với cùng kỳ.

Theo anh Trầm Quốc Long - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trung Long (đại lý cấp 1, chuyên kinh doanh phân bón ở Sóc Trăng), giá phân bón năm nay khá ổn định. 

Từ đầu năm 2023 đến tháng 7, giá các loại phân bón biến động không đáng kể. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, sau khi Trung Quốc ngưng xuất khẩu phân bón, lập tức giá phân bón trong nước tăng nhẹ. Cụ thể phân urê tăng khoảng 5% và phân DAP các loại tăng trên 10%.

"Nhiều nông dân làm lúa thiếu vốn, mua của đại lý theo hình thức trả sau, bị cộng lãi suất từ 1 - 1,5%/tháng, làm chi phí đội lên, giảm lợi nhuận. 

May là vụ lúa hè thu vừa qua bà con bán được giá cao, tính ra còn lời. Nếu nông dân có vốn tích lũy, mua phân bón, thuốc trừ sâu trả tiền mặt, sẽ giảm chi phí đầu tư đáng kể", anh Long nói.

Giá thành còn có thể giảm thêm

Ông Đặng Kiềm, trưởng Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Châu Thành A, Hậu Giang, cho biết giá thành sản xuất lúa vụ thu đông 2023 trên địa bàn huyện khoảng 4.300 - 4.400 đồng/kg, trong đó phân bón, thuốc trừ sâu chiếm từ 1.720 - 1.760 đồng/kg. 

Nếu giá vật tư biến động mạnh sẽ tác động lên giá thành sản xuất lúa, chưa kể nông dân phải chịu thêm lãi suất do mua thiếu phân, thuốc sâu.

Theo ông Kiềm, năng suất lúa đã đội trần, không tăng thêm được nữa nên ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân tham gia cánh đồng lớn, mua tập trung phân bón, thuốc trừ sâu số lượng nhiều để có giá tốt. 

"Chỉ bón phân đúng ba giai đoạn: mạ, đẻ nhánh và làm đòng sẽ giảm chi phí. Thuốc sâu cũng vậy, áp dụng các chương trình đang thực hiện, giảm giống, rồi 40 ngày đầu không phun thuốc cũng giảm được 1-2 lần phun...", ông Kiềm phân tích.

Ông Trần Thanh Vũ - tổng giám đốc Công ty TNHH Syngenta Việt Nam - cho biết đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan ban ngành triển khai một số sáng kiến mới nhằm thúc đẩy chất lượng lúa gạo, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các nước nhập khẩu và tạo dựng danh tiếng vững chắc. 

Chẳng hạn với quy trình GroMoreTM (tích hợp các biện pháp kỹ thuật canh tác áp dụng theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa), do đơn vị này nghiên cứu, đã giúp nông dân giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật và số lần phun thuốc, góp phần kéo giảm đáng kể chi phí sản xuất.

"Chúng tôi cũng kết hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa, điển hình như giải pháp dùng máy bay không người lái (drone) trong phun thuốc bảo vệ thực vật. Nông dân tham gia mô hình rất phấn khởi khi dịch hại được kiểm soát tốt, giảm số lần phun thuốc, tiết kiệm chi phí sản xuất, ổn định năng suất", ông Vũ nói.

Hậu Giang sẽ có thương hiệu lúa gạo riêng

Ông Ngô Minh Long, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết trong năm 2023, địa phương này đăng ký tham gia 18.000ha theo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL. Diện tích này vào năm 2025 sẽ là 45.000ha.

Trong đó 18.000ha nằm trong dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (dự án VnSAT) của Bộ NN&PTNT. Với dự án này, nông dân canh tác theo quy trình giảm lúa giống, giảm bón phân, giảm tưới nước… và giảm được phát thải nên thuận lợi khi tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

"Hậu Giang đang tiến tới một bước nữa là sản xuất lúa gạo ra đóng bao bì có đóng nhãn hiệu, thương hiệu riêng để xác nhận đây là lúa trồng theo quy trình giảm phát thải thì giá trị hạt gạo mới tăng lên", ông Long nói.

Bàn giải pháp để người trồng lúa hưởng lợi lâu dài

Hôm nay 24-11, tại TP Vị Thanh (Hậu Giang), báo Tuổi Trẻ phối hợp Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo "Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài", với sự tham dự của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, lãnh đạo UBND cấp tỉnh và đại diện sở NN&PTNT các địa phương vùng ĐBSCL cùng các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX...

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia sẽ chia sẻ những giải pháp để người trồng lúa tiếp tục giảm giá thành sản xuất thông qua việc kiểm soát liều lượng phân thuốc, đảm bảo chất lượng lúa gạo, đạt giá trị xuất khẩu; kỹ thuật canh tác của mô hình trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính; các đề xuất ưu đãi chính sách thuế cho vật tư nông nghiệp, các biện pháp đang được xem xét để hỗ trợ ngành lúa gạo; dự báo tình hình tiêu thụ, kế hoạch sản xuất lúa gạo cho những năm tiếp theo...

Đặc biệt các doanh nghiệp, nông dân cũng sẽ có những chia sẻ, đề xuất giải pháp liên kết, hợp tác để các thành phần trong chuỗi giá trị lúa gạo đều thắng. Đồng thời tại hội thảo cũng bàn sâu về mô hình trồng lúa bán tín chỉ carbon, ứng dụng blockchain vào đề án xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL...

* TS Trần Hữu Hiệp:

Phải hiện đại hóa chuỗi giá trị hạt gạo

Vật tư trợ lực ngành lúa gạo- Ảnh 2.

Gạo Việt đã vượt qua gạo Thái, đang có giá bán cao nhất trên thị trường toàn cầu.

Chưa hết năm 2023 nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo đã vượt mốc kỷ lục hơn 4 tỉ USD, mức cao nhất sau 34 năm VN quay trở lại thị trường xuất khẩu gạo. Xuất khẩu gạo giá cao, nhưng doanh nghiệp kinh doanh lương thực cũng đứng trước nhiều thách thức.

Trúng mùa được giá, nhưng người trồng lúa vẫn chưa giàu.

Những bất cập trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo từ đầu vào, tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ có được tháo gỡ nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn.

Do đó định vị hạt gạo từ cánh cửa rộng xuất khẩu cần tiếp tục thực thi nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững. Trồng lúa chỉ nên xem là một lĩnh vực trong bức tranh tổng thể của ngành nông nghiệp và chiến lược phát triển nông thôn, dịch vụ phi nông nghiệp.

Điều chúng ta cần là sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ tốt hơn và quản lý phù hợp, kết hợp chế biến sâu, phát triển các ngành công nghiệp sau gạo, thương hiệu hóa sản phẩm…, chắc chắn ngành hàng lúa gạo có giá trị gia tăng gấp nhiều lần.

Yêu cầu sắp tới phải tiếp tục thương mại hóa ngành sản xuất lúa gạo, đặc biệt là hiện đại hóa chuỗi giá trị hạt gạo, bao gồm đổi mới thể chế, cải tiến công nghệ, ứng dụng ngày càng nhiều hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng đến sản xuất bền vững hơn, với môi trường, chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt hơn.

* Ông Phùng Quang Hiệp (tổng giám đốc Vinachem):

Cần đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT từ 0-5%

Vật tư trợ lực ngành lúa gạo- Ảnh 3.

Giá các loại phân bón trên thế giới như urê, Dap và Map đều tăng mạnh thời gian qua. Tuy nhiên, giá phân urê trong nước không tăng nhiều và cũng không "nóng" như DAP và MAP do sản xuất urê trong nước hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, trong khi DAP và MAP chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu.

Thêm nữa Vinachem cũng quyết định giảm xuất khẩu phân bón để ưu tiên cung ứng và góp phần giữ ổn định về giá phân bón tại thị trường trong nước.

Tuy vậy để đảm bảo ổn định giá cả phân bón trong bối cảnh biến động của thị trường, Nhà nước phải có chính sách phù hợp để doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh bình đẳng với phân bón nhập khẩu.

Theo đó cần sớm sửa đổi Luật Thuế VAT theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất từ 0-5%. Ngoài ra, chính sách về xuất khẩu phân bón cần linh hoạt do nhu cầu phân bón có tính thời vụ...

Giá lúa gạo sẽ còn tăngGiá lúa gạo sẽ còn tăng

Với việc nhiều nước tiếp tục tăng nhập khẩu gạo, trong đó có gạo Việt Nam, giá lúa bắt đầu 'nóng' trở lại.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên