04/11/2018 17:14 GMT+7

Vành đai tre chống lũ giữ đất bên sông Thu Bồn

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Nếu không có những rặng tre như bức tường thành vững chắc, có lẽ bờ sông và nhiều diện tích đất sản xuất ven sông của người dân ở xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam sẽ bị cuốn theo con nước lũ.

Vành đai tre chống lũ giữ đất bên sông Thu Bồn - Ảnh 1.

Vành đai thành lũy bằng tre quanh xã Đại Cường - Ảnh: LÊ TRUNG

Xã nằm giữa hai con sông Vu Gia và Thu Bồn, đến mùa lũ nơi này giống như một ốc đảo, bốn bề là nước xiết.

Trong khi chờ Nhà nước đầu tư xây kè, nhiều năm nay người dân ở địa phương này đã chủ động trồng tre ven sông để giữ làng, giữ đất.

Mỗi người cùng chung tay trồng tre, bởi đó không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của chúng tôi

Bà NGUYỄN THỊ NĂM

Lá chắn giữ làng

Gần mười năm nay, cứ mỗi lần vào dịp tết, người dân xã Đại Cường lại có một phong trào rất ý nghĩa và thú vị được họ gọi nôm na là "tết trồng tre". Đó là dân làng ra quân trồng tre chống xói mòn đất ở ven bờ sông. 

Chẳng ai bảo ai, họ tất bật đào các bụi tre ở nhà mình rồi đem ra bờ sông, nơi xảy ra cảnh tượng sạt lở khủng khiếp sau mỗi cơn lũ, cùng nhau hì hục, lom khom đào đất trồng. Tiếng cười nói, hô hào vang khắp triền sông Thu Bồn, Vu Gia vui như hội. Những bụi tre được trồng thành hàng ngay ngắn dọc bờ sông.

Đứng trên bờ sông của thôn nhìn hàng tre mới trồng cạnh những bờ tre đã có từ lâu, ông Cao Sang (56 tuổi, thôn 10, xã Đại Cường) phấn khởi cho biết: "Hàng chục hecta đất trồng cây hoa màu của bà con nằm sau những rặng tre ấy. Bà con dân làng năm nào cũng phải kiếm tre trồng thêm cho dày, vừa bảo vệ bờ sông, giảm thiểu sạt lở đất, mà những lũy tre cũng khiến đường làng thơ mộng hơn".

Ông Sang kể nhiều năm trước sau những cơn lũ lịch sử, bờ sông của thôn lại bị sạt lở nghiêm trọng, đất sản xuất của bà con bị nước sông nhấn chìm. Từ thực trạng đó nên năm 2007, bà con dân làng đã "í ới" gọi nhau sau mỗi dịp tết để trồng tre quanh bờ sông. Các lũy tre như bức tường vững chắc, giữ đất, giữ làng trước những cơn lũ cuồng nộ.

Bà Nguyễn Thị Năm (50 tuổi) bảo rằng dân làng ở đây ai cũng rất quý tre. Khi đã trồng thì họ thay phiên nhau chăm sóc. "Mỗi người cùng chung tay trồng tre, bởi đó không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của chúng tôi. Đất hoa màu bà con ở sau mấy rặng tre đó được bảo vệ, ít bị sạt lở, chúng tôi yên tâm sản xuất hơn" - bà Năm bộc bạch.

Phong trào "tết trồng tre" ở Đại Cường được khởi xướng từ hội nông dân xã. Ông Lương Đức Sinh, chủ tịch hội nông dân, cho biết xã Đại Cường có vị trí rất đặc biệt khi bị kẹp giữa hai con sông lớn là Thu Bồn và Vu Gia. 

Đến mùa mưa lũ, lưu lượng nước lũ từ thượng nguồn đổ về rất lớn, nước chảy rất xiết. "Ngân sách khó khăn nên rất ít điểm sạt lở được đầu tư kè, do vậy trồng tre dọc bờ sông là giải pháp duy nhất. Những hàng tre như lá chắn giữ làng, giữ đất trước lũ".

Giải pháp hiệu quả

Theo ông Nguyễn Ngọc Phương - phó chủ tịch UBND xã Đại Cường, việc trồng tre bây giờ đã là thói quen của người dân trong xã. Không cần phải thông báo, cứ đến dịp sau tết, người dân lại tất bật chuẩn bị, đồng loạt ra quân trồng tre, cán bộ xã cũng xắn tay áo trồng với dân. 

Ông Phương cho biết việc trồng tre ở các điểm sạt lở ven sông mang lại hiệu quả rất lớn dù đây chỉ là giải pháp tức thời. Những đợt lũ vừa qua, nước ở các thủy điện thượng nguồn hai con sông Vu Gia, Thu Bồn đổ về, Đại Cường là xã ngập lũ nhiều nhất.

"Trong những năm gần đây qua nhiều đợt lũ lụt lớn, nhiều địa phương trong huyện bờ sông bị sạt lở, đất sản xuất mất đi hàng chục hecta, thế nhưng xã chúng tôi chỉ mất một vài hecta, đó cũng nhờ việc trồng tre" - ông Phương nói. 

Ông Hồ Ngọc Mẫn - phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - cho hay ở những vùng ven sông có nguy cơ sạt lở nặng, mất đất sản xuất, kinh phí để làm kè cứng rất lớn, 1km có thể mất đến 20 tỉ đồng. Trong lúc chờ có chủ trương đầu tư kinh phí kè cứng của tỉnh thì giải pháp phi công trình duy nhất là trồng tre. Việc trồng tre tốn kém không bao nhiêu, có thể tận dụng điều kiện có sẵn của dân.

Ông Mẫn so sánh những xã trồng và không trồng tre, mức độ sạt lở đất ở ven sông chênh lệch khá lớn. Kể cả ở những khu vực có kè rồi nhưng huyện vẫn khuyến khích các xã huy động dân trồng tre ở phần đất phía trong để tạo sự vững chắc. 

Huyện lâu nay luôn là rốn lũ của tỉnh vì hầu hết các xã nằm dọc sông, mỗi lần lũ qua là thiệt hại rất lớn, nhất là sạt lở bờ sông nghiêm trọng nên việc dân chủ động trồng tre là điều rất tốt.

Nhân rộng việc trồng tre

anh-tre

Mỗi dịp tết, người dân xã Đại Cường lại ra quân tham gia trồng tre - Ảnh: L.T.

Đại Cường là địa phương đi đầu trong việc trồng tre giữ làng giữ đất. Huyện lấy xã này làm điểm để phát động, nhân rộng ra nhiều xã như Đại Thạnh, Đại Phong, Đại Hòa... Mỗi năm trên địa bàn huyện đã có hàng nghìn bụi tre được trồng trên gần 10km đất ven sông Vu Gia, Thu Bồn, những điểm thường bị sạt lở đã được phủ kín bởi tre xanh.

Nữ sinh trồng cây trái ở... bãi rác Nữ sinh trồng cây trái ở... bãi rác

TTO - Những lúc ngoài giờ học, nếu muốn tìm gặp Joy Youwakim, cách dễ nhất là tới... bãi rác gần trường đại học Texas ở Austin, Mỹ. Đó là nơi cô thường tranh thủ những lúc rảnh rỗi chăm chút "cánh đồng" của mình.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên