15/07/2013 08:37 GMT+7

Vẫn loay hoay với thương hiệu gạo xuất khẩu

N.TRIỀU - K.NAM
N.TRIỀU - K.NAM

TT - Tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp lần thứ 11 năm 2013 vừa được Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Kiên Giang tổ chức, nhiều đại biểu sốt ruột lên tiếng đề nghị nhanh chóng xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu.

WvFn8bbl.jpgPhóng to
Việc thiếu các thương hiệu gạo xuất khẩu khiến giá xuất khẩu gạo VN luôn đứng ở mức thấp hơn các nước và nông dân là người thiệt hại nặng nhất - Ảnh: H.T.V.

PGS.TS Mai Thành Phụng - trưởng bộ phận thường trực Nam bộ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia - cho rằng việc đưa ra các giải pháp để nâng cao giá trị chuỗi sản xuất, tiêu thụ cho nông dân là yêu cầu bức thiết hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay bị cạnh tranh gay gắt, giá lúa sụt giảm mạnh. Một trong những giải pháp mà ông Phụng cùng nhóm nghiên cứu giới thiệu tại diễn đàn là “xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu từ nền tảng cánh đồng mẫu lớn”.

Theo đó, để xây dựng được thương hiệu gạo cần phải thực hiện hai yêu cầu quan trọng. Một là tính ổn định của chất lượng, sản lượng, thời gian, không gian cung ứng gạo theo nhu cầu và yêu cầu của khách hàng song song với việc xây dựng, quảng bá, tiếp thị, điều hành, bảo vệ và phát triển thương hiệu. Hai là xây dựng và phát triển mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu để đạt đến tính ổn định về chất lượng, sản lượng.

Thạc sĩ Lương Thanh Hải - giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Kiên Giang - cho rằng việc xây dựng, chứng nhận, quảng bá thành công một thương hiệu sản phẩm đã khó, đối với lúa gạo càng khó hơn. Trước hết phải có một bộ giống thuần chủng đặc thù cho từng vùng để tránh tình trạng quá nhiều giống lúa lai tạo dẫn đến các loại thương hiệu rối rắm. Chẳng hạn trên thị trường nội địa hiện nay có cả gạo thơm Thái, gạo thơm Đài Loan... mặc dù chúng đều được canh tác trên những cánh đồng VN.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Anh Nhịn - giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang - nhìn nhận thời gian qua mô hình thí điểm “cánh đồng mẫu lớn” của địa phương này mặc dù thành công bước đầu về diện tích, sản lượng, nhưng đầu ra của hạt lúa chất lượng cao gặp khó do nông dân sản xuất một đằng, doanh nghiệp mua một nẻo. Theo ông Nhịn, mấu chốt của toàn bộ câu chuyện giải quyết đầu ra cho hạt lúa vùng ĐBSCL là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải xây dựng nguyên liệu, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại buổi làm việc với một số tỉnh ở khu vực này trước đó (ngày 11-7).

“Việc xây dựng vùng nguyên liệu sẽ dựa trên các tổ hợp tác, hợp tác xã, nơi nào không có tổ hợp tác, hợp tác xã thì doanh nghiệp phải phối hợp với ngành nông nghiệp, phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng vùng nguyên liệu” - ông Nhịn nói. Theo ông Nhịn, việc xây dựng vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là tối quan trọng. Bởi nó giúp hạt gạo đồng đều và ổn định về chất lượng, sản lượng, từ đó hình thành thương hiệu riêng, chấm dứt tình trạng hạt gạo VN đưa ra thị trường thế giới dưới dạng bán “xô” như hiện nay.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Luật - nguyên viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nông dân là người chịu thiệt nhiều nhất, cực nhọc nhất nhưng hưởng thụ ít nhất trong toàn bộ chuỗi giá trị từ hạt lúa đến bữa cơm trong mỗi gia đình. Ông Luật cho rằng để giải bài toán tăng phần thụ hưởng của nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, có thể đơn cử cách làm khá hay của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang. Cụ thể, doanh nghiệp xây dựng nhà máy hiện đại chế biến lúa gạo hàng hóa công suất lớn, hợp tác liên kết với nông dân hình thành những vùng nguyên liệu bao gồm phần lớn diện tích của các nông hộ tham gia “cánh đồng mẫu lớn” nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu lúa thuần giống cho nhà máy hoạt động. Thành lập đội ngũ cơ hữu gồm nhiều kỹ sư trẻ “cùng nông dân ra đồng”... “Đây là tín hiệu rất đáng mừng đối với bà con nông dân ta, cho thấy mối liên kết “bốn nhà” đang dần trở thành hiện thực” - ông Luật nói.

N.TRIỀU - K.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên