10/06/2005 19:53 GMT+7

Văn học hải ngoại: "Dòng riêng" có gặp "dòng chung"?

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN (Báo Sài Gòn tiếp thị)
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN (Báo Sài Gòn tiếp thị)

Ba mươi năm, có lẽ, kịp thời để tìm một diện mạo văn học. Nhưng quả thật, với bạn đọc trong nước, những nhà văn hải ngoại vẫn còn quá xa lạ.

yfOV1oE6.jpgPhóng to

Lâu lâu người ta lại đón nhận một vài cuốn sách của nhà văn hải ngoại đáng đọc, thoát ra được cái không khí, mặt bằng chung của văn học trong nước, thoát ra khỏi giọng điệu quá khích của những hội nhóm ồn ào bên ngoài.

Văn học hải ngoại, bản thân cũng chia nhiều hướng; tuy nhiên với bạn đọc VN, chúng ta chỉ nên xét trên cơ sở những gương mặt đã xuất hiện tác phẩm và gắn bó với dòng chảy của văn học trong nước, có tác động không những với cộng đồng nơi nhà văn sống và viết mà còn với người đọc trong nước.

Trong vòng khoảng 5 năm trở lại đây, có thể nói, lực lượng này đã có nhiều đóng góp, thậm chí có những tác phẩm sau khi được in tại quê nhà, thực sự gây bất ngờ đối với những đồng nghiệp trong nước lâu nay mãi lúng túng không tìm được cái nhìn mới về những vấn đề đời sống đương đại.

Khoảng năm 2000, xuất hiện Phạm Hải Anh với tập truyện ngắn Đi hết đường mưa (NXB Hội Nhà văn) được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt và được giải thưởng Hội Nhà văn VN. Phạm Hải Anh sống ở Amsterdam, nhưng những trang viết của chị gần gũi và thân thương với hình ảnh một Hà Nội, VN của ký ức, của những câu chuyện buồn và cảm động.

Trong khi đó, văn chương của Lê Minh Hà trong Những giọt trầm (NXB Hội Nhà văn) hay Mai Ninh với Ảo đăng, Cá Voi trầm sát (NXB Trẻ) lại gây ấn tượng bởi cái nhìn sắc sảo và đôi khi lạnh lùng, phần nào lột tả được thân phận tâm thế của những người gốc Việt trong sự đối chọi và xung khắc văn hóa, bản sắc với môi trường những đất nước công nghiệp đô thị lớn mà mình đang sống.

Trong khi đó, truyện ngắn của Nguyễn Văn Thọ, Đỗ Kh. (Ký sự đi tây) và Nguyễn Mộng Giác (Sông Côn mùa lũ) lại đi khám phá những góc nhìn mang gai góc, quyết liệt của những người viết có một độ lùi để nhìn hiện thực trong nước khách quan và đôi khi lại nghiệt ngã. Họ đi tìm một không khí thực sự đổi mới và trên cả là viết trong một tinh thần luỵ tiếng Việt trong những tháng ngày tha hương.

Có những cuốn sách của người viết hải ngoại xuất hiện trong "mặt bằng" văn học trong nước, bản thân sự xuất hiện đã minh chứng sự cởi mở văn học bất ngờ, đáng mừng.

Gần đây, giới viết vừa thán phục vừa ngẩn ngơ với cách viết, đặt vấn đề của cuốn cuốn China town - Phố Tàu (NXB Đà Nẵng 2005) của Thuận. "Viết bạo!"- Đó là một cách nói. Nhưng đằng sau sự "bạo dạn" của những vấn đề như thân phận lưu vong, những điểm nhìn về người Việt, lịch sử… cho thấy ngay một điều: môi trường văn chương đã bắt đầu có những hé cửa tiếp nhận sự đa tuyến, đa chiều… Nhà văn Nguyên Ngọc có một nhận định, đại ý, cuốn sách đã làm thay đổi cái nhìn của những người viết trong nước.

Hai năm vừa qua, giải thưởng văn học Pen International ở Mỹ đều có những nhà văn trẻ VN ở hải ngoại tham gia và đoạt giải cao. Những tên tuổi như: Mộng Lan, Monique Trương, Bích Minh Nguyễn… thường gây sửng sốt cho bạn đọc Mỹ qua những tác phẩm viết bằng tiếng Anh. Tiếc thay, những cuốn sách này chưa được đến với độc giả trong nước.

Dù sao, khi nhắc đến văn học hải ngoại, những nhà xuất bản và đồng nghiệp trong nước vẫn thường có cái nhìn "dè chừng", phân biệt vì những lý do tế nhị. Sự phân chia giới tuyến trong và ngoài nước trên lãnh địa văn học suốt ba mươi năm qua có lẽ đã quá đủ. Hợp lưu đang là vấn đề đang được hoá giải theo thời gian.

Hẳn rằng, với nhiều nhà văn chân chính ở hải ngoại, không bị câu thúc bởi những hằn học quá khứ và những lý do cầm bút phi văn chương, ai cũng muốn được hợp lưu trước khi hội nhập.

Nhìn nhận và đón nhận dòng chảy văn chương hải ngoại là một câu thúc nội tại để đưa nền văn học phát triển hơn.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN (Báo Sài Gòn tiếp thị)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên