02/10/2011 07:01 GMT+7

Huyền thoại tàu không số

VIỆT HOÀI
VIỆT HOÀI

TT - Huyền thoại tàu không số, bộ phim tài liệu 10 tập, từ ngày 3-10 sẽ phát trên sóng VTV1 lúc 21g (các ngày thứ hai, ba, năm) là một chuỗi những câu chuyện xúc động về một con đường huyền thoại với những cuộc đời bi hùng và kỳ lạ của những người lính biển.

QoacsUOs.jpgPhóng to
Bác Mai và bác Phong, hai trong số năm chiến sĩ còn lại của tàu 235 - con tàu của thuyền trưởng anh hùng Phan Vinh đã bị nổ tung ở Hòn Hèo năm 1968, nay về thăm lại chiến trường xưa - Ảnh tư liệu của đoàn làm phim

Vẫn là kịch bản của nhà văn Ðình Kính, một người lính hải quân từng viết hơn 10 cuốn sách và là tác giả của nhiều bộ phim về hải quân. Huyền thoại tàu không số dựng lại hành trình mở đường - ra khơi - vận chuyển hàng - mở bến - tập kết hàng hóa trong suốt 14 năm thời chiến tranh chống Mỹ của những người lính trên đoàn tàu không số bằng một hành trình ngược: tìm lại với những nhân chứng còn sống.

Tập 1 - Nơi bắt đầu một con đường không bắt đầu từ bến K15 Ðồ Sơn, nơi con tàu đầu tiên nhổ neo trong một đêm 30 tết gió rét căm căm, mà bằng cuộc gặp gỡ với nhân chứng cuối cùng của con tàu đầu tiên còn sống: ông Huỳnh Ba. Người anh hùng của một thời dọc ngang trên biển cả, giờ về làm một lão ngư, thương binh không chế độ lương bổng, chỉ với một niềm vui sống là: đã từng có một thời mình sống đẹp như thế.

Tập 2 - Những người vượt biển ra Bắc được khắc họa bằng hình ảnh má Mười Vinh, bán cả gia tài, vay mượn bà con được mười lượng vàng từ năm 1960, mua đồ, đóng tàu cho cách mạng để anh em vượt biển ra Bắc xin vũ khí viện trợ về chiến đấu. Hơn 40 năm sau, hòa bình quá lâu rồi má vẫn nghèo, cách mạng vẫn chưa trả lại mười lượng vàng cho má, con má vẫn bị hàm oan và má vẫn cười độ lượng: "Anh em đổ xương đổ máu có ai đòi trả công đâu mà mình đòi"...

Cứ như thế, những cuộc trở về chiến trường xưa của một người lính cũ dẫn dắt người xem về quá khứ. Một điều trớ trêu là quá khứ nào cũng oai hùng, sự hi sinh nào cũng là tự nguyện, cái chết nào cũng lẫm liệt, nhưng hầu như thực tại nào của hôm nay cũng ngậm ngùi. Chiến sĩ Lê Hà sa vào tay địch, bị bắt, sau giải phóng trở về mất đảng tịch, suốt hơn 20 năm sống trong nỗi buồn. Vị đại tá về già sống một mình bên ngôi nhà nhỏ ven biển, chạy trốn cả Hải Phòng lẫn quê nhà bên Vàm Sát, vì ông mắc nợ cả hai người đàn bà, cũng là vì chiến tranh... Và còn rất nhiều những gương mặt sạm đen vì nắng biển gió biển, hằn sâu những nếp nhăn vì cuộc sống lam lũ hằng ngày. Họ trở về từ biển, sau chiến tranh, với hàng trăm chiến công lẫy lừng, nhưng hầu hết là chiến công tập thể. Còn họ, suốt thời trai trẻ lẫn vào biển, giờ lại về lẫn vào đồng ruộng, vào đám đông.

Nhưng, điều đáng tiếc nhất của bộ phim truyền hình này là đã không tận dụng được thế mạnh của... phim truyền hình. Có khá nhiều trường đoạn hình rất tĩnh, chỉ có lời bình, hoặc những phỏng vấn nhân chứng liên tiếp có cùng góc quay, tạo cảm giác đơn điệu, lặp lại. Tư duy văn học mạnh hơn tư duy hình ảnh, vừa là thế mạnh, đồng thời cũng là điểm yếu của bộ phim này.

Dẫu vậy, Huyền thoại tàu không số (đạo diễn Minh Chuyên, Trung tâm Sản xuất phim tài liệu và phóng sự VTV sản xuất) vẫn là một bộ phim tài liệu đáng xem, vì những con người mà bộ phim ca ngợi mãi mãi vẫn đáng ngợi ca.

100 nhân vật trong Huyền thoại tàu không số

Sau hai năm tìm kiếm, thu thập tư liệu, đạo diễn Minh Chuyên thay mặt êkip thực hiện chia sẻ: “Ngoài khai thác những sử liệu, 10 tập phim kết nối câu chuyện của 100 nhân chứng sống, nhân vật điển hình đã tham gia chiến dịch đường Hồ Chí Minh trên biển. Câu chuyện trải dài từ Hải Phòng đến mũi Cà Mau với 16 điểm dừng chân!”.

Một sự tình cờ ngẫu nhiên khác, rất nhiều cảnh phim mô tả đầy đủ sự khốc liệt của chiến tranh (ghi lại hình ảnh hải thuyền VN giao chiến với tàu chiến Mỹ), được khai thác từ cuốn băng do đồng nghiệp nước ngoài tặng đạo diễn Minh Chuyên tại Liên hoan phim Busan. Một điểm đáng chờ đợi nữa, trong hơn 4.000 cảnh phim, khoảng 100 cụm cảnh được dụng công dựng lại nhằm đặc tả rõ nét hơn tâm tư, tình cảm của các chiến sĩ thời đó. “Những tâm tư của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh khi tham gia ba chuyến đi cam go tiến vào Vũng Rô, hay những cảnh thả hoa tiễn biệt đồng đội trên biển, cảnh tìm đồng đội ở cửa biển, cửa sông đều được chúng tôi tái hiện”, đạo diễn Minh Chuyên kể.

VIỆT HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên