10/11/2012 06:16 GMT+7

Để yêu hơn văn hóa của mình

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - 16g chiều nay 10-11, tại công viên Lam Sơn (Q.1, TP.HCM) diễn ra một cuộc triển lãm đặc biệt: Văn hóa của mình - Đối thoại trong không gian mở.

143 bức ảnh được giới thiệu với công chúng TP.HCM là “một thế giới tươi sáng và chân thực qua đôi mắt và lời kể của người dân tộc thiểu số”.

6DNWcbBe.jpgPhóng to

Chiều 9-11, triển lãm ảnh Văn hóa của mình chưa khai mạc nhưng đã thu hút nhiều người thưởng lãm. Trong ảnh: tác phẩm của Hồ Thị Bụi và Hồ Văn Di (Quảng Trị) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Hai ngày trước khi triển lãm diễn ra, chúng tôi trở lại huyện Đakrông (Quảng Trị) để gặp những người dân Pa Cô, Vân Kiều - tác giả của khá nhiều bức ảnh được trưng bày lần này.

Câu chuyện của những tấm ảnh

Đang đi cùng tôi xuống con suối Tà Rụt, anh Kray Sức chợt dừng lại, lấy chiếc máy ảnh du lịch và chụp những vật trông như búp bê được đan bằng tre treo lủng lẳng trên cành cây ven suối. Vừa chụp, Kray Sức vừa nói cho tôi biết: Cái này người Pa Cô làm để cúng cho con nít thôi khóc...

Cũng thật may mắn, dù hôm chúng tôi lên Tà Rụt là một ngày tình cờ, nhưng không ngờ đúng vào dịp bà con nơi đây đang làm lễ tiền Arieu Ping - một lễ hội được tổ chức trước khi lễ Arieu Ping chính thức sẽ diễn ra vào cuối tháng 12 năm nay. Arieu Ping là lễ cải táng và phong thần nhằm tỏ lòng tôn kính với tổ tiên và những người đã khuất, đây là lễ hội lớn nhất trong văn hóa của người Pa Cô. Trên bãi đất trống trước trụ sở ủy ban xã, hai cây nêu được dựng lên và được buộc hai chú bò (thay cho trâu).

Những nghệ nhân Pa Cô với tù và, trống, chiêng, khèn bè, đàn ta lư và những phụ nữ Pa Cô trong trang phục dân tộc đang nồng nhiệt hát múa. Nhưng điều mới nhất mà các lễ hội trước chưa có là những thành viên đã từng tham gia dự án Photovoice nay đã biết dùng máy ảnh để ghi lại những nét độc đáo trong lễ hội tâm linh của dân tộc mình. Kray Sức bảo: “Còn nhiều điều phải chụp lại, phải ghi lại lắm, có như vậy sau này con cháu mình mới biết rõ ràng cụ thể chứ không thể qua lời kể”.

Một ngày lang thang với Kray Sức qua các bản làng của Tà Rụt, chợt nhận ra cả một kho tàng văn hóa đã được cất giữ dưới những nếp nhà sàn, trên ngọn núi đầu bản hay dòng suối trong veo kia. Kray Sức là một trong 12 người dân thuộc cộng đồng Pa Cô của huyện Đakrông được chọn tham gia dự án photovoice.

Những người dân chốn non cao chưa bao giờ nhìn thấy những chiếc máy ảnh kỹ thuật số, chỉ qua một khóa tập huấn ngắn rồi được trang bị cho những chiếc máy Nikon (loại máy du lịch), và cứ thế họ kể lại những câu chuyện của dân tộc mình cùng với tấm ảnh hồn hậu chân chất: từ ông thầy thổi (plong) đang chữa bệnh bằng cách... thổi vào vết thương mà lành bệnh đến hình ảnh bát thuốc được nấu từ lá cây rừng, từ cách người Vân Kiều nhuộm răng đến tục con trai con gái đi sim (hò hẹn), từ nghi thức tang ma, cưới hỏi đến những vật dụng của đời sống thường nhật. Những bức ảnh nội dung giản dị mà có sức hút kỳ lạ, những khuôn hình không chuyên nghiệp lại toát lên sức thuyết phục về sự chân thực. Đó cũng là cách mà bà con các dân tộc Mông, Dao, Mường, Thái, Khmer... đã thực hiện các bức ảnh về văn hóa của dân tộc mình trong dự án Photovoice.

Chuyện có hậu của “hậu Photovoice”

Hồ Thị Bụi - cô gái Pa Cô mới 24 tuổi ở Tà Rụt - là tác giả có đến 14 tấm hình được chọn trong số 143 bức ảnh được triển lãm. Điều thú vị là các nhân vật trong ảnh của Bụi hầu như ai cũng cười rất rạng rỡ. Chính Bụi cũng tâm sự rằng: “Trước khi tham gia chương trình Photovoice, em thấy văn hóa của mình ít đẹp, ít độc đáo. Em thấy các bà mẹ đeo khuyên tai nặng, em không hiểu tại sao lại đeo. Em nhìn người dân tộc khác họ đeo vàng đeo bạc, em nghĩ dân tộc mình... lạc hậu. Bây giờ em biết và thấy tự hào vì các bà còn đeo trang sức truyền thống”.

Cùng tuổi 24 như Hồ Thị Bụi, cô gái Hồ Thị Nguyệt ở thôn Khe Soong, thị trấn Krong Klang (huyện Đakrông) là trưởng của nhóm sáu người thuộc cộng đồng dân tộc Vân Kiều trong dự án Photovoice. Điều đặc biệt là cả sáu người trong nhóm của Nguyệt đều rất trẻ, chưa ai đến tuổi 30 và Nguyệt là thành viên nữ duy nhất của nhóm. Khi chúng tôi tìm đến nhà Nguyệt, cô đang tìm tài liệu để chuẩn bị đi tham dự một hội thảo về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc tại Hà Nội.

Dù chỉ học hết lớp 12 và ở nhà tham gia công tác thanh niên của thôn nhưng khi tham gia chương trình này, Nguyệt đã lưu tâm hơn tới những câu chuyện xung quanh mình. Với sự giúp đỡ của bố cô - ông Hồ Văn Lan, cũng là trưởng thôn Khe Soong, Nguyệt đi chụp lại các cây thuốc “giấu” của người Vân Kiều hoang dại trong rừng. Người Vân Kiều vốn thường chữa bệnh bằng các cây lá bí mật chỉ riêng họ biết, Nguyệt lại sợ những bí mật ấy sẽ bị mang theo khi những thầy thuốc nam cao niên mất đi mà không kịp bày lại cho thế hệ sau này.

Và điều mà chương trình Photovoice mong muốn sau dự án này không chỉ ở những tấm hình được chụp từ chính những người trong cuộc mà là sau khi dự án kết thúc, những câu chuyện thú vị về gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa của dân tộc mình lại được bắt đầu từ trong cộng đồng dân tộc ấy chứ không chỉ từ những nhà dân tộc học, những viện nghiên cứu... như lâu nay ta vẫn nghĩ.

Tặng sách ảnh Văn hóa của mình

n028yGeC.jpgPhóng to

Anh Kray Sức đang lưu lại những bức ảnh chụp sinh hoạt của dân tộc mình trên máy tính - Ảnh: L.Đ.Dục

Văn hóa của mình - Ðối thoại trong không gian mở được Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) tổ chức với sự hỗ trợ của Tổ chức CARE, Oxfam và Ðại sứ quán Ðan Mạch tại VN. Trong hơn bốn tháng (từ tháng

12-2011 đến tháng 4-2012), 64 tác giả ảnh thuộc chín nhóm cộng đồng dân tộc Mông Si, Mông Ðen, Dao, Dao Ðỏ, Mường, Thái, Pa Cô, Vân Kiều, Khmer đã được tập huấn về đa dạng văn hóa, kỹ thuật chụp ảnh và kể chuyện, sau đó được trao cho máy ảnh để miêu tả cuộc sống của cộng đồng mình.

Với 143 bức ảnh được chọn ra trong số hơn 70.000 bức ảnh đã được chụp những người dân tộc thiểu số của các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Quảng Trị, Sóc Trăng, có thể thấy được nhiều góc nhìn thú vị về văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh, sinh kế đặc trưng của mỗi dân tộc. Nhưng sau nhiều tháng tham gia dự án, không chỉ dừng ở mức phản ánh hay miêu tả, những người dân đã bắt đầu yêu quý hơn văn hóa của dân tộc mình và quyết tâm hơn trong việc gìn giữ bảo tồn những giá trị này.

Cùng với triển lãm (kéo dài đến ngày 18-11), bộ ảnh này cũng đã được in thành bộ sách ảnh Văn hóa của mình. Những cá nhân/tổ chức có nhu cầu nhận sách sẽ được tặng sách ngay tại triển lãm. Những cá nhân/tổ chức ở địa phương khác có thể đăng ký nhận sách qua email isee@isee.org.vn, bắt đầu từ ngày 10-11.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên