Phóng to |
50 nhà khoa học từ 48 viện nghiên cứu, trường đại học của VN và Trung Quốc đã cùng thảo luận về các vấn đề bảo tồn văn hóa của các tộc người thiểu số trước các thách thức từ bên ngoài, đồng thời tìm ra biện pháp tốt nhất để phát triển du lịch tại đây. Du lịch để phát triển kinh tế - xã hội nhưng không đánh mất văn hóa, ý thức tộc người, tập quán sinh sống của người Dao, người Tày, Nùng, Mông ở hai phía biên giới Việt Trung... là những đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu và học giả.
PGS.TS Lê Sĩ Giáo (ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Dù không có sự can thiệp của điều kiện bên ngoài thì các đặc trưng văn hóa vẫn cứ biến đổi. Người ta từ bỏ di sản nào và giữ lại những giá trị gì thì trước hết phải do các chủ thể văn hóa là những người quyết định. Đến một lúc nào đó có thể cào bằng về kinh tế, mức sống nhưng có một thứ không thể cào bằng là ý thức dân tộc, tộc người”.
Cho rằng trong quá trình phát triển của mỗi dân tộc đều xảy ra sự đứt gãy văn hóa nhưng GS Ngọc Thời Giai (ĐH Dân tộc Quảng Tây) cũng cho rằng: đến một lúc nào đó, mỗi dân tộc sẽ tự tìm đường trở về với những giá trị cốt lõi của dân tộc mình. Văn hóa tự giác là một quá trình lâu dài.
Hội thảo sẽ tiếp tục những thảo luận về việc phát triển du lịch bền vững trên cơ sở văn hóa và thiên nhiên hai vùng biên giới Việt - Trung vào sáng 10-11. PGS.TS Lâm Bá Nam cho rằng: điều cốt yếu là phải đề xuất được hướng phát triển tiếp theo của lưu vực sông Hồng với tài sản là không gian văn hóa đa dạng và đang có những bước dịch chuyển phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Đây cũng là lần thứ tư hội thảo khoa học quốc tế “Giao lưu văn hóa các dân tộc và phát triển du lịch bền vững lưu vực sông Hồng” diễn ra. Từ lần thứ nhất tổ chức tại Mông Tự (châu Hồng Hà, Vân Nam, Trung Quốc), đến nay hội thảo đã thu hút hơn 300 lượt nhà khoa học VN và Trung Quốc với gần 200 báo cáo khoa học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận