30/05/2019 12:08 GMT+7

Vải thiều Lục Ngạn có mặt tại 700 điểm bán của Saigon Co.op

Bài và ảnh: CHÍ TUỆ
Bài và ảnh: CHÍ TUỆ

Sáng 29-5, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều Bắc Giang năm 2019, Saigon Co.op đã tổ chức lễ xuất hành đoàn xe vải thiều Lục Ngạn vào kinh doanh tại 700 điểm bán của Saigon Co.op trên toàn quốc.

Đây là năm thứ 2, Saigon Co.op phối hợp với tỉnh Bắc Giang tạo cầu nối doanh nghiệp - người dân đưa vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đến với người tiêu dùng miền Nam.

Vải bán tại siêu thị đạt tiêu chuẩn VietGAP

Tại diễn đàn kinh tế, ông Trần Lâm Hồng - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết kế hoạch năm 2019 sẽ đưa vải thiều Lục Ngạn đến hệ thống gần 700 điểm bán của Saigon Co.op với sản lượng tăng 25% so với cùng kỳ. Toàn bộ lượng vải này sẽ được đưa vào các hệ thống phân phối của Saigon Co.op bao gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers và kênh bán hàng trực tuyến HTV Co.op.

Vải thiều Lục Ngạn có mặt tại 700 điểm bán của Saigon Co.op - Ảnh 1.

Vải thiều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Thăng Văn Báo (thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) - Ảnh: CHÍ TUỆ

Theo đó, 100% sản phẩm trái vải đợt này đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Sản phẩm trái vải thiều tươi thu mua trực tiếp từ thủ phủ vải thiều Lục Ngạn sẽ được Saigon Co.op vận chuyển bằng xe chuyên dụng và phân phối tập trung tại gần 700 điểm bán hàng của Saigon Co.op để giúp khách hàng được thưởng thức vải thiều Lục Ngạn chính hiệu với mức giá tốt nhất.

Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng sẽ xây dựng chương trình "Lễ hội trái cây" kết hợp vải thiều và các loại trái cây ở những địa phương khác trong tháng 6 - 7 nhằm tôn vinh, giới thiệu nông sản Việt Nam trên phạm vi toàn quốc.

Ông Hồng nhận định việc đưa vải thiều xuất khẩu thông qua mạng lưới liên kết HTX trên toàn thế giới của Saigon Co.op, góp phần làm dày thêm danh mục hàng nông sản "thương hiệu Việt" có mặt trên thị trường quốc tế, đặc biệt tại thị trường Singapore và Nhật Bản.

Đại diện Saigon Co.op cũng đề xuất những giải pháp của doanh nghiệp để góp phần khai thác tối đa hiệu quả thương mại của trái vải thiều cùng các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang. Theo đó, Saigon Co.op là đầu mối quan trọng để đưa nông sản của tỉnh ra khỏi biên giới Việt Nam, phục vụ khách hàng quốc tế.

“Chú trọng phát triển bền vững, Saigon Co.op rất mong muốn hợp tác cùng tỉnh để phát triển nông sản Việt theo xu hướng chung của thế giới với thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ và đạt các chứng chỉ quốc tế về nông sản. Saigon Co.op là một đơn vị có mạng lưới HTX hiện nay phát triển rất mạnh mẽ, đã đưa hàng hóa Việt Nam thông qua các kênh tiêu thụ này, từng bước đưa hàng Việt đến với thị trường quốc tế

Ông Trần Lâm Hồng - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ làm việc với Saigon Co.op, ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, cho biết với diện tích trồng vải toàn tỉnh khoảng 28.000ha (khoảng 16.000ha VietGAP và GlobalGAP), sản lượng vải hàng năm lớn nên tạo sức ép tiêu thụ lên người trồng vải, chính quyền địa phương.

"Bắt đầu từ năm 2018, Saigon Co.op là một trong những đơn vị phân phối lớn đã liên kết, hỗ trợ cùng với người nông dân đưa trái vải thiều Lục Ngạn vào hệ thống chuỗi bán lẻ của Saigon Co.op, tác động rất lớn đến thị trường cũng như tạo cú hích giúp bà con tiêu thụ vải." - ông Thái chia sẻ.

Liên kết sản xuất đồng bộ

Là một doanh nghiệp có trên 15 năm thu mua vải thiều để xuất khẩu, năm 2018, Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Hùng Thảo bắt đầu phối hợp với Saigon Co.op đưa trái vải vào hệ thống siêu thị này.

Ông Đinh Văn Hùng - Giám đốc công ty Hùng Thảo, cho biết ngay từ đầu vụ vải năm 2019, Saigon Co.op đã phối hợp với công ty Hùng Thảo lựa chọn, ký kết với các tổ sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để khi cây vải ra hoa, kết trái làm sao đúng, đủ thời gian cách ly, ví dụ như phải cách ly thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch ít nhất 14 ngày. Phía Saigon Co.op cũng thường xuyên có đoàn kiểm tra về lấy mẫu bất kỳ tại các vườn để đánh giá, kiểm nghiệm.

Ông Thăng Văn Báo - Trưởng thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, cho biết: "Từ năm 2008, toàn bộ 250ha vải của thôn được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình chăm sóc vải từ khi ra hoa đến thu hoạch đều được các hộ trồng vải tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn trồng vải VietGAP, do đó từ nhiều năm nay, công ty Hùng Thảo và nhiều công ty khác cũng đã liên kết với thôn để thu mua quả vải".

Vải thiều Lục Ngạn có mặt tại 700 điểm bán của Saigon Co.op - Ảnh 3.

Vải thiều sớm được đóng thùng xốp, đảm bảo độ tươi ngon nhất khi đưa vào hệ thống của Saigon Co.op - Ảnh: CHÍ TUỆ

Theo ông Đinh Văn Hùng, khâu bảo quản sau thu hoạch rất quan trọng. Sau khi thu hoạch, trước khi đóng thùng xốp thì quả vải sẽ được nhúng trong nước đá 0 độ trong khoảng 3-5 phút để hạ nhiệt, rửa bỏ những bụi bẩn và bảo quản quả vải tươi hơn, chất lượng hơn khi đưa vào miền Trung hoặc miền Nam. Ngoài ra, phải đảm bảo chất lượng quả vải đến tay người tiêu dùng đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tương đương với vải công ty xuất khẩu, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng cao, quả đều, độ ngọt cao, không bị sâu cuống, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm.

"Tỉnh Bắc Giang cũng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu thông qua bao bì, nhãn mác gắn với tem truy xuất nguồn gốc, đồng thời khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh liên kết chuỗi từ sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều để quả vải Bắc Giang có mặt ở tất cả thị trường, khẳng định thương hiệu vải Bắc Giang với chất lượng thơm ngon so với vải các vùng khác." Ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang chia sẻ.


Bài và ảnh: CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên