04/06/2013 10:25 GMT+7

Ủng hộ nâng trần trái phiếu Chính phủ để đầu tư

V.V.THÀNH ghi
V.V.THÀNH ghi

TTO - Ông Phùng Quốc Hiển - chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội - khẳng định ủng hộ việc Chính phủ trình Quốc hội phát hành thêm trái phiếu Chính phủ để đầu tư mở rộng quốc lộ 1A và quốc lộ 14, đoạn qua Tây nguyên vì đây là hai tuyến đường huyết mạch và đi qua địa bàn quan trọng.

TTO ghi lại nội dung cuộc trả lời báo chí của ông Phùng Quốc Hiển bên hành lang Quốc hội ngày 3-6.

One9W4Le.jpgPhóng to
Ông Phùng Quốc Hiển (trái) - Ảnh: Việt Dũng

* Đại biểu Trần Du Lịch có đề xuất một chương trình mục tiêu trung hạn phục hồi tăng trưởng kinh tế với nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có việc phát hành thêm trái phiếu Chính phủ. Như vậy nên chăng Chính phủ cần nghiên cứu kỹ hơn để trình ra Quốc hội một “gói” tổng thể chứ không chỉ riêng hai công trình này?

- Vừa qua Chính phủ đã bắt đầu có cải tiến, giao kế hoạch tài chính trung hạn, ví dụ như “gói” trái phiếu Chính phủ 225 nghìn tỉ cho các năm từ 2011-2015. Như vậy nghĩa là trung hạn vì trước đây năm nào biết năm đó. Lần này nếu có xuất hiện bổ sung nguồn trái phiếu Chính phủ đó thì chúng ta cũng phải giao trung hạn và cũng cho những công trình trọng điểm.

Chúng ta đi vay để đầu tư thì sẽ tăng nợ công, tuy nhiên nợ công của chúng ta vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Quốc hội quy định là 65% GDP, ta dự kiến vào cuối năm nay là 56%, nghĩa là vẫn nằm trong giới hạn đó. Khi mà tính toán đầu tư quốc lộ 1A và quốc lộ 14, ta phải tính toán giai đoạn dài hơi. Nghĩa là trung hạn thì tính xem tăng trưởng GDP thế nào, hơn nữa khả năng vay không chỉ cho trái phiếu mà còn vay bù đắp bội chi nữa, ta phải tính hết vào. Và yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo an toàn an ninh tài chính quốc gia.

* Trong bối cảnh khó khăn hiện nay không nên chỉ nhìn vào ngân sách, mặc dù đồng tình với gói giải pháp ông Trần Du Lịch đưa ra, song nhiều ý kiến cho rằng cần giải pháp mạnh hơn chứ không chỉ là “bơm tiền”?

- Thực ra cũng phải nói trong điều kiện hiện nay có rất nhiều nguồn lực để tác động đến sự phát triển của nền kinh tế, có nguồn lực thông qua chính sách tài khóa ngân sách, có nguồn lực từ chính sách tín dụng, có nguồn lực từ nhân dân và từ nước ngoài. Rõ ràng đối với một nền kinh tế muốn phát triển được thì phải có nguồn lực về vốn, mà đầu tư về vốn hiện nay là hết sức cần thiết.

* Trung bình trái phiếu Chính phủ mỗi năm là 45 nghìn tỉ, nhưng số liệu cuối năm 2012 cho thấy nhu cầu đầu tư mở rộng riêng cho quốc lộ 1A và quốc lộ 14 là gần 58 nghìn tỉ, như vậy là rất lớn nếu so với mức trung bình nêu trên?

- Trước đây khi Quốc hội quyết định gói trái phiếu 225 nghìn tỉ đồng thì bình quân mỗi năm là 45 nghìn tỉ đồng, nhưng đó là dùng cho những công trình đã nằm trong danh mục mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua. Còn bây giờ với quốc lộ 1A và quốc lộ 14 là hai công trình mới, ở đây sử dụng một nguồn lực phải xin ý kiến của Quốc hội, như vậy thì phải nâng phát hành trái phiếu Chính phủ lên chứ không còn là 225 nghìn tỉ đồng nữa.

* Nguyên tắc của trái phiếu Chính phủ là không được tạm ứng, nhưng vừa qua khi đề xuất về trái phiếu Chính phủ để mở rộng quốc lộ 1A và quốc lộ 14 chưa được trình ra Quốc hội, Bộ GTVT đã kiến nghị cho ứng hơn 7 nghìn tỉ để giải phóng mặt bằng làm hai quốc lộ này?

- Nếu tạm ứng trong một năm là quyền của Chính phủ, còn nếu qua năm tài khóa khác thì phải báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội.

* Vừa qua có hiện tượng dòng tín dụng không chảy vào doanh nghiệp mà chảy vào trái phiếu, như vậy phát hành thêm trái phiếu liệu có gây thêm khó khăn cho việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp?

- Chúng ta hiểu nguồn lực tài chính quốc gia cũng có giới hạn nhất định, khi ta sử dụng trái phiếu Chính phủ thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính. Mà thị trường tài chính thì như bình thông nhau, nên chuyện phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ có ảnh hưởng ít nhiều, không thể bảo là không ảnh hưởng gì cả. Thậm chí trái phiếu Chính phủ và lãi suất trái phiếu như là tín hiệu thị trường để khẳng định lãi suất của các kênh khác trên thị trường tài chính.

* Liên quan đến vay nợ nước ngoài, trước đây chúng ta nhận được nhiều ưu đãi nhưng nay tình hình đã khác, ông nghĩ sao?

- Ta phải xem lại cơ cấu khoản nợ, trước đây đất nước ta có kinh tế - xã hội kém phát triển, những khoản vay nước ngoài thì bao giờ cũng ưu ái cho mình hơn, một là thời gian vay, hai là lãi suất vay và thời gian ân hạn. Bây giờ chúng ta đã trở thành nước đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người vượt quá ngưỡng 1.000 USD, nên những cơ chế ưu đãi đó sẽ khó khăn hơn, chính vì thế mà chúng ta phải thận trọng hơn khi vay, và khi vay rồi thì phải tính đầu tư vào đâu cho có hiệu quả và tính đến yếu tố trả nợ.

* Là chủ nhiệm Ủy ban tài chính và ngân sách của Quốc hội, ông có lo về bội chi và nợ công?

- Ngay mỗi cá nhân hay mỗi gia đình khi đi vay thì bao giờ cũng phải lo trả nợ, nếu cân đối được mà đầu tư dù ít dù nhiều còn hơn là không. Đi vay thì phải lo trả nợ. Nợ công của chúng ta vấn đề bây giờ không phải là cao hay thấp mà phải tính đến khả năng trả nợ, nhiều quốc gia có thể nợ đến 200% GDP mà không sao, nhưng cũng có những quốc gia vẫn nằm trong ngưỡng 60-70% GDP đã thấy khó khăn, chính là nằm ở chỗ khả năng trả nợ như thế nào.

* Có vấn đề là hiện nay con số nợ công của ta không thống nhất?

- Giám sát nợ công thì phải theo luật. Nợ công gồm có những gì. Một là nợ Chính phủ, hai là nợ Chính phủ bảo lãnh, ba là nợ chính quyền địa phương, như vậy tất cả những khoản Chính phủ bảo lãnh đều phải đưa vào. Về con số thì chúng ta phải căn cứ vào cơ quan nào công bố. Nếu là Bộ Tài chính nước CHXHCN Việt Nam công bố thì đó là con số chính thức. Thế còn tổ chức nọ, tổ chức kia nói thì người phát ngôn số liệu đó phải đảm bảo tính chính xác của nó.

V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên