Buổi sáng chớm đông Hà Nội của những tháng ngày xưa cũ, đưa mẹ thả bộ từ nhà ở phố Lý Nam Đế đến phố Hàng Vải là đã ngửi thấy trong gió se se mùi hồi, mùi quế, mùi thảo quả quyện vào nhau từ quán phở ngay khúc rẽ trái sang Hàng Đồng.
Đi từ phố Hàng Vải trong phố cổ Hà Nội, ta đã có thể thấy hương thơm của quán phở phố Hàng Đồng - Ảnh chụp màn hình
Quán phở cũ kỹ, bé tẹo nằm ở số 48 chẳng biết có tự bao giờ, chỉ bán phở bò. Nghe tôi 'quảng cáo', mẹ cũng tò mò và muốn thử.
"Cho cháu 2 bát tái, nước trong, ít bánh, không mì chính ạ". Đây là "yêu sách" bất di bất dịch của tôi mỗi lần gọi phở bò.
Thịt bò tái bao giờ cũng được chọn lọc kỹ càng để vẫn giữ được độ tươi, miếng thịt mềm và ngọt. Phở bắp bò có thêm sự thích thú của miếng thịt giòn sật.
Chan thứ nước dùng được ninh nhiều giờ đồng hồ bằng xương ống bò lẫn thảo quả, hồi, quế rang thơm. Vắt miếng chanh, thả miếng ớt tươi, rắc thêm chút tiêu vỡ. Gắp những sợi phở mỏng mịn nuột nà thả vào thìa nước dùng nóng hổi. Xì xụp thưởng thức vị ngọt thơm của bát phở nghi ngút khói giao hoà trong tiết trời lành lạnh, cảm giác như các giác quan vỡ oà ra vì thổn thức.
Mắt mẹ nheo nheo cười. "Miếng ngon Hà Thành có khác", mẹ bảo.
Hà Nội có nhiều quán phở nổi tiếng, nhưng chỉ có hai quán được khẩu vị khó tính của tôi duyệt là phở bò Hàng Đồng và phở gà Lâm ở phố Nam Ngư.
Gà Nam Ngư ngon đặc biệt, thịt chắc, da săn, nước phở trong và có vị ngọt rất thanh. Ăn phở không mì chính, không nước béo chính là để thưởng thức được vị ngọt nguyên chất.
Phở là món ngon như quốc hồn, quốc túy, thấm vào xương thịt - Ảnh: Youtube
Rời Hà Nội vào Sài Gòn, tôi mang theo nỗi tương tư phở Hà Nội. Các quán phở ngon nổi tiếng ở Sài Gòn là phở Hoà đường Pasteur, phở Dậu, phở Quyền, nhưng phong vị phở Sài Gòn hoàn toàn khác. Nó thiếu đi vị thanh tao tinh tế, mà đậm chất phóng khoáng, cởi mở của đất Sài Thành, ăn kèm tương đen, tương đỏ, giá trụng và các loại ngò gai, rau ngổ, rau húng...
Tôi cứ thao thiết nhung nhớ phở Hà Nội, mãi cho đến ngày gặp một quán phở Bắc khiêm nhường ở Lê Văn Lương quận 7. Bát "bò tái, nước trong, ít bánh, không mì chính" đúng vị thanh thanh, ngọt thơm quen thuộc không lẫn vào đâu được. Lòng tôi rưng rưng như gặp lại cố nhân.
Những năm xa xứ, lòng lại thao thiết cùng bạn bè đi tìm phở Việt Nam. Ở Australia có quán phở An nổi tiếng đông khách. Bát phở ở đây rất lớn, ăn giống phở Sài Gòn, cũng chấm thịt bò với tương ớt trộn lẫn hoisin sauce. Dù không giống phở Hà Nội, nơi đây cũng làm tôi vơi nỗi nhớ nhà.
Tôi ở Philippines, thấy có có phở Hoà, phở 24. Phở ở đây phần nhiều biến tướng thành bò viên, có lẽ do khó tìm được nguồn thịt bò tươi ngon, hoặc do nguyên liệu đắt đỏ.
Nhớ phở, tôi chỉ biết đi tìm mua xương ống bò, về gom góp nguyên liệu mang từ Việt Nam sang để ninh nồi nước dùng thơm phức, khiến thực khách hít hà và nức nở khen món gì mà hấp dẫn thế.
Chỉ tiếc ở nước ngoài không có bánh phở tươi, phải đi mua bánh phở khô về nấu. Nhưng nhìn những cặp mắt hớn hở mong ngóng của thực khách nước bạn trước món ăn Việt Nam, tôi lại nhớ đến tôi của ngày bé, cũng háo hức mỗi khi được mẹ thưởng cho đi ăn phở.
Phở cứ thế cùng tôi đi dọc tuổi thơ, qua lúc trưởng thành. Nỗi tương tư phở theo tôi từ Bắc vào Nam, từ Việt Nam ra các nước, vẩn vơ cùng nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, dù mẹ giờ đã về một nơi rất xa. Phở vừa như quốc hồn, quốc tuý, vừa như một món ăn quen thuộc ngấm vào xương thịt.
Mở nồi nước dùng sôi lục bục, thơm mùi gừng, hành nướng, mùi hồi, mùi quế, mùi thảo quả quyện trong không gian, chan nước ngọt thơm vị sá sùng lên bát phở xếp gọn gàng rau mùi hành hoa xắt nhỏ, chân hành chẻ hoa, vắt miếng chanh, gắp lát ớt tươi, rắc chút tiêu cay nóng, thấy cả một trời ký ức ùa về...
Thấy mắt mẹ nheo nheo cười...
Nhằm tôn vinh và quảng bá món ăn "quốc hồn quốc túy" của người Việt, cũng như mong muốn nhận được những ý tưởng góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa Ngày của phở, báo Tuổi Trẻ phát động cuộc thi Ký ức về phở.
Mời bạn viết về kỷ niệm với một quán phở cụ thể, một lần ăn phở đặc biệt, một kỷ niệm gắn liền với món phở; hoặc ấn tượng về một nhân vật có thật, gắn bó/có ảnh hưởng với món ăn truyền thống này.
Bài viết tối đa 1.000 chữ. Vui lòng gửi về: kyucvepho@tuoitre.com.vn.
Thời gian nhận bài dự thi đến hết ngày 12-11-2018. Các giải thưởng sẽ được công bố vào chương trình Ngày của phở 2018, dự kiến diễn ra ngày 12-12.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận