09/06/2012 08:01 GMT+7

Tuổi Trẻ phải giữ "lửa", giữ bản sắc

TUẤN PHÙNG ghi
TUẤN PHÙNG ghi

TT - Ngày 8-6, Tuổi Trẻ đã có cuộc gặp mặt các cộng tác viên - chuyên gia phía Bắc. Nhiều chuyên gia thẳng thắn góp ý Tuổi Trẻ: phải giữ cho được bản sắc, quyết liệt chống cái xấu, đa dạng nhưng không lá cải.

Huda2ZKS.jpgPhóng to
Các cộng tác viên - chuyên gia phía Bắc tại buổi gặp mặt, góp ý cho báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ông Vũ Quốc Tuấn, chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN, chia sẻ với những "tai nạn nghề nghiệp" vừa qua của những người làm báo Tuổi Trẻ và cho rằng qua những vụ việc đó đã thấy đội ngũ Tuổi Trẻ vững vàng hơn. Nêu một thời sôi nổi của Tuổi Trẻ, ông Tuấn chúc Tuổi Trẻ luôn giữ được "lửa".

Chống cái xấu quyết liệt hơn

Ông Vũ Mão, nguyên bí thư thứ nhất Trung ương Ðoàn, khẳng định luôn "theo dõi" báo Tuổi Trẻ. Ông Mão dành năm đánh giá về Tuổi Trẻ, trong đó nhấn mạnh: Tuổi Trẻ là tờ báo đi tiên phong, hàng đầu, phát huy được vai trò báo chí dù là tờ báo địa phương; nhạy cảm với thời sự đất nước; là tờ báo toàn diện, cung cấp nhiều kiến thức... Tuy nhiên, theo ông Mão, tờ báo cũng gặp nhiều sóng gió, vất vả. Ông đề nghị Tuổi Trẻ cần hài hòa giữa "xây" và "chống".

Giáo sư Phong Lê mang hai tờ báo ông cắt liên quan đến chậm sửa Luật đất đai và bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm minh chứng đánh giá cao Tuổi Trẻ đeo bám, đi đến cùng sự việc. Theo ông Phong Lê, xã hội còn nhiều nhức nhối như nông dân mất đất, trẻ không có chỗ chơi... Nêu những vụ việc con giết cha, vợ giết chồng, giáo sư Phong Lê cho rằng chưa bao giờ có tình trạng tệ hại thế. Vì vậy ông đề nghị Tuổi Trẻ cần tập trung chống sai trái đang có chiều hướng phát triển.

Ông Nguyễn Ðình Hương, nguyên phó Ban Tổ chức trung ương, nói xã hội VN hiện có những khủng hoảng, trong đó có khủng hoảng niềm tin. Ông Hương cho rằng báo chí đã chống tiêu cực phải một mất một còn, chống tới cùng.

Nói lên sự thật

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nêu thực tế chuyến đi Trường Sa của mình vừa qua và cho rằng hoạt động xã hội của Tuổi Trẻ vẫn duy trì được. Ông Nguyên đề nghị Tuổi Trẻ tiếp tục giữ truyền thống bằng các chương trình như "Góp đá xây Trường Sa", "Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1". Ông Nguyên cho rằng Tuổi Trẻ là tờ báo nghiêm túc nhưng vẫn bán được 300.000-400.000 bản/số một phần là vì bản sắc và bản lĩnh của tờ báo, nên "Tuổi Trẻ phải giữ cả bản sắc và bản lĩnh, vì mất bản lĩnh sẽ mất bản sắc" - ông Nguyên nói.

Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, đánh giá "Tuổi Trẻ là tờ báo chính thống nhưng là tờ báo biết thể hiện nghệ thuật của sự có thể". Ông Doanh cho rằng trang quốc tế của Tuổi Trẻ "giỏi mượn chuyện quốc tế để nói chuyện nước mình" rồi động viên, cổ vũ những người làm báo Tuổi Trẻ: "Nói sự thật, có căn cứ, hiểu biết, có thiện chí thì không có gì phải sợ".

Ông Doanh nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, Tuổi Trẻ càng cần cố gắng nói lên nhiều sự thật hơn dù có sự thật tốt đẹp, có sự thật là đắng cay... Ðặc biệt, với tư cách cộng tác viên lâu năm, ông Doanh đề nghị Tuổi Trẻ phải giữ cho được bản sắc. "Có thời tôi từng sợ Tuổi Trẻ thành một tờ báo khác nhưng gần đây mừng vì đã thấy Tuổi Trẻ khởi sắc trở lại" - ông Doanh nói.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho biết ông từng tự hỏi tại sao Tuổi Trẻ mỗi số vẫn bán được tới 300.000-400.000 bản? Ông đã tự trả lời và cho rằng Tuổi Trẻ nên giữ định hướng là tờ báo đứng đắn nhưng không khô khan, vô cảm.

Chuyên gia bình luận quốc tế Nguyễn Ngọc Trường đánh giá tốt phóng sự điều tra trên Tuổi Trẻ nhưng cũng tâm tư: "Hình như gần đây những bài thể loại này đã bị mài cho hiền đi". Nhà văn Nguyên Ngọc bày tỏ sự lo lắng khi hiện nay đang có những người cố làm cái thật, giả không phân biệt được. Ông Ngọc đề nghị bằng tất cả sự dũng cảm, khôn khéo, Tuổi Trẻ cần làm rõ, phân biệt cái thật - giả, đúng - sai.

Với tư cách cộng tác viên, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng vấn đề biển Ðông ai cũng quan tâm nhưng cứ nói Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Ðông nhưng cụ thể nó như thế nào ít người biết. Ông Thuyết đề nghị Tuổi Trẻ nên cung cấp những thông tin cụ thể hơn về biển đảo...

Nhà báo lão thành Thái Duy bức xúc trước cảnh công nhân hiện nay nhiều nơi đói, không đủ sống, trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước lại có mức sống rất xa hoa. Ông đặt hàng Tuổi Trẻ nên đi tìm hiểu về đời sống công nhân cả nước để nói lên sự thật...

CẦM VĂN KÌNH

TS Nguyễn Sĩ Dũng - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:

Tránh vấn đề nóng, Tuổi Trẻ sẽ mất thương hiệu

Tuổi Trẻ nên chọn mình là tờ báo truyền thống, mạnh về chính trị - xã hội. Định hướng đó phải rất rõ, nếu tranh chấp với báo mạng đưa cái này cái kia thì mất thương hiệu của mình và cũng trở nên lỡ cỡ. Trên thế giới, những tờ báo truyền thống vẫn đi theo tôn chỉ mục đích của họ: giữ nguyên tắc truyền thống, giữ nội dung, tri thức, tính trí tuệ. Bạn đọc muốn hiểu vấn đề sâu, muốn nắm dung lượng tri thức thì phải đọc tờ báo đó. Tuổi Trẻ nếu có thế mạnh về chính trị - xã hội thì bạn đọc muốn hiểu vấn đề chính trị - xã hội của đất nước sẽ đọc Tuổi Trẻ. Tuy nhiên, trí tuệ mà cứng quá thì người ta không thích nên phải thể hiện mềm mại, dễ tiếp thu.

Tuổi Trẻ có hai cái cần khắc phục là một số vấn đề viết hơi khô, chưa thể hiện “hóm hỉnh”. Trong khi báo chí nước ngoài viết những vấn đề cao siêu nhưng rất hình ảnh. Cái thứ hai người ta phàn nàn là tính chiến đấu đi xuống. Có những tình thế khó khăn nhưng nếu Tuổi Trẻ tránh xa những vấn đề nóng bỏng của đất nước thì mất thương hiệu, vì bạn đọc trung thành với báo thì trung thành với tính chiến đấu của báo.

Giai đoạn này TuổiTrẻ đã khởi sắc tính chiến đấu. Phóng sự của báo cũng rất tốt, thật sự đi vào cuộc sống. Nhiều vấn đề phóng viên Tuổi Trẻ xâm nhập thực tế, sống trong đó để viết như người trong cuộc nên thật và hay.

TUẤN PHÙNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên