27/06/2018 10:47 GMT+7

Tự ý rút tiền từ thẻ ATM nhặt được, bị xử lý ra sao?

UYÊN TRINH
UYÊN TRINH

TTO - Thẻ ATM bị mất nhưng tiền trong tài khoản vẫn là tài sản của chủ sở hữu. Dùng thẻ ATM nhặt được để rút tiền cũng giống như nhặt được chìa khóa rồi dùng chiếc chìa khóa đó để mở tủ trộm tiền.

Tự ý rút tiền từ thẻ ATM nhặt được, bị xử lý ra sao? - Ảnh 1.

Hình ảnh do camera ghi lại thời điểm đôi nam nữ rút tiền bằng thẻ ATM của nạn nhân - Ảnh: Agribank cung cấp

Câu chuyện chị Đặng Ngọc Vy Uyên ở Đà Nẵng đánh rơi thẻ ATM trên đó có đính kèm mã PIN và bị đôi vợ chồng nhặt được rút sạch tiền trong tài khoản, sau khi được đưa lên báo, đã có cái kết đẹp là chủ tài khoản đã được trả lại tiền cùng lời xin lỗi của bên "nhặt của rơi".

Dù vậy, đây là một tình huống pháp lý mà trong đó đã có dấu hiệu của hành vi phạm tội chứ không đơn thuần là "nhặt được của rơi, trả người đánh mất" theo lẽ thông thường. 

Có thể bị phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng

Theo luật sư Lê Trung Phát - Đoàn Luật sư TP.HCM, trên thẻ ATM có thông tin tên ngân hàng phát hành thẻ và tên của chủ tài khoản. Người nhặt được thẻ ATM đánh rơi phải ý thức được việc tìm cách trả lại cho người chủ tài khoản có tên trên thẻ, nếu không biết và không tìm được chủ tài khoản thì phải trả lại ngân hàng.

Thẻ ATM là tài sản của ngân hàng và thường được ghi rõ ở mặt sau của thẻ kèm theo nội dung đề nghị nếu ai nhặt được thì vui lòng gửi trả lại ngân hàng phát hành. Vì vậy, người nhặt được thẻ ATM đáng lý phải trả lại thẻ cho ngân hàng, không thể cứ theo mật khẩu đính kèm trên thẻ mà tự ý rút tiền của chủ thẻ.

Theo luật sư Phát, người nhặt được tài sản của người khác nhưng không trả lại cho người đánh mất mà cố tình giữ lấy là có dấu hiệu của hành vi chiếm giữ trái phép tài sản và tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý hình sự.

Nghị định 167/2013/NĐ-CP tại khoản 2 điều 15 quy định hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác bị phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt 2 triệu đến 5 triệu đồng. 

Người nào cố tình không trả lại hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, nhặt được trị giá từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản thì có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm theo điều 176 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, nếu chủ tài khoản hoặc ngân hàng yêu cầu được nhận lại thẻ ATM mà người nhặt được không trả có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản. Trường hợp đôi vợ chồng nhặt được thẻ AMT ở Đà Nẵng do chủ thẻ không biết ai nhặt được để yêu cầu trả lại nên hành vi của hai vợ chồng này chưa cấu thành tội "chiếm giữ trái phép tài sản".

Tuy nhiên, hai vợ chồng người nhặt được thẻ ATM của chị Uyên ở Đà Nẵng đã tự động rút tiền từ tài khoản nên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm e, khoản 2 điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Có thể bị tội trộm cắp tài sản?

Luật sư Võ Thị Anh Loan - Đoàn Luật sư TP.HCM - thì cho rằng mặc dù thẻ ATM của chị Uyên đã bị mất nhưng tài sản trên vẫn thuộc quyền sở hữu của chủ thẻ. Thẻ ATM không phải là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự nhưng tiền là tài sản của chủ sở hữu.

Theo luật sư Loan, một người nhặt được thẻ ATM của người khác đánh rơi với mã PIN có sẵn rồi rút tiền ra khỏi tài khoản mà không được sự cho phép của chủ tài khoản thực chất là đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Cũng giống như vô tình nhặt được chiếc chìa khóa rồi dùng chiếc chìa khóa đó để mở tủ trộm tiền.

Một trong các biểu hiện của tội phạm trộm cắp là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Theo quy định của pháp luật, "chiếm đoạt" là việc cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản của người khác thành tài sản của mình, còn "lén lút" là hành vi cố ý giấu giếm, vụng trộm không để lộ ra nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.

Việc che giấu có thể là che giấu toàn bộ (với tất cả mọi người) hoặc công khai trước sự chứng kiến của nhiều người nhưng vẫn che giấu hành vi phạm tội với chủ tài sản.

Người tự ý rút tiền trong thẻ ATM nhặt được có thể bị xử phạt về tội trộm cắp tài sản quy định tại điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với hình phạt không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, nếu số tiền rút trộm từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng.

Câu chuyện của chị Uyên ở Đà Nẵng, sau khi đọc báo và thấy hành vi sai trái của mình hai vợ chồng nhặt được thẻ ATM đã tìm tới trả lại tiền và được chị Uyên chấp nhận lời xin lỗi, bỏ qua sai phạm nên tránh được hậu quả pháp lý. 

Luật sư Lê Trung Phát và luật sư Võ Thị Anh Loan cùng cho rằng câu chuyện của chị Uyên là một tình huống thú vị cho tất cả mọi người như một kinh nghiệm ứng xử cả về mặt đạo đức truyền thống lẫn pháp lý khi gặp phải trong đời sống hàng ngày.

2 vợ chồng rút tiền từ thẻ ATM nhặt được đã trả cho nạn nhân 2 vợ chồng rút tiền từ thẻ ATM nhặt được đã trả cho nạn nhân

TTO - Sáng 26-6, hai vợ chồng trong video rút sạch tiền thẻ ATM nhặt được tại Đà Nẵng đã đến xin lỗi và hoàn trả số tiền gần 15 triệu đồng cho nạn nhân.

UYÊN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên