08/02/2024 10:07 GMT+7

Từ Mai, nhìn lại vấn đề cha mẹ trong phim Trấn Thành

Sau 3 bộ phim, với vai trò người sáng tạo và cầm trịch, Trấn Thành đã chứng minh được giá trị riêng. Nổi bật trong đó là quan điểm rất mạnh dạn về con cái.

Bố GiàNhà bà Nữ tuy khác nhau về quy mô, về cách đề cập vấn đề nhưng lại giống nhau khi là "diễn đàn" để Trấn Thành nói về sự cần thiết cũng như cản trở của quan hệ gia đình, ý thức hệ trong đời sống của người Việt. 

Đó là sự ràng buộc về huyết thống dẫn đến những xung đột và căng thẳng về lối sống, về quan niệm gia đình, về sự hy sinh dẫn đến làm khổ nhau.

Từ Mai, nhìn lại vấn đề cha mẹ trong phim Trấn Thành- Ảnh 1.

Phương Anh Đào trong vai Mai và Tuấn Trần trong vai Dương

Cho đến Mai, một bộ phim cá nhân hơn khi xoay quanh một nhân vật có số phận gai góc và phức tạp hơn, được mổ xẻ và bóc tách thông qua một câu chuyện tình yêu nhưng đến cuối cùng, bộ phim vẫn khéo léo cất lên được tiếng nói về những xung đột đã đề cập bên trên. Chính điều này khiến Trấn Thành chứng minh được quan điểm xã hội của mình rất chặt chẽ trong phim, cụ thể là quan điểm về gia đình và mâu thuẫn thế hệ.

Ông Sang và A Quắn (Bố Già), bà Nữ và Nhi (Nhà bà Nữ), Mai và ông Hoàng (Mai): tất cả đều có con. Mối quan hệ của những cặp nhân vật này là mệnh đề chính để tạo nên kịch tính chung. 

Nếu ở hai phim trước là sự đối đầu trong mâu thuẫn về thế hệ, những sai lầm từ giáo dục thì ở Mai, mâu thuẫn này được mở rộng ra nhiều và sâu hơn. Cũng là thế hệ nhưng ngoài sự tác động qua lại thì còn có sự phản chiếu và sự nhận thức rất đậm nét trong việc nuôi dạy con cái.

Từ Mai, nhìn lại vấn đề cha mẹ trong phim Trấn Thành- Ảnh 2.

Trấn Thành trong vai ông Hoàng

Biên kịch bày ra xung quanh Mai rất nhiều những nhân vật và tình huống có thể khái quát thành những xung đột xã hội như xung đột trong giai cấp, trong môi trường sống, trong quan hệ đồng nghiệp, tình cảm bạn bè và cả trong tình yêu. Những người hàng xóm lúc nào cũng dè bỉu và nghi kỵ Mai, vì họ chướng mắt một cô gái xinh đẹp và (có vẻ như) rất tự do. 

Nhưng ngược lại, chính mỗi người họ lại là đại diện cho những khát khao rất giản đơn mà Mai đang không có: sống cùng với con cái và gia đình những ngày tháng bình thường. Đây cũng là một dạng xung đột rất thường thấy trong xã hội mà nó chính là nguồn cơn tạo nên khủng hoảng lòng tin và lòng tốt.

Tuy nhiên, có vẻ như tất cả những điều trắc trở đó Mai đều có thể dễ dàng vượt qua, bởi kinh nghiệm bươn chải và một tuổi thơ khốn khổ. Thứ bi kịch khủng khiếp và khó khăn nhất mà Mai phải vật lộn suốt hành trình của mình, dồn Mai đến đường cùng vẫn là bi kịch về gia đình.

Từ Mai, nhìn lại vấn đề cha mẹ trong phim Trấn Thành- Ảnh 3.

Mai là nhân vật ẩn chứa nhiều thông điệp về phụ nữ

Trong tư cách một người mẹ, Mai dằn vặt và khổ sở vì không thể mang lại cho con mình một cuộc sống hoàn mỹ. Cô có thể bị đánh gục chính bởi sự mặc cảm luôn đeo bám này, thậm chí là từ bỏ hạnh phúc bản thân. Cũng trong tư cách một người mẹ, Mai cảm thấy bế tắc nhìn thấy sự phản chiếu của tình mẫu tử từ một người mẹ khác. Đến mức, cô sẽ không thể trả lời họ đang làm đúng hay sai, và bản thân mình có đáng thương hay không.

Nhưng trong tư cách một người con, Mai bị trù dập bởi sự ràng buộc huyết thống và thực tế hoàn cảnh. Một người cha tồi tệ sẽ vẫn luôn là một người cha, kể cả chính mình có đích thân phũ bỏ. Cái bí bách đến cùng cực đó vốn là một mệnh đề trong xã hội, có tên là "huyết thống", một điều rất thiêng liêng mà bạn chưa chắc có thể từ chối.

Từ một câu chuyện tình yêu, Mai đối diện với hằng hà bi kịch của đời mình và vụn vỡ trong chính bi kịch mà cô không thể chọn lựa: bi kịch từ gia đình. Nhưng may mắn, Mai đã vượt qua nó một cách thật văn minh, nhưng cũng nhiều mất mát.

Từ Mai, nhìn lại vấn đề cha mẹ trong phim Trấn Thành- Ảnh 4.

Câu chuyện tình yêu của Mai hứa hẹn chạm đến trái tim của nhiều người

Quan 3 bộ phim, Trấn Thành nói lên được tuyên ngôn của mình qua sự thương cảm cho những nhân vật phải trải qua bi kịch từ những sai lầm của thế hệ đi trước, qua cách giáo dục áp đặt và qua những mâu thuẫn câm nín từ chính những người ở gần. Có thể sẽ còn rất nhiều xung đột xã hội quen tên nhưng không giới hạn xuất hiện trong phim Trấn Thành về sau, nhưng chắc chắn Mai là một câu chốt hạ đanh thép cho sự lên án đến những người cha mẹ độc hại. 

Họ có thể tồn tại ở nhiều hình thái khác nhau, có thể như một nhân vật phản diện hoặc không. Nhưng thực ra cũng không khó để sự độc hại đó được thay đổi. Như Mai, như cách mà cô đã luôn cố gắng trở thành một người mẹ tốt dù cô chưa từng chọn trở thành mẹ.

Mai khởi chiếu từ mùng 1 Tết, ngày 10-2-2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên