Nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm đến tòa sáng 6-9 - Ảnh: T.L
Phiên xét xử đại án tham ô tài sản, vi phạm quy định trong cho vay tại Ngân hàng TCMP Đại Dương (OceanBank) đang điễn ra tại TAND TP Hà Nội.
Lời khai của các bị cáo tại tòa cho thấy từ năm 2011-2014, Oceanbank triển khai việc chi lãi ngoài hợp đồng trên toàn quốc, gây thiệt hại số tiền hơn 1.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, thanh tra Ngân hàng Nhà nước lại không có động thái xử lý, nhắc nhở
Xin được trả lời sau!
Tại tòa, nhiều bị cáo đã "tố" việc thanh tra Ngân hàng Nhà nước thiếu trách nhiệm là "tạo ra một cái bẫy, vô tình đẩy các bị cáo vào tù".
Trước các ý kiến này, đại diện ủy quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã bị tòa chất vấn.
Theo vị đại diện này, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần thanh tra với OceanBank, phát hiện có sai phạm và đề nghị ngân hàng khắc phục. Tuy nhiên những lần sau đó, OceanBank vẫn tiếp tục vi phạm nghiêm trọng hơn.
Năm 2014, kết quả kinh doanh của OceanBank tiếp tục tuột dốc, lỗ hơn 10.000 tỉ đồng, nợ xấu hơn 14.000 tỉ đồng. Trước tình hình đó, tháng 5-2015, Ngân hàng Nhà nước mua lại Oceanbank với giá 0 đồng.
Vị chủ tọa đã đặt câu hỏi: "OceanBank có hàng loạt sai phạm, sai phạm sau nghiêm trọng hơn sai phạm trước, sao thanh tra Ngân hàng Nhà nước không phát hiện ra, do năng lực yếu hay bỏ qua sai phạm?"
Trước câu hỏi này, vị đại diện Thanh tra Ngân hàng Nhà nước xin được trả lời sau vì liên quan đến nhiều cục, vụ.
Tòa đặt câu hỏi OceanBank chi lãi ngoài trong 5 năm, Ngân hàng Nhà nước có biết không? Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng xin được trả lời sau!
Những ngày xét xử sau đó, hội đồng xét xử hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước đã có câu trả lời chưa? Vị đại diện này cho biết vì phải xin ý kiến các đơn vị liên quan nên chưa trả lời được.
Thẩm phán Trương Việt Toàn đã lưu ý Ngân hàng Nhà nước phải trả lời câu hỏi ai là người được cử xuống giám sát OceanBank thời điểm 2009-2014. Trách nhiệm của những người này như thế nào?...
Theo tòa, những văn bản kết luận của Ngân hàng Nhà nước về sai phạm tại OceanBank chỉ thể hiện trên giấy tờ chứ không có tác dụng chấn chỉnh đối với ngân hàng này.
Câu hỏi kéo dài!
Câu hỏi về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước khi các đại án ngân hàng diễn ra đã không còn là chuyện mới.
Còn nhớ tại phiên xét xử đại án Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên, nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB), các bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB đã "tố" Ngân hàng Nhà nước chậm ban hành hướng dẫn Luật các Tổ chức Tín dụng khiến các bị cáo phải áp dụng quyết định cũ để ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền vào ngân hàng khác.
Thậm chí luật sư bào chữa cho bầu Kiên còn kiến nghị tòa xem xét khởi tố hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước.
Theo vị luật sư này, với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã chậm ban hành hướng dẫn luật.
Thanh tra Ngân hàng nhà nước đã không can thiệp, không ngăn chặn xử lý kịp thời các cá nhân có hành vi ủy thác gửi tiền dẫn dến việc Bầu Kiên và một số lãnh đạo ACB bị truy tố về hành vi cố ý làm trái.
Cũng chính vì sự thiếu vắng các văn bản pháp luật mà ngay trong bản án vụ Bầu Kiên, tòa án đã phải kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch đầu tư phải khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật, các văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ ngân hàng, khắc phục ngay các kẽ hở và các quy định không còn phù hợp.
Tại phiên xét xử đại án Ngân hàng Xây dựng (VNCB) thất thoát 9.000 tỉ đồng, đại diện viện kiểm sát đã kiến nghị HĐXX phải kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục xem xét hành vi vi phạm đối với Ban thanh tra giám sát của Ngân hàng nhà nước.
Lý do vì đơn vị này đã không thực hiện tốt vai trò của mình, tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước để cho Phạm Công Danh tái cơ cấu VNCB khi không đủ điều kiện. Đại diện viện kiểm sát cũng kiến nghị phải xem xét trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận