Huỳnh Ngân Giang (học sinh lớp 12B4 Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Huế) với đề thi THPT quốc gia môn ngữ văn được in trên giấy khổ A3 - Ảnh: NHẬT LINH
Giang bị bệnh viêm màng bồ đào vào năm 14 tuổi. Một buổi sáng thức dậy, em bỗng dưng thấy mắt mình trĩu xuống, sưng đỏ và đau đớn. Mọi thứ trước mặt không còn nhìn thấy rõ, thay vào đó là màn sương mờ trắng đục.
Dù được gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng bệnh tình của Giang vẫn vậy. Em không thể đọc được chữ in trong sách giáo khoa và chữ in trong đề thi khổ giấy A4 thông thường.
"Nhiều lúc em cảm thấy tuyệt vọng vì 'cửa sổ tâm hồn' của mình không còn được rõ như trước. Một câu hỏi cứ lặp đi lặp lại trong đầu là mình bị bệnh vậy sau này làm sao đi xin việc, làm sao đi làm?" - Giang tâm sự.
Thế nhưng thay vì bỏ cuộc, cô gái trẻ đã chọn việc cố gắng đứng dậy, vượt qua nghịch cảnh.
Trên lớp, Giang cố gắng lắng nghe và dùng điện thoại chụp lại những gì cô giáo ghi trên bảng. Về nhà, em ôn lại bài giảng từ những bức ảnh chụp và cố gắng tìm tòi thêm những kiến thức trên mạng.
Mọi nỗ lực của cô gái trẻ đã được đền đáp xứng đáng. Suốt 3 năm học cấp III, Giang luôn giành được danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Giang còn được Trường THPT Nguyễn Huệ chọn vào đội thi học sinh giỏi môn ngữ văn cấp tỉnh và giành được giải nhì tại kỳ thi năm 2018.
Bước vào kỳ thi THPT năm nay, Ngân Giang nói sẽ cố hết sức để thi đậu vào khoa du lịch ĐH Huế cho thỏa "giấc mơ được đi đây đi đó".
Trước kỳ thi, Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đã gửi hồ sơ bệnh án của Giang ra Bộ GD-ĐT để xin ý kiến làm riêng cho em một bộ đề thi đặc biệt.
Theo đó, thay vì đề thi các môn được in trên khổ giấy A4 thông thường, sẽ có một bộ đề thi riêng được in trên khổ giấy A3 với cỡ chữ to hơn và phát tại phòng thi để Giang có thể đọc được.
Phần giấy làm bài của em là giấy thông thường như các thí sinh khác.
Huỳnh Ngân Giang chia sẻ về bài thi ngữ văn sáng 25-6 - Video : NHẬT LINH
Thầy Thân Nguyên Khánh - chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, phó chủ tịch Hội đồng cụm thi số 33 - cho biết sau khi nhận được hồ sơ xin ý kiến về trường hợp của Giang, Bộ GD-ĐT đã đồng ý ngay.
"Chúng tôi cố gắng để hỗ trợ mọi thí sinh tối đa trong kỳ thi này. Đặc biệt những thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khiếm thị như trường hợp của Giang" - ông Khánh nói.
Sau khi kết thúc môn thi ngữ văn sáng 25-6, Ngân Giang nói khá thích thú về đề thi này và làm được gần như toàn bộ các câu.
"Đặc biệt câu 1, ở phần làm văn nói về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống. Em thích câu hỏi này bởi em thấy được hình ảnh bản thân mình trong đó" - Giang chia sẻ.
"Thí sinh kiểm lâm" 37 tuổi: Muốn các con thấy "việc học không lúc nào là muộn"
"Thí sinh kiểm lâm" Hồ Văn Nhuận tại phòng thi - Ảnh: NHẬT LINH
Đó là trường hợp thí sinh Hồ Văn Nhuận (37 tuổi, trú thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế). Anh Nhuận hiện là cán bộ kiểm lâm của Khu Bảo tồn Sao La thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế.
Năm 2005 do điều kiện kinh tế khó khăn, anh không được học hết lớp 12 nên không thể thi tốt nghiệp THPT. Năm 2008, anh đăng ký đi học trung cấp kiểm lâm tại Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), sau đó về Huế nhận công tác giữ rừng.
Đến năm 2018, anh Nhuận quyết định đăng ký lớp học bổ túc tại Trường THCS A Roàng (huyện A Lưới) vào 2 ngày cuối tuần. Cứ thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, anh Nhuận lại chạy xe máy từ rừng về huyện để đi học với mong muốn sẽ hoàn thành chương trình phổ thông.
"Tôi đã có hai con, đứa lớn sang năm cũng thi THPT. Tôi đăng ký thi để vừa phục vụ công việc sau này, vừa cho các cháu ở nhà thấy việc học không lúc nào là muộn" - anh Nhuận chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận