12/06/2018 09:01 GMT+7

Trường học không điện thoại, được không?

THANH NGUYỄN
THANH NGUYỄN

TTO - Thay vì dành thời gian quan sát nét buồn vương trên mặt của em này, hoặc tìm hiểu lý do học kỳ vừa rồi em kia sức học giảm sút hẳn... để chia sẻ, hỏi han, chuyện trò... thì giờ đây, cái điện thoại trở thành mối bận tâm lớn hơn của thầy và trò.

Trường học không điện thoại, được không? - Ảnh 1.

Điện thoại thông minh đang được sử dụng phổ biến trong trường học - Ảnh: Như Hùng

Phao thi thủ công chép chữ li ti trên giấy, viết trong tay áo hoặc những bản photocopy siêu nhỏ đang dần bị thay thế bằng những chiếc điện thoại thông minh có kết nối WiFi hoặc 3G. Và đó chính là nỗi ám ảnh lớn nhất của giáo viên. Tôi nhớ mãi 3 "sự cố" liên quan đến "phao thi" này.

"Phao thi" đa năng

7 năm trước, tôi nhận dạy ngữ văn lớp 9. Đầu năm học, vì chỉ tiếp xúc với học sinh (HS), tôi chưa nắm rõ sức học của từng em. Bài viết tập làm văn số 1 diễn ra trong 90 phút, bài chấm hoàn thành sau đó và tôi nhanh chóng trả bài cho HS. 

"Điện thoại thông minh biến thành “phao thi đa năng”, điện thoại ngăn cách tình cảm học đường giữa trò và trò, thầy và trò. Là một giáo viên THCS, tôi đồng tình ủng hộ quy định nếu trường học cấm dùng điện thoại."

Thanh Nguyễn

Mấy hôm sau, một chị đồng nghiệp mách nhỏ: "Em H. trong lớp chép văn trên mạng và hí hửng khoe bạn bè được 6 điểm!". Tôi choáng váng.

Một lần coi thi bộ môn lịch sử, tôi phát hiện một HS có vẻ lén la lén lút như đang sử dụng tài liệu. Dù đã lên tiếng nhắc nhở nhưng em ấy vẫn không nghiêm túc làm bài. 

Tôi bước xuống kiểm tra, không thể tìm thấy xấp tài liệu hoặc bất kỳ mảnh giấy nào. Đi vòng qua phía bên kia và phát hiện chiếc điện thoại cảm ứng được giấu ở thanh chắn ngang của ghế ngồi.

Mới đây, chấm bài thi học kỳ 2, tôi ngỡ ngàng nhìn thấy một vài bài làm trong cùng phòng thi có cách hành văn na ná nhau. Một HS kể lại rằng một số bạn chép bài văn trên mạng bằng điện thoại. Tôi lại thở dài bất lực. 

Một chiếc điện thoại có kết nối mạng là kho tài liệu bạt ngàn, giáo viên không thể kiểm soát được hết những trang viết văn mẫu. Người thầy lại càng không thể suốt buổi kiểm tra quanh lớp. HS gian lận kiểu này không chỉ hỏng kiến thức mà còn dẫn đến những thái độ, nhận thức sai lầm.

Ngắt kết nối trò - trò, thầy - trò

Điện thoại với thế giới mở chứa đựng biết bao nhiêu điều mới mẻ, lôi cuốn học trò. Thử tưởng tượng các em vừa ngồi học vừa chờ đợi tiếng "tích tích" cực nhỏ dưới bàn vang lên là lúi húi trượt, chạm, gõ phím. 

Bài giảng của cô giáo trên lớp có sức hút nhiều hơn mấy tấm ảnh, clip đó không? Thái độ tập trung trong giờ học có thể chiến thắng nỗi tò mò về nội dung tin nhắn đó không? 

Trong khi đó, mầm mống bạo lực lại manh nha xuất hiện bằng những việc tưởng như cỏn con ban đầu: đăng ảnh, bình luận, hiềm khích, mâu thuẫn và hẹn nhau giải quyết bằng bạo lực. Từ điện thoại mà ra.

Và thay vì đọc sách hay tung tăng vui đùa cùng nhau, nhiều HS thường dán mắt vào màn hình điện thoại di động, bắt đầu từ những HS tiểu học. Sự kết nối giữa HS này và HS khác bị ngắt quãng vì chiếc điện thoại là điều mà cả xã hội ta đang lo lắng. 

Chúng ta mơ hồ bất an về một thế hệ "cúi đầu" bởi bận dán mắt vào những màn hình... Khi trưởng thành, các em sẽ thành những con người ngồi chung bàn nhưng ai cũng đang mải mê với thế giới ảo trên mạng...

Và còn một kết nối cũng bị cản trở bởi điện thoại là quan hệ thầy - trò. Thay vì vài phút đổi tiết, ra chơi thầy trò hỏi han nhau, tâm sự về việc trường lớp, bạn bè, ước mơ, tương lai... thì giờ đây, thầy bận lướt mạng, trò bận nhắn tin. 

HS kể rằng cô giáo A. thường chat trên điện thoại trong giờ giảng; thầy giáo B. thích selfie và hay nhờ HS chụp ảnh thầy. "Tiếng xấu" của họ được truyền tai từ HS này tới HS khác, phụ huynh này sang phụ huynh khác.

Chỉ một, hai cá nhân sử dụng điện thoại trong giờ lên lớp nhưng tiếng xấu thì đổ dồn cho cả hội đồng giáo viên là điều đáng tiếc. 

Thay vì dành thời gian quan sát sao hôm nay nét buồn vương trên mặt của em này, hoặc tìm hiểu lý do học kỳ vừa rồi em kia sức học giảm sút hẳn... để chia sẻ, hỏi han, chuyện trò... thì giờ đây, cái điện thoại trở thành mối bận tâm lớn hơn của cả thầy và trò.

Với những lý do trên, tôi nghĩ: trường học Việt Nam không điện thoại, tại sao lại không?

Ngoài những liệt kê nêu trên, theo bạn xài điện thoại trong trường học sẽ còn hệ lụy gì khác? Bạn có đồng tình với đề xuất cấm dùng điện thoại trong trường học của bạn Thanh Nguyễn? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Trường học không điện thoại (!?) Trường học không điện thoại (!?)

TTO - Ngày 7-6, Hạ viện Pháp đã phê chuẩn dự luật cấm học sinh tiểu học và THCS sử dụng điện thoại di động tại trường. Sau khi được thông qua, dự luật sẽ được chuyển lên Thượng viện để phê chuẩn.

THANH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên