06/01/2024 09:00 GMT+7

Trường Đại học Bách khoa: Quốc tế hóa giáo dục là nhiệm vụ chiến lược

Tầm nhìn đến năm 2030, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) chú trọng phát triển các chương trình dạy và học bằng tiếng Anh, nâng cao năng lực cạnh tranh việc làm của sinh viên và thứ hạng của nhà trường trên phạm vi quốc tế.

Trường Đại học Bách khoa: Quốc tế hóa giáo dục là nhiệm vụ chiến lược- Ảnh 1.

Sinh viên khóa 2020 chương trình Định hướng Nhật Bản, ngành Khoa học Máy tính (đeo thẻ) chụp hình lưu niệm với ông Isoda Tatsunobu (mặc vest) - thị trưởng TP Nagaoka, tỉnh Niigata - trong chuyến thực tập hè hai tháng tại Nhật

Hàng loạt hoạt động thúc đẩy quốc tế hóa

Là đơn vị đào tạo hàng đầu phía Nam về kỹ thuật - công nghệ, Trường Đại học Bách khoa xác định quốc tế hóa giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo ra những công dân toàn cầu, thu hút sinh viên quốc tế đến học tập cũng như các nhà khoa học, giáo sư trên thế giới đến làm việc, nghiên cứu; đồng thời nâng cao thứ hạng của nhà trường trên bản đồ xếp hạng đại học thế giới.

Xu thế quốc tế hóa "ra ngoài" đã được Trường Đại học Bách khoa áp dụng từ thập niên 90 của thế kỷ trước thông qua chương trình đào tạo liên kết quốc tế với các đại học hàng đầu của Mỹ, Nhật, Úc, New Zealand, Thụy Sỹ. Thông qua đó, nhà trường có cơ hội đưa sinh viên, giảng viên sang trao đổi học tập, nghiên cứu tại nước bạn; tiếp cận và cải tiến chương trình đào tạo theo hướng chọn lọc.

Khi uy tín của Trường Đại học Bách khoa đã được nâng cao trên phạm vi quốc tế, nhà trường chuyển sang mô hình quốc tế hóa "tại chỗ" để phát huy tiềm lực được tích lũy từ mô hình trước đó.

Hiện nhà trường đã và đang triển khai nhiều hoạt động trọng tâm phục vụ cho mục tiêu quốc tế hóa: tăng cường các chương trình dạy và học bằng tiếng Anh; sinh viên được kiến tập, thực tập tại các công ty có môi trường làm việc quốc tế; sinh viên tốt nghiệp phải đạt chuẩn đầu ra về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm và mức độ sẵn sàng tham gia thị trường lao động quốc tế; tham gia các mạng lưới kiểm định quốc tế; đẩy mạnh tỷ lệ công bố dự án nghiên cứu khoa học có đối tác quốc tế; tăng cường tuyển dụng giảng viên nước ngoài….

Chọn Bách khoa vì môi trường quốc tế

Có bảng "lý lịch vàng" để đi du học - IELTS 8.0, giải Ba Học sinh Giỏi môn tiếng Anh cấp tỉnh, "cây" hoạt động phong trào năng nổ của trường cấp ba (hùng biện, MC, đoàn hội, thiện nguyện, bóng chuyền…), thế nhưng Nguyễn Thành Thơ đã chọn Trường Đại học Bách khoa làm bến đậu.

Là thủ khoa đầu vào ngành Quản lý Công nghiệp thuộc chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh khóa 2023, Thành Thơ cho biết môi trường học tập quốc tế ở Bách khoa rất cởi mở, đa dạng và tôn trọng sự khác biệt văn hóa của từng sinh viên.

Tham gia chưa đầy một học kỳ tại trường mà Thành Thơ đã "lận lưng" nhiều thành tích và kinh nghiệm đáng nể đối với một sinh viên chỉ mới bước chân vào đại học: Á quân cuộc thi Startathon Đổi mới Sáng tạo chủ đề "Phát triển bền vững" tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo Trẻ khối ASEAN - Trung Quốc - Ấn Độ 2023 diễn ra ở Singapore, top 10 Dự án Cộng đồng xuất sắc nhất tại OISP Presentation Contest 2023. Ngoài ra, Thơ còn thành viên tích cực của Đội tuyển Bóng chuyền nữ Ký túc xá Bách khoa.

Trường Đại học Bách khoa: Quốc tế hóa giáo dục là nhiệm vụ chiến lược- Ảnh 2.

Cô bạn tân sinh viên Nguyễn Thành Thơ năng động trong màu áo bóng chuyền Bách khoa xác nhận

"Ngôi trường này còn gây ấn tượng cho em về sự trao quyền khi đã cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng, cơ hội để người học phát huy năng lực bản thân, kết nối với giảng viên và cựu sinh viên kỳ cựu, tham gia nghiên cứu khoa học… từ đó hiểu được khát vọng bản thân và tìm cách chinh phục", Thành Thơ cho biết.

Còn với Hồ Thảo Nguyên, cựu sinh viên khóa 2019 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh, ngành Kỹ thuật Hóa học, cho rằng việc học bằng tiếng Anh giúp ích cho Nguyên rất nhiều trong việc đọc tài liệu liên quan đến nghiên cứu khoa học và chinh phục các bổng uy tín như Vallet, AmCham, ACWES.

Tại Lễ Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa tháng 11-2023 vừa rồi, Thảo Nguyên đã vinh dự trở thành nữ sinh đạt Cúp Toàn năng duy nhất tốt nghiệp loại xuất sắc. Sở hữu IELTS 8.5, cô bạn khả ái tự tin ứng tuyển học bổng du học bậc Sau Đại học tại Mỹ để tiếp tục hành trình vun dưỡng tri thức vào mùa thu năm sau.

Trường Đại học Bách khoa: Quốc tế hóa giáo dục là nhiệm vụ chiến lược- Ảnh 3.

Hồ Thảo Nguyên (phải) nhận Cúp Toàn năng từ PGS. TS. Mai Thanh Phong - hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, tại Lễ Tốt nghiệp tháng 11-2023

Để hiểu rõ hơn về môi trường học tập quốc tế năng động và nắm bắt thông tin tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Bách khoa, kính mời quý phụ huynh - học sinh tham gia Ngày hội Tư vấn Tuyển sinh BÁCH KHOA OPEN DAY 2024.

- Thời gian: 7h - 12h, chủ nhật 14-1-2024

- Địa điểm: Trường Đại học Bách khoa, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM

- Đăng ký tham gia tại: oisp.hcmut.edu.vn/openday

Thông tin liên hệ: Văn phòng Đào tạo Quốc tế - Trường Đại học Bách khoa, (028) 7301.4183 - 03.9798.9798, tuvan@oisp.edu.vn

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên