22/02/2019 10:02 GMT+7

Trước mắt chỉ thống nhất một bộ sách giáo khoa

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định chủ trương 'một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa' cần có lộ trình thực hiện, khi nào đất nước đảm bảo các điều kiện kinh tế - xã hội đáp ứng thì áp dụng.

Trước mắt chỉ thống nhất một bộ sách giáo khoa - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV - Ảnh: TTXVN

Chiều 21-2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả lấy ý kiến nhân dân cho nội dung dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi). Chính phủ đã nhận được hơn 1 triệu lượt ý kiến góp ý cho dự án luật quan trọng này.

Liên quan đến quy định về chương trình, sách giáo khoa, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhắc lại nghị quyết của Quốc hội đã quy định "một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa".

Đồng thời bà Hải "đề nghị quy định cụ thể nguyên tắc này vào luật, đặc biệt là với cấp tiểu học thì cần rất cẩn thận. Đối với các cấp học cao hơn thì một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là phù hợp, nhưng với cấp tiểu học thì cần thống nhất".

"Quan điểm của tôi thiên về có chương trình và sách giáo khoa thống nhất, chứ nếu sách mà ai cũng viết, ai cũng phát hành được và nhà trường lựa chọn thì e rằng khó đảm bảo chất lượng" - Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

Giải thích vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu lại chủ trương, quan điểm của trung ương và Quốc hội là có lộ trình thực hiện "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa".

Tuy nhiên, theo bà Ngân, hiện nay điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước chưa cho phép nên trước mắt vẫn thống nhất chỉ một bộ sách giáo khoa, đến khi nào điều kiện đất nước phát triển đảm bảo các điều kiện cần thiết thì sẽ thực hiện chủ trương nêu trên.

Một trong những vấn đề nhận được quan tâm nữa là quy định về chính sách học phí, đặc biệt là quy định miễn học phí và hỗ trợ học phí. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị nên có chính sách miễn học phí đối với vùng sâu vùng xa, với người nghèo ở cấp trung học cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị quy định rõ hơn, ví dụ ở những nơi mà học sinh không thể học tại trường công lập, buộc phải học trường tư thì Nhà nước hỗ trợ khoản tiền học phí như với trường công. Còn các gia đình có điều kiện, cho con học tại các trường tư thục có điều kiện tốt hơn, học phí cao hơn thì gia đình tự chi trả.

Tránh độc quyền trong in, phát hành sách giáo khoa Tránh độc quyền trong in, phát hành sách giáo khoa

TTO - Cần quy định rõ việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy và học tập; tránh lãng phí, tạo độc quyền giáo dục trong in, phát hành sách giáo khoa.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên