08/05/2018 19:19 GMT+7

Trung Quốc tuyên bố sẽ thả Giao Long nghiên cứu Biển Đông

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Các nhà khoa học Trung Quốc nói rằng Biển Đông sẽ là một "khu vực phải đi qua" trong cuộc thám hiểm toàn cầu của chiếc tàu lặn có người lái đầu tiên của nước này.

Trung Quốc tuyên bố sẽ thả Giao Long nghiên cứu Biển Đông - Ảnh 1.

Tàu lặn có người lái Giao Long thử nghiệm ở biển Đông vào ngày 5-7-2013 - Ảnh: TÂN HOA XÃ

Tàu lặn biển sâu có người lái đầu tiên của Trung Quốc mang tên Giao Long (Jiaolong) dự kiến sẽ bắt đầu cuộc thám hiểm toàn cầu vào tháng 7-2020.

Thông tin trên đã được ông Đinh Trung Quân (Ding Zhong Jun) - trợ lý kỹ sư trưởng tại Trung tâm biển sâu quốc gia (NDSC), tiết lộ với Hoàn Cầu Thời Báo ngày 8-5.

Trung tâm NDSC đặt ở thành phố Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc.

Ông Đinh cho biết tàu lặn biển sâu có người lái đầu tiên này của Trung Quốc sẽ thám hiểm qua một loạt vùng biển và đại dương như Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.

Nhà khoa học Trung Quốc khẳng định Biển Đông chắc chắn sẽ là "một khu vực phải đi qua" trong suốt cuộc thám hiểm.

Theo thông tin được ông Đinh cung cấp, nhiệm vụ của tàu lặn Giao Long ở Biển Đông dự kiến tập trung vào khám phá và lấy các mẫu tài nguyên thiên nhiên.

Hãng thông tấn Tân Hoa xã tường thuật Trung Quốc đang nhắm tới khai thác băng cháy như một giải pháp để thay thế dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trong tương lai. Hỗn hợp đông lạnh của nước và khí tự nhiên đậm đặc này (hay còn được biết tới là methane hydrate) được đánh giá tập trung nhiều ở khu vực phía nam dưới đáy Biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố sẽ thả Giao Long nghiên cứu Biển Đông - Ảnh 2.

Tàu lặn Giao Long, được thả từ tàu mẹ, sẽ khám phá và thu thập các mẫu tài nguyên thiên nhiên khi đi qua Biển Đông - Ảnh chụp màn hình SCMP

Ông Đinh cho biết cuộc thám hiểm toàn cầu của tàu lặn Giao Long sẽ đi qua hơn 10 quốc gia, trong đó hầu hết nằm dọc tuyến "Vành đai và Con đường" mà Bắc Kinh đang ra sức cổ xúy và hỗ trợ.

Nhà khoa học Trung Quốc nói rằng cuộc thám hiểm sẽ "giúp thúc đẩy các trao đổi trong khu vực về một số công nghệ nghiên cứu biển sâu hàng đầu lên một mức độ mới".

Ông tự tin khoe rằng các công nghệ và trang thiết bị tiên tiến hàng đầu thế giới đã cho Trung Quốc một tiếng nói lớn hơn trong việc quản lý và nghiên cứu đại dương.

Tàu lặn Giao Long có khả năng lặn xuống gần như tất cả vùng biển với độ sâu tối đa là 7.000m. Trước khi khởi động cuộc thám hiểm vào năm 2020, Trung Quốc sẽ nâng cấp tàu lặn có người lái Giao Long và hoàn thành việc đóng một tàu mẹ mới.

Tàu mẹ này dự kiến sẽ chạy thử nghiệm vào khoảng tháng 3-2019. Con tàu có thể cũng sẽ chở các tàu lặn không người lái là Càn Long (Qianlong) và Hải Long (Hailong) trong tương lai để thực hiện các cuộc nghiên cứu biển sâu ở một khu vực rộng hơn, theo ông Đinh.

Tàu lặn Giao Long do Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) chế tạo vào năm 2002. Tàu lặn này từng lập kỷ lục quốc gia vào tháng 6-2012 khi lặn tới độ sâu 7.062m tại rãnh Mariana thuộc khu vực Thái Bình Dương.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên