28/05/2018 09:01 GMT+7

Trung Quốc nói Mỹ ‘khiêu khích’ khi đưa tàu chiến vào Biển Đông

TƯỜNG NGUYỄN - BẢO DUY
TƯỜNG NGUYỄN - BẢO DUY

TTO - Vẫn kiểu cách xem Biển Đông như "ao nhà" của mình, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói Mỹ đã "khiêu khích" và "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc".

Trung Quốc nói Mỹ ‘khiêu khích’ khi đưa tàu chiến vào Biển Đông - Ảnh 1.

Thủy thủ Mỹ trên tàu USS Antietam - tuần dương hạm có tên lửa dẫn đường, hoạt động tại biển Philippines Sea vào tháng 3 vừa qua - Ảnh: US NAVY

Trong thông báo phát đi ngày 27-5, ông Ngô Khiêm (Wu Qian) - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đã dùng những ngôn từ như trên để phản bác việc Mỹ điều tàu chiến đi qua vùng biển trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.

Theo Hãng tin Reuters, ông Ngô Khiêm còn cho biết "máy bay và tàu Trung Quốc đã được điều động để cảnh báo chiến hạm Mỹ rời đi".

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng việc 2 tàu Mỹ USS Antietam và USS Higgins thực hiện quyền "tự do đi lại" (theo cách thông báo của phía Mỹ) là "làm tổn hại niềm tin chiến lược giữa quân đội hai nước và gây nguy hại cho hòa bình, an ninh và trật tự tốt đẹp trong vùng biển có liên quan".

Trong ngày hôm qua, một quan chức Lầu Năm Góc cho biết hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục USS Higgins và tuần dương hạm USS Antietam đi qua vùng biển trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo Cây, Lin Côn, Tri Tôn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Đây là một phần trong hoạt động tuần tra duy trì tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông của Hải quân Mỹ nhằm thể hiện sự "thách thức với tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức" và "thể hiện cam kết của chúng tôi duy trì các quyền, tự do và bảo đảm quyền sử dụng biển và không phận cho tất cả các quốc gia theo luật quốc tế".

Tuyên bố từ Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ còn nói thêm rằng các hoạt động tuần tra bình thường và thường xuyên như trên của Hải quân Mỹ "không nhằm vào một quốc gia nào, và cũng không nhằm đưa ra các thông điệp chính trị".

Cuộc tuần tra diễn ra chỉ hơn một tuần sau vụ oanh tạc cơ chiến lược Trung Quốc diễn tập cất hạ cánh tại đường băng trên đảo Phú Lâm, cũng như việc Bắc Kinh triển khai trái phép các hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Hải quân Trung Quốc tập trận đêm trên Biển Đông

Dù lên tiếng phản bác Mỹ nhưng trong thời gian gần đây, Hải quân Trung Quốc lại liên tục phô diễn sức mạnh với các hoạt động tập trận liên tục có tàu sân bay và thông tin cùng hình ảnh cũng như các đoạn clip được truyền thông nhà nước công bố nhanh chóng sau đó.

Chẳng hạn hôm 25-5, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát đi cảnh tiêm kích J-15 của Trung Quốc hạ cánh xuống tàu sân bay Liêu Ninh trong một cuộc tập trận ban đêm. Giới quan sát nhận định đó là một thông điệp mang tính cảnh báo.

China Daily, tờ báo chính thức của chính quyền Bắc Kinh, ngày 26-5 nhấn mạnh việc các tiêm kích hạ cánh thành công lên tàu sân bay vào ban đêm đánh dấu một bước tiến của Hải quân Trung Quốc.

Tờ này thậm chí còn cho biết các tiêm kích Trung Quốc gần đây đã tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông song không cung cấp thêm chi tiết. 

Trung Quốc nói Mỹ ‘khiêu khích’ khi đưa tàu chiến vào Biển Đông - Ảnh 2.

Tiêm kích J-15 cất cánh ban đêm trên tàu sân bay Liêu Ninh - Ảnh chụp màn hình

Li Jie, một chuyên gia về tàu sân bay của Trung Quốc, tự tin khẳng định tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã đủ khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết cơ bản. 

Tác chiến ban đêm là một trong những yêu cầu của tác chiến trong chiến tranh hiện đại. Ông Li nhấn mạnh hiện chỉ có một vài quốc gia có đủ khả năng cất và hạ cánh tiêm kích trên tàu sân bay cả ngày lẫn đêm và Trung Quốc là một trong số ít đó, bên cạnh Mỹ, Nga, Anh và Pháp.

Trung Quốc hiện đã bắt đầu thử nghiệm tàu sân bay tự đóng đầu tiên trong nước. Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia tính toán hải quân Trung Quốc sẽ cần ít nhất 6 tàu sân bay.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng sẽ mất một thời gian dài để Trung Quốc chế tạo được số tàu sân bay như thế. Tuy nhiên, động lực chính đằng sau việc này là quyết tâm xóa bỏ và thay thế dần ảnh hưởng của Mỹ, quốc gia đang vận hành 10 tàu sân bay, tại một số khu vực.

Tiêm kích J-15 tập cất và hạ cánh ban đêm trên tàu sân bay Liêu Ninh - Nguồn: YOUTUBE

Hải quân và không quân Trung Quốc trong những tháng gần đây liên tục tổ chức tập trận trên Biển Đông. 

Hồi tháng trước, trong một động thái nhằm "nắn gân" Mỹ và Đài Loan, đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thị sát một cuộc duyệt binh trên biển với sự tham gia của 48 tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và 76 máy bay chiến đấu.

Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của nước này. Hôm 25-5, chỉ vài tiếng sau khi Đài Loan tuyên bố sẽ không tiếp tục hèn nhát để mất "đồng minh ngoại giao" trước sức ép của Trung Quốc, các máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc xuất hiện và lượn vòng ngoài khơi hòn đảo này.

Cơ quan quốc phòng Đài Loan sau đó đã điều tiêm kích bám đuôi hai máy bay này, theo Hãng tin Reuters.

Theo chuyên gia Li, cái khó của nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc hiện nay là con người. Không có nhiều phi công tiêm kích có đủ khả năng thực hiện các bài cất và hạ cánh ban đêm trong điều kiện thời tiết phức tạp.

Do đó, chuyên gia này cho rằng chỉ khi nào có đủ những phi công với trình độ đó, tàu sân bay Liêu Ninh mới được gọi xem là sẵn sàng cho một cuộc chiến toàn diện.

Trung Quốc có thể thiếu phi công cho tàu sân bay mới Trung Quốc có thể thiếu phi công cho tàu sân bay mới

TTO - Hải quân Trung Quốc sẽ tự đào tạo phi công thay vì lấy người từ không quân rồi cho học chuyển loại như trước.

TƯỜNG NGUYỄN - BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên