Những phát sinh từ thực tế đã đưa các chủ mỏ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, làm không được, rút không xong, cơ quan chức năng lúng túng.
Không khai thác được vì vướng đền bù
Tại Gia Lai, không ít mỏ khoáng sản trúng đấu giá đang rơi vào tình trạng này khi không thể thỏa thuận đền bù đất đai, đường vận chuyển cho người dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông P.V.L., chủ một doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ đất san lấp tại huyện Ia Pa, cho hay hơn ba năm sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp ông không thể khai thác được do vướng đất của người dân.
Theo ông L., Nhà nước quản lý khoáng sản, nhưng đất thuộc quyền sử dụng của dân. Do đó, không thể đưa xe vào đất của dân để khai thác mà không đền bù, nhưng thỏa thuận đền bù thì người dân hét giá rất cao, không thể làm nổi.
Lúc này doanh nghiệp muốn trả lại mỏ, lấy lại tiền đặt cọc cũng không được vì hiện không có quy định nào. Do đó, doanh nghiệp này kiến nghị cần sửa đổi các quy định cho phù hợp với các phát sinh trong thực tế.
Đồng thời, kiến nghị trước khi đưa ra đấu giá khoáng sản, Nhà nước cần cung cấp mặt bằng sạch để doanh nghiệp trúng đấu giá không vướng vào giải tỏa, đền bù.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai, thời gian qua tỉnh này đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với tám mỏ đất san lấp.
Tuy nhiên đến nay chưa mỏ nào khai thác được do vướng trong việc thỏa thuận đền bù với người dân.
Theo sở này, hiện nhu cầu về đất san lấp cho các dự án trên địa bàn rất lớn nhưng nguồn cung thiếu hụt vì nhiều mỏ trúng đấu giá xong không khai thác được.
Cần quy định việc thu hồi mỏ sau khi trúng đấu giá
Ông Phạm Minh Trung, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai, cho hay việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản được quy định tại nghị định 22/2012 của Chính phủ.
Tuy nhiên, nghị định này chưa quy định trình tự, thủ tục thu hồi quyết định trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản với các trường hợp vi phạm về thời gian làm thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản hoặc trường hợp bất khả kháng sau đấu giá.
Ví dụ: doanh nghiệp không thỏa thuận được việc đền bù đất trong diện tích mỏ, đường vận chuyển... để triển khai thăm dò, khai thác.
Bên cạnh đó, nghị định cũng chưa quy định việc hoàn trả tiền đặt trước đối với các trường hợp bất khả kháng như: doanh nghiệp không tự thỏa thuận đền bù đất đai với người dân trong khu vực dẫn tới không thực hiện được thủ tục cấp phép.
Hoặc trường hợp sau khi trúng đấu giá quyền khai thác, doanh nghiệp làm thủ tục cấp phép thì khu vực mỏ được khoanh định là khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
Do đó, tỉnh này đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu hồi quyết định trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản khi doanh nghiệp vi phạm về thời gian làm thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản hoặc trường hợp bất khả kháng sau đấu giá và việc xử lý tiền đặt trước đối với các trường hợp này.
Đang lấy ý kiến sửa đổi nghị định
Theo Cục Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nghị định 22 có nhiều điểm chưa đồng bộ với Luật Đấu giá tài sản. Cụ thể là các vấn đề liên quan tiền đặt cọc, quy định thu hồi và hoàn trả quyết định trúng đấu giá, kết quả công nhận trúng đấu giá...
Do đó, trong quá trình sửa đổi các nghị định liên quan, những vấn đề này sẽ được gỡ vướng và thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản. Cơ quan này cho biết nghị định sửa đổi đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ có dự thảo quy định về hủy kết quả đấu giá, hủy quyết định phê duyệt kết quả đấu giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận