05/07/2005 05:31 GMT+7

Trung Á: SCO đương đầu với "ba thế lực ác"

DUY VĂN
DUY VĂN

TT - Không thu hút sự quan tâm của dư luận như Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G8), Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) khai mạc hôm nay tại Astana (Kazakhstan) dẫu vậy cũng có những diễn tiến quan trọng.

ZRIqQRnm.jpgPhóng to
Tổng thống Kazakhstan N. Nazarbayev (phải) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đang thăm chính thức Kazakhstan
TT - Không thu hút sự quan tâm của dư luận như Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G8), Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) khai mạc hôm nay tại Astana (Kazakhstan) dẫu vậy cũng có những diễn tiến quan trọng.

Theo nhận định của trợ lý tổng thống Nga Sergei Prikhodko, hội nghị sẽ xác định lại các định hướng hoạt động, đặt ra những nhiệm vụ và triển vọng thực tiễn trong bối cảnh một Trung Á có nhiều xáo động trong thời gian qua.

Đó là cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq; “cách mạng màu” ở Kyrgyzstan, các cuộc biểu tình ở Uzbekistan. Không phải ngẫu nhiên mà ngay trước Hội nghị SCO, Trung Quốc và Nga, cũng là hai thành viên của SCO, đã ký tuyên bố chung về trật tự thế giới mới, kêu gọi loại bỏ các nỗ lực hướng tới sự độc quyền và thống trị trong các vấn đề quốc tế.

Những diễn biến mới ở Trung Á, theo lời chủ tịch Quĩ “Chính trị” ở Nga Viyachslav Nikonov, đã được lãnh đạo các nước SCO đánh giá là nỗ lực của Mỹ muốn tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.

Đó là lý do khiến các nước SCO, từng chẳng buồn nhóm họp khi Mỹ và liên quân tấn công Afghanistan và Iraq, nhưng nay đã "xác định chung mối quan tâm là hạn chế ảnh hưởng của Mỹ", theo lời ông Nikonov.

SCO, qui tụ Nga, Kazakhstan, Uzbekistan, Trung Quốc, Kyrgyzstan và Tajikistan, thành lập năm 2001 như một tổ chức hữu nghị, hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật, văn hóa... Hiện Mông Cổ, Ấn Độ, Iran, Pakistan đang là nước quan sát viên của SCO.

Phát biểu trước báo giới, thư ký điều hành của SCO, ông Trương Đức Quảng, cũng nói: "Ở Trung Á, ba nhân tố bất ổn trước tiên là "ba thế lực ác": chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa phân lập và chủ nghĩa cực đoan".

Đánh giá tình hình Trung Á thời gian qua nói chung là ổn định, ông nhấn mạnh: "Tuy có một số vấn đề nảy sinh ở khu vực, nhưng chúng không có nghĩa khu vực này rơi vào hỗn loạn. Ở đây không cần sự can thiệp nào đó của thế lực bên ngoài".

Ông cũng chỉ trích những kích động "cách mạng màu" trong khu vực mà ông cho rằng "nguy hiểm, không có lợi cho ai và có thể bị các thế lực khủng bố và cực đoan lợi dụng".

Cũng không phải ngẫu nhiên khi Tổng thống Kazakhstan Nazarbayev, người vừa công bố khả năng tái cử nhiệm kỳ ba, nói với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Astana hôm qua rằng ông thích "tuyên bố mạnh mẽ về trật tự đa cực của Nga và Trung Quốc" (Strana.ru).

Theo ông Prikhodko, nội dung chính của cuộc gặp lần này vì thế sẽ là vấn đề bảo đảm ổn định và an ninh khu vực. Hội nghị sẽ thông qua nguyên tắc về hợp tác giữa các nước thành viên, về tổ chức cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa phân lập và cực đoan.

Nguyên tắc này sẽ là nền tảng trong hoạt động của cơ chế chống khủng bố khu vực (được thành lập năm 2002 tại cuộc họp ở Saint Petersburg, Nga). Cuộc họp cũng xem xét "cơ chế phản ứng chung" trước những vấn đề xảy ra trong không gian SCO.

DUY VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên