09/11/2023 18:11 GMT+7

Trong mê hồn trận sản phẩm sữa, không biết thứ nào là sữa chuẩn

Trên mạng xã hội tràn lan quảng cáo sữa, từ sữa chức năng, sữa hữu cơ đến sữa kết hợp trái cây, rau củ, thảo mộc… 'Mê hồn trận' sản phẩm sữa này khiến nhiều bà mẹ không phân biệt được đâu là sữa chuẩn.

Ảnh minh họa: Shutterstock

Ảnh minh họa: Shutterstock

Ngày 9-11, báo Công Thương tổ chức tọa đàm với chủ đề: Quản lý thị trường sữa và vấn nạn "truyền thông bẩn", với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực.

Sữa nào mới là "sữa chuẩn"?

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, theo quy chuẩn Việt Nam, hiện thị trường trong nước có sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng hay sữa hoàn nguyên. Theo quy định, các loại sữa này đều có độ đạm 2,7g/100ml sữa.

Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có thêm sản phẩm sữa trái cây. Đây là sản phẩm do doanh nghiệp đặt tên. Song, sữa trái cây thường có độ đạm dưới 1g/100ml, hay chất béo dưới 1g/100m và năng lượng cung cấp cho cơ thể. Tuy nhiên người tiêu dùng thường hiểu lầm sữa trắng (sữa dạng lỏng, dạng nước, dạng bột) với sữa trái cây là một.

"Các bậc phụ huynh nên hiểu đúng về các sản phẩm sữa. Ví dụ sản phẩm sữa có đạt quy chuẩn quy định không, được các cơ sở y tế cấp phép chưa, có được sản xuất tại các nhà máy đạt quy chuẩn chưa? Có đảm bảo chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm chưa? Từ đó có sự lựa chọn phù hợp nhất cho con, không nên chỉ tin vào những lời quảng cáo để lựa chọn sản phẩm", PGS Lâm đưa ra khuyến cáo.

Cũng theo PGS Lâm, theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhiều năm qua khẩu phần canxi của người dân Việt Nam chỉ mới đáp ứng 50-60% nhu cầu khuyến nghị.

Các bác sĩ luôn khuyến khích người dân bổ sung canxi qua khẩu phần ăn, trong đó có sữa. Tuy nhiên khi chọn sữa cũng cần có kiến thức, cần theo quy chuẩn của Việt Nam.

Khó khăn trong việc quản lý sản phẩm sữa

Theo bà Trần Việt Nga - phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), theo quy định, các nhóm cần đăng ký và nộp hồ sơ gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, y học và dùng cho chế độ ăn đặc biệt, dùng cho trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi và phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng do Bộ Y tế quy định.

Các sản phẩm khác được tự công bố, doanh nghiệp tự xây dựng hồ sơ, các quy định, quy chuẩn của nhà sản xuất, chỉ cần 1 bản hồ sơ, đăng tải trên website. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp không phải chờ đợi, rút gọn thời gian, thủ tục.

Tuy nhiên từ quy định này cũng xuất hiện một số doanh nghiệp làm ăn không chân chính, lợi dụng sự thông thoáng, quảng cáo các sản phẩm không đúng quy định.

"Vấn đề quảng cáo đang gây nhiều hiểu lầm khó kiểm soát. Đặc biệt là khi quảng cáo có sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế", bà Nga nêu dẫn chứng.

Theo bà Nga, mặc dù công tác hậu kiểm sản phẩm, kiểm soát quảng cáo vẫn được thực hiện nhưng còn khó khăn. Các website ẩn danh hoặc máy chủ đặt ở nước ngoài khiến cơ quan chức năng rất khó tìm ra đơn vị chính chủ.

Đối với tổ chức cá nhân có sản phẩm quảng cáo vi phạm thì họ phủ nhận, không thừa nhận sản phẩm... dẫn đến khó khăn trong quản lý, xử phạt.

Sữa mẹ vẫn là thức ăn tốt nhất với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Theo PGS Lâm, với các mẹ đang nuôi con nhỏ, sữa mẹ vẫn là thức ăn tốt nhất cho các con. Các mẹ có thể cải thiện chế độ ăn, bổ sung thêm nhiều vi chất để nâng cao chất lượng sữa cho con.

Trường hợp mẹ ít sữa hoặc vì lý do y tế nào đó mà không cho con bú được thì nên chọn loại sữa phù hợp với nhóm tuổi của con mình và chọn sản phẩm sữa của doanh nghiệp lớn, uy tín, đã có thương hiệu trên thị trường vì được đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định.

Quảng cáo ‘sữa trị tiểu đường’: Nhắc nhở người đóng quảng cáo sai sự thậtQuảng cáo ‘sữa trị tiểu đường’: Nhắc nhở người đóng quảng cáo sai sự thật

UBND phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM cho hay đã mời ông Nguyễn Văn Chương lên làm việc, nhắc nhở vì đóng clip quảng cáo “sữa trị tiểu đường” sai sự thật.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên