28/07/2019 09:14 GMT+7

Trở về đất mẹ - Kỳ 4: Vùng nguy hiểm

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Năm 2007, lần đầu tiên tham gia nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở Campuchia, trung sĩ (hiện là trung úy) Nguyễn Hồng Kỳ đã đến Pailin - một tỉnh rất khó khăn nằm ở phía tây Campuchia.

Trở về đất mẹ - Kỳ 4: Vùng nguy hiểm - Ảnh 1.

Tiểu đội trưởng công binh Nguyễn Hồng Kỳ - Ảnh: ĐOÀN TINH

Khi chúng tôi đi khảo sát, vật liệu nổ sau chiến tranh ở Pailin còn lại rất nhiều. Nhiều người dân ở đó bị cụt tay, cụt chân khi làm ruộng làm rẫy. 85% người dân đến chính quyền đều là người theo Khmer Đỏ trước kia.

Đại tá Trần Văn Hợp

Trong thời chiến, Pailin từng là một trung tâm hậu cần và căn cứ của Khmer Đỏ. Với địa hình đồi núi rất hiểm trở, Pailin từng là chiến trường ác liệt.

Mìn dày 3-4 lớp

"Mìn ở Pailin có tới 3-4 lớp chứ không phải 1. Khi chúng tôi đi khảo sát, vật liệu nổ sau chiến tranh ở Pailin còn lại rất nhiều. Nhiều người dân ở đó bị cụt tay, cụt chân khi làm ruộng làm rẫy. 85% người dân đến chính quyền đều là người theo Khmer Đỏ trước kia.

Chủ tịch tỉnh trước là tổng tham mưu trưởng của Pol Pot, phó chủ tịch tỉnh từng là trợ lý của Pol Pot" - đại tá Trần Văn Hợp, nguyên đội trưởng Đội K70, một trong những người tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở Pailin, cho biết.

Thông tin từ những người lính Khmer Đỏ ngày xưa cho biết trên đỉnh núi ở điểm cao 511 (một trong những điểm cao ác liệt nhất khi chúng ta đánh nhau với Pol Pot ở tỉnh Pailin) có hài cốt bộ đội Việt Nam. Từ chân núi lên tới đỉnh núi là bãi mìn của Pol Pot.

Ở khu vực này, mấy chục năm sau chiến tranh, người dân vẫn chưa dám tới làm rẫy nên những người dẫn đường cũng sợ không dám đi dù đã thông thuộc địa bàn.

"Chúng tôi đi từ 6h sáng. Ngọn đồi đó ở độ cao 500-600m so với mực nước biển, nằm trong rừng um tùm. Đường đi rất khó khăn, chỉ là lối mòn bề ngang chừng 50cm. Chúng tôi phải đi theo đúng từng bước chân họ.

Người đi sau phải đặt đúng vào dấu chân người đi trước, không được lệch ra. Lệch ra là đạp trúng mìn ngay! Vừa đi vừa rà mìn mở đường. Mìn dày đặc, gài dọc gài ngang, chồng chéo chứ không theo hàng lối. Rà tới đâu chặt cây tới đó để anh em đi theo" - trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Hồng Kỳ cho hay.

Là tiểu đội trưởng công binh chuyên rà phá bom mìn để mở đường cho đồng đội, nên Kỳ đã đi trước dẫn đầu tổ rà mìn làm nhiệm vụ nguy hiểm này. "Nói thật là lúc đó mình cũng sợ lắm - trung úy Kỳ chia sẻ - Nhưng nếu mình không làm thì anh em phía sau không lên được, không tìm được liệt sĩ.

Công tác dò tìm bom mìn là công việc rất nguy hiểm, chỉ cần sai sót nhỏ là trả giá bằng tính mạng, không còn thời gian mà rút kinh nghiệm. Cũng may lần đó có đội trưởng Hợp luôn đứng sau mình".

Từ chân núi lên đỉnh núi gần 1km. Đoạn đường chỉ dài gần 1km nhưng có gần 60 loại bom mìn các loại, mất một buổi đội quy tập mới lên đến nơi! Mìn nổi lên trên mặt đất, mìn chôn ngầm dưới đất. "Khi chúng tôi lên, trận địa hầu như còn nguyên vẹn.

Các hầm hào công sự, các vị trí ụ pháo, đạn, vật liệu nổ... còn rất nhiều. Theo nhân chứng là lính Pol Pot ngày xưa khẳng định trong hầm có hài cốt liệt sĩ. Họ kể khi quân Pol Pot tràn lên tấn công, đánh sập hầm".

Trở về đất mẹ - Kỳ 4: Vùng nguy hiểm - Ảnh 3.

Những hài cốt liệt sĩ được Đội K70 tìm kiếm được trong một lần đi Campuchia quy tập - Ảnh: ĐOÀN TINH

Vào vùng nguy hiểm

18 năm theo Đội K71 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh) tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đất bạn, đại tá Lê Văn Mỹ (chính trị viên Đội K71) cũng là người đã đi qua những khu vực đầy rẫy bom mìn, chỉ cần sơ suất là phải trả giá bằng tính mạng của mình và đồng đội.

Như chuyến đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở tỉnh Oddor Meanchey giai đoạn mùa khô năm 2012-2013. Anh kể: "Có một cụ già người Campuchia cho biết trên núi Tapen Tasat ở Oddor Meanchey có hai mộ liệt sĩ bộ đội Việt Nam. Họ cung cấp thông tin rất cụ thể: đó là lính trinh sát, bị Pol Pot bắt rồi tra tấn, giết chết năm 1981 hoặc 1982.

Ông cụ chỉ cung cấp chứ nhờ dẫn mình đi thì không chịu. Hỏi ra, cụ bảo: trong chiến tranh các anh đã hi sinh, đã mất đồng đội rồi mà giờ tiếp tục đi tìm đồng đội thì sẽ dễ bị hi sinh nữa vì trước đó là căn cứ từ thời Mỹ, có rất nhiều mìn, sau này nó là chốt của Pol Pot. Khi bộ đội Việt Nam đánh bật quân Pol Pot ra, lại gài tiếp một lớp mìn nữa rồi mới rút ra".

Chính nhân chứng này cũng bị cụt mất một chân vì đạp trúng mìn khi đi vào khu vực núi Tapen Tasat. "Khi chúng tôi đến nhà trưởng phum, nhìn xuống chân cầu thang dẫn lên nhà sàn chỉ có 1-2 chiếc dép, nghĩ là chưa ai đến.

Chúng tôi không biết là các nhân chứng đã ngồi trên sàn uống trà. Lên thấy toàn mấy ông còn có một chân, có người cụt hai chân khi vô núi Tapen Tasat làm rẫy, đào vàng" - đại tá Lê Văn Mỹ kể.

Sau khi thuyết phục, các cụ bảo: "Mấy chú mà quyết tâm đi tụi tui cũng sẵn sàng đi cùng nhưng với điều kiện các chú phải lựa người thật kỹ. Đường đi bề ngang chỉ bằng tấm ván thôi, không được bước trật ra, trật là dính mìn". Sau khi trao đổi, thống nhất thì các cụ cử hai người dẫn đường, trong đó có một ông chỉ còn một chân.

Đại tá Mỹ nhớ lại: "Chuyến đi đó đội đã tìm được hai hài cốt và trở về an toàn. Dù chúng tôi rất cố gắng tìm kiếm các di vật còn lại để xác định danh tính của liệt sĩ nhưng không tìm thấy. Hồi đó Pol Pot nó bắt được, tra tấn giết chết rồi đào hố chôn xác anh em mình xuống, không để lại bất cứ manh mối nào".

Trở về đất mẹ - Kỳ 4: Vùng nguy hiểm - Ảnh 4.

Lực lượng bạn Campuchia bàn giao hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam cho Đội K70 sau khi tìm kiếm được - Ảnh: ĐOÀN TINH

Đâu đâu cũng mìn

Sáng hôm sau, phía Việt Nam có 9 người cùng 2 người dân Campuchia dẫn đường là 11, dồn hết lên một chiếc U-oát, kể cả cuốc xẻng. Vô tới nơi là 7h sáng. Biển cấm cảnh báo không cho người dân vào khu vực nguy hiểm cắm đầy quanh đó. Xe phải dừng bên ngoài chỗ đầu đường mòn, 11 người đi bộ vô khoảng 1km.

"Đường có chút xíu, chỉ mấy tấc, như đường bờ ruộng, đủ một người đi. Anh em đã được biết hết rồi nên dùng máy dò mìn rà từng bước một và phát hiện rất nhiều mìn. Kể cả khi đến vị trí có hai mộ liệt sĩ, tổ công binh rà cũng thấy rất nhiều mìn xung quanh" - đại tá Lê Văn Mỹ kể.

Kỳ tới: Chạy đua với thời gian

Tìm kiếm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia Tìm kiếm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia

TTO - Từ năm 2001 đến nay, bốn đội quy tập của Quân khu 7 đã tìm kiếm được 9.653 hài cốt liệt sĩ và chỉ có 516 trường hợp xác định được danh tính.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên