26/06/2015 11:26 GMT+7

Trò chưa thi, thầy chưa nghỉ hè

TH.LỘC
TH.LỘC

TT - Dù nghỉ hè, nhiều giáo viên Trường THPT Hương Giang thuộc huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) vẫn mỗi ngày vượt đèo núi để đến trường, bồi dưỡng luyện thi cho học sinh lớp 12.

Cô Hồ Thị Lý trong một tiết dạy bồi dưỡng môn văn cho học sinh lớp 12 Trường THPT Hương Giang luyện thi THPT - Ảnh: Gia Hưng
Cô Hồ Thị Lý trong một tiết dạy bồi dưỡng môn văn cho học sinh lớp 12 Trường THPT Hương Giang luyện thi THPT - Ảnh: Gia Hưng

Đã gần một tháng kể từ ngày chương trình chính khóa ở trường kết thúc, nhưng cô giáo Hồ Thị Lý vẫn miệt mài đến trường mỗi tuần hai ngày để dạy bồi dưỡng môn văn cho các học sinh lớp 12 của mình.

“Lớp còn một học sinh vẫn dạy!”

Nhà cô Lý ở thị trấn Phú Lộc, cách trường gần 50km, cách trở bởi đèo La Hy dốc đứng nguy hiểm nhưng cô Lý chẳng ngại. Cô cũng không nôn nóng cho dù gần một năm qua cô chưa về thăm gia đình bố mẹ ruột tại tỉnh Quảng Bình.

Điều lo nhất của cô Lý chính là học sinh không đến lớp bồi dưỡng, ảnh hưởng đến kết quả thi sắp tới. Do vậy, trước ngày đến lớp, cô Lý phải điện thoại cho từng học sinh, học sinh nào không có điện thoại thì cô nhờ các bạn cùng lớp đến nhà nhắn đi học. Chỉ có 10 học sinh đến lớp, đối với cô Lý đã là thành công, cho dù học sinh lớp 12 của trường có đến 78 em.

Cô Lý lo lắng bởi vì học sinh của trường còn yếu: “Phần lớn các em là người thiểu số Cơ Tu, học văn rất yếu, vì vậy ngày nào đi dạy cũng phải tìm cách kéo cho được học sinh đến lớp. Tôi quá lo cho các em không đậu được tốt nghiệp chứ nói chi đến đại học, cho nên mình phải chịu khó thôi!”.

Tương tự cô Lý là cô Mai Bích Thảo ở huyện A Lưới, thầy Đoàn Tiến Hữu ở TP Huế, vẫn phải đi hơn cả trăm cây số để đến trường dạy bồi dưỡng cho học sinh. Theo thầy Nguyễn Văn Tiển - phó hiệu trưởng Trường THPT Hương Giang, tất cả giáo viên dạy khối 12 của trường đều đồng ý tham gia dạy bồi dưỡng tám môn cho học sinh.

Trong đó, môn toán, ngữ văn và tiếng Anh mỗi tuần dạy hai buổi. Năm môn còn lại mỗi tuần một buổi. “Học sinh chưa nghỉ sao mình nghỉ được! Năm nay cả cách ra đề lẫn cách tổ chức thi đều rất mới lạ, trong khi học sinh của trường hầu hết là người thiểu số học rất yếu, nên nhà trường rất lo lắng, phải huy động giáo viên bồi dưỡng cho các em. Quan điểm của trường là lớp còn một học sinh vẫn dạy, cho đến giáp ngày thi!” - thầy Tiển nói.

Tinh thần là chính!

Thầy Nguyễn Toàn Thắng, hiệu trưởng Trường THPT Hương Giang, cho biết tuy phát động nhiều giáo viên tham gia dạy bồi dưỡng nhưng bản thân thầy cũng thấy áy náy. Hầu hết giáo viên ở xa, đi lại cách trở, hoàn cảnh khó khăn.

Trong khi thu nhập ở trường này, cho dù dạy khu vực miền núi, người thiểu số nhưng mọi chế độ lương bổng chênh lệch so với khu vực đồng bằng không đáng kể. Gần 80% học sinh Trường THPT Hương Giang thuộc dân tộc Cơ Tu, sau mỗi đợt tuyển sinh lớp 10 đầu cấp, kết quả kiểm tra học sinh đầu vào thường rất yếu. Vực dậy chuyện học là vấn đề luôn làm đau đầu cho cả tập thể nhà trường.

Vào năm 2010, một cuộc họp bàn giải pháp đã được tổ chức có sự tham gia của lãnh đạo huyện Nam Đông và đại diện cha mẹ học sinh. Tất cả cùng thống nhất giáo viên sẽ dồn sức dạy bồi dưỡng cho học sinh. Chính quyền huyện Nam Đông đồng ý chi 40%, nguồn của trường chi 20%, và 40% còn lại do phụ huynh đóng góp. Thù lao mỗi tiết 42.000 đồng.

Thống nhất như vậy nhưng suốt bốn năm qua, vì nghèo nên chẳng có phụ huynh nào đóng tiền. Nhà trường thì chi phí quá hạn hẹp nên không có tiền trích. Do đó, mỗi tiết dạy bồi dưỡng, giáo viên chỉ được hưởng 18.000 đồng từ nguồn hỗ trợ của huyện. Mức bồi dưỡng ít ỏi đó cũng đang được áp dụng cho dạy bồi dưỡng luyện thi tốt nghiệp.

Theo nhận xét của thầy Thắng: “Tinh thần là chính. Đối với nhiều giáo viên ở xa, tiền thù lao không đủ bù vào khoản xăng xe đi lại. Nhưng vì tình thương và lo lắng cho học sinh nên các thầy cô cũng phải hi sinh!”.

TH.LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên