16/12/2014 09:03 GMT+7

​Triệu tập nguyên giám đốc VietinBank TP.HCM

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Ngày 15-12, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã mở phiên xét xử phúc thẩmHuỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm.

Phiên tòa có 34 luật sư tham gia và dự kiến kéo dài đến ngày 31-12.

Theo kháng cáo của 20/23 bị cáo cùng nhiều bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án lừa đảo, chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng do bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm thực hiện.

Không cho luật sư mang máy tính, điện thoại vào phiên tòa

Nhiều luật sư khá bất ngờ trước yêu cầu để toàn bộ tài liệu, giấy tờ, điện thoại, máy tính ngoài phòng xử khi lực lượng an ninh tại phiên tòa đã kiểm tra chặt chẽ về an ninh. Do không được báo trước về tình huống này nên nhiều luật sư đã có ý kiến tranh luận lại.

Tuy nhiên, hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng để đảm bảo sự tôn nghiêm của phiên tòa, nên chấp nhận một phần ý kiến của các luật sư, cho phép được mang tài liệu bằng văn bản đã in ra giấy vào, riêng các thiết bị máy tính, điện thoại, thiết bị ghi âm ghi hình thì không được mang vào.

Ngay đầu phiên tòa, các luật sư kiến nghị HĐXX triệu tập các thành viên của HĐQT và ban giám đốc của Ngân hàng Á Châu (ACB) gồm các ông: Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn đến tòa để làm rõ một số tình tiết của vụ án. HĐXX sau khi giải thích đã cho rằng “nếu cần thiết thì HĐXX sẽ triệu tập các cá nhân này”.

HĐXX bác kiến nghị triệu tập ông Phạm Huy Hùng, nguyên chủ tịch HĐQT của VietinBank, cùng nhân viên các bộ phận giúp việc của các luật sư của ACB. HĐXX chỉ đồng ý kiến nghị của các luật sư yêu cầu triệu tập ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên giám đốc VietinBank TP.HCM) đến tham dự phiên tòa.

Về ý kiến các luật sư cho rằng HĐXX cần phải làm rõ số tiền là vật chứng mà Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt của các nguyên đơn dân sự và bị hại để trả cho các cá nhân và công ty, HĐXX cho biết tại phiên tòa phúc thẩm HĐXX đã triệu tập những cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan này để xem xét số tiền trên theo đúng quy định của pháp luật.

Riêng ý kiến về việc xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của VietinBank, HĐXX cho rằng phiên tòa phúc thẩm chỉ xem xét các kháng cáo, kháng nghị liên quan đến bản án vậy nên về tư cách tham gia tố tụng của VietinBank không có cơ sở để xem xét.

Con đường chiếm đoạt 4.000 tỉ đồng

Huỳnh Thị Huyền Như (36 tuổi, ngụ 153 Tôn Đản, quận 4, TP.HCM) là nguyên phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh TP.HCM. Ngoài công việc ở ngân hàng, Huỳnh Thị Huyền Như còn kinh doanh bất động sản.

Do công việc, Như vay mượn tiền từ các cá nhân và các ngân hàng. Đến năm 2008 khi công việc kinh doanh bất động sản không thuận lợi, Như bị nợ 200 tỉ đồng.

Để trả nợ, Như đã vay một lượng lớn tiền với lãi suất cao của các cá nhân và các công ty dưới hình thức huy động vốn hoặc ủy thác đầu tư vốn. Như yêu cầu các đơn vị, cá nhân mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng VietinBank chi nhánh TP.HCM và chi nhánh Nhà Bè, sau đó làm giả con dấu và giả chữ ký của lãnh đạo hai chi nhánh này để chiếm đoạt tiền.

Tổng số tiền mà Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt được của 15 ngân hàng, công ty và cá nhân là gần 4.000 tỉ đồng.

Ngày 27-1-2014, HĐXX sơ thẩm TAND TP.HCM đã tuyên phạt Như mức án chung thân cho tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và buộc phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt.

Hôm nay phiên tòa tiếp tục.

Các bị cáo khác

Các bị cáo khác đã bị tòa sơ thẩm tuyên các mức án cũng ra tòa lần này gồm: Nguyễn Thị Lành 9 năm tù và Đào Thị Tuyết Dung 12 năm tù cho các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “cho vay lãi nặng”; các bị cáo Võ Anh Tuấn 20 năm tù, Huỳnh Mỹ Hạnh 14 năm tù, Trần Thị Tố Quyên 14 năm tù cho tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; các bị cáo Nguyễn Thiên Lý 2 năm tù, Hùng Mỹ Phương 2 năm tù, Phạm Văn Chí 1 năm án treo cho tội “cho vay lãi nặng”; bị cáo Phạm Anh Tuấn 14 năm tù cho tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; các bị cáo Lương Thị Việt Yên 7 năm tù, Hồ Hải Sỹ 6 năm tù, Lê Thị Ngọc Lợi 4 năm tù cho tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; các bị cáo Huỳnh Hữu Danh 17 năm tù, Trần Thanh Thanh 10 năm tù, Tống Nguyên Dũng 15 năm tù, Đoàn Lê Du 17 năm tù, Huỳnh Trung Chí 15 năm tù, Bùi Ngọc Quyên 14 năm tù, Hoàng Hương Giang 8 năm tù, Vũ Nguyễn Xuân Tiên 11 năm tù, Nguyễn Thị Phúc Ngân 15 năm tù, Phạm Thị Tuyết Anh 15 năm tù cho tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Trừ ba bị cáo Hùng Mỹ Phương, Phạm Văn Chí và Nguyễn Thị Lành không kháng cáo, còn lại 20 bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm.

 

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên