02/09/2019 06:57 GMT+7

Triệu phú trồng cam trên đất Mường

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Từ 200 gốc bưởi, 100 gốc cam ban đầu, đến nay sau 12 năm, anh nông dân đất Mường trở thành triệu phú nổi danh thu về hàng trăm triệu đồng.

Triệu phú trồng cam trên đất Mường - Ảnh 1.

Anh Bùi Văn Cương khởi nghiệp trên chính quê hương mình, trồng cây có múi giúp thu lãi hàng trăm triệu đồng - Ảnh: NVCC

Mùa hè năm ngoái con đường hoàn thành, bà con dân bản vui mừng vì đi lại thuận tiện. Nhờ đó, các hộ gia đình có đất cũng ủng hộ làm các tuyến đường còn lại trong xóm.

Anh BÙI VĂN CƯƠNG

Không chỉ mạnh dạn phát triển cây ăn quả, anh còn tự nguyện hiến 1.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn.

Anh nông dân Bùi Văn Cương (33 tuổi, dân tộc Mường, ở xã Đông Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) là một trong 392 gương mặt đảng viên trẻ được tuyên dương tại lễ tổng kết đợt hoạt động cao điểm "Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác". 

Anh tâm niệm học theo Bác ở đức tính khiêm tốn, giản dị, cần cù, nói đi đôi với làm, đã làm là làm thiết thực và quan trọng nhất là gắn bó, gần gũi với bà con nông dân chân lấm tay bùn.

Mạnh dạn đi trước bà con

12 năm trước, huyện Cao Phong triển khai chương trình hỗ trợ phát triển cây ăn quả có múi ở địa phương, anh Cương mạnh dạn vay vốn đầu tư 200 gốc bưởi Diễn, khởi nghiệp từ giống cây này. Bưởi sinh trưởng phát triển tốt, anh tiếp tục trồng thêm 100 cây cam Canh. 

Năm năm sau đó, mô hình trồng cây cho "quả ngọt" giúp anh thu về 180 triệu đồng/năm, anh tiếp tục mở rộng trồng thêm 300 gốc cam Canh. Chăm sóc từ đó đến nay, mỗi năm vườn cam, vườn bưởi cho lãi 300-400 triệu đồng.

Nhớ lại chặng đường dài gắn bó với cây có múi, anh Cương bộc bạch: "Cũng nhờ mình mạnh dạn đi trước so với bà con nhân dân trong xã về kỹ thuật chăm sóc cây, tìm hiểu thổ nhưỡng đất đai quê mình rất hợp phát triển giống cây này, tôi còn học qua các lớp tập huấn, học trên sách báo, "học mót" từ các chủ vườn ngoài thị trấn về chăm sóc, phân bón cây trồng".

Nhiều lần thất bại, có năm vườn cây ăn quả mất mùa, sâu bệnh, khó khăn trong vốn đầu tư, người trong xã can ngăn: "Trồng không được đâu, không có kỹ thuật, không có tiền không thành công đâu" nhưng anh Cương không nản chí. "Trong suy nghĩ có sự quyết tâm, quyết đoán vượt qua khó khăn" - anh quả quyết.

Đến năm 2015, anh Cương tiếp tục mở rộng 5.000m2 trồng chanh, 3ha cam lòng vàng. Anh cho biết năm nay giống cây này bắt đầu cho thu bói, dự kiến thu 25-30 tấn, theo giá cả hiện nay ước tính thu lãi 500-600 triệu đồng.

Chia sẻ kỹ thuật cho bà con

Nhận thấy mô hình trồng cây ăn quả có múi của anh Cương thành công, các bạn đoàn viên, thanh niên trong xã đến tham quan học hỏi, anh vui vẻ chia sẻ bí quyết và tuyên truyền cho họ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng cây cam, cây có múi để tăng thu nhập cho gia đình. 

Anh còn hỗ trợ 50 triệu đồng vốn vay không lấy lãi cho một gia đình trong xã để phát triển đồi trồng cam. Anh tâm niệm nghệ thuật kinh doanh là chia sẻ bí quyết, không giữ khư khư cho riêng mình.

"Bà con nông dân với nhau chân lấm tay bùn, mình tranh thủ chia sẻ kỹ thuật cho bà con. Mình làm gì nên thì chia sẻ, làm không nên cũng chia sẻ để giúp bà con giảm chi phí đầu vào, động viên họ phát triển kinh tế, họ băn khoăn nên trồng cây mía hay cây cam cũng chỉ cho người ta" - anh bộc bạch.

Không chỉ trồng cây ăn quả, anh Cương còn mở cửa hàng vật tư nông nghiệp. Từ 20m2 ban đầu, năm 2016 anh đầu tư mua mảnh đất 160m2 xây cửa hàng và đứng ra thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đông Phong thu hút chín thành viên tham gia. Từ đó, anh tạo công ăn việc làm thường xuyên cho ba lao động và thu hút hàng chục lao động mùa vụ khác.

Hiến đất, làm đường cho dân bản

Con đường dẫn vào nhà anh Cương và bà con Đông Phong phải đi qua ba đoạn suối và nhiều khúc cua quanh co. Anh Cương tâm sự từ nhỏ đến lớn, anh chỉ mơ ước là có con đường dẫn qua bản mình để thuận tiện cho bà con đi lại trong những ngày nắng mưa, thuận tiện việc mua bán nông sản, không bị thương lái ép giá.

Năm 2017 có chủ trương về xây dựng nông thôn mới sẽ làm tuyến đường vào xã mình, anh Bùi Văn Cương hiện làm phó chủ tịch Hội nông dân xã Đông Phong ủng hộ ngay và cùng với gia đình chủ động chặt cây, phá bờ rào làm đường. Anh giải tỏa khoảng 1.000m2 đất vườn nhà mình, chặt hàng chục gốc cây ăn quả, bỏ ra 20 ngày công giải phóng mặt bằng.

Bài học sinh tồn từ "Hành trình của Khoa" Bài học sinh tồn từ 'Hành trình của Khoa'

TTO - 'Hành trình của tôi vẫn tiếp tục và trên hành trình ấy tôi đã nhận ra nhiều bài học, quen lạ đều có, nhưng hẳn là hữu ích, chí ít ra như những kẻ chọn di chuyển giống tôi' - Trần Đặng Đăng Khoa chia sẻ.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên