06/07/2016 17:12 GMT+7

​Trẻ té ngã: không nên xem nhẹ!

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Trẻ té ngã khi còn nhỏ vẫn thường xảy ra nhưng có trường hợp sau khi té ngã chỉ bị xây xát nhẹ ngoài da, nhưng có trường hợp té ngã gây chấn thương sọ não rất nặng, có thể dẫn đến tử vong.

Tai nạn té ngã có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ bị nạn từ trật khớp, gãy xương, chấn thương ngực, chấn thương bụng đến chấn thương sọ não hoặc chấn thương nhiều cơ quan có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, luôn để mắt tới trẻ trong mọi lúc, mọi nơi đó là việc không bao giờ thừa khi nuôi trẻ nhỏ!

Những tai nạn té ngã ở trẻ phổ biến

- Ngã do sự bất cẩn của người lớn: không trông coi trẻ đúng cách khiến trẻ ngã từ xe đẩy, trên võng, trên giường hoặc trên cao xuống.

- Trẻ trèo hoặc đứng lên ghế hoặc đồ vật kê không vững.

- Trẻ bị trượt té khi đi hoặc chạy giỡn ở những nơi ẩm ướt, trơn trượt như nhà tắm, sàn nước, sàn nhà mới lau hoặc bị đổ nước.

- Trẻ chạy nhảy, nô đùa, xô đẩy nhau ngã.

- Trẻ trèo cây, trèo tường, trèo cột điện, cầu thang, ban công và bị té ngã.

Phòng ngừa tai nạn té ngã ở trẻ

Để phòng ngừa tai nạn té ngã ở trẻ em cũng như những hậu quả nghiêm trọng do ngã gây ra, người lớn và những người chăm sóc trẻ nên thực hiện những điều sau đây:

- Đối với trẻ nhỏ, phải luôn có người lớn chăm sóc bên cạnh khi ăn, ngủ, chơi.

- Sử dụng “cũi”, đặc biệt đối với trẻ nhỏ trong trường hợp không thể trông trẻ được.

- Có rào hoặc thanh bảo vệ ở những nơi như cầu thang, cửa sổ, ban công với độ cao tối thiểu 75 cm, chấn song dọc, khoảng cách giữa các song không vượt quá 15 cm.

- Đảm bảo bậc thềm, cầu thang đủ ánh sáng, dễ đi.

- Dạy trẻ không xô đẩy nhau, không leo trèo, ví dụ như leo lên cây cao hái trái, leo cột điện để lấy diều, leo mái nhà, …

- Giáo dục cho trẻ biết các nguy cơ và hậu quả có thể xảy ra khi ngã, những kỹ năng phòng tránh khi đi vào những nơi dễ ngã như cầu thang, nhà tắm, nơi trơn trượt.

- Giáo dục trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm như nhảy từ trên cao, thả diều trên sân thượng, lòng đường.

- Không để sàn nhà ẩm ướt, trơn trượt.

- Không thực hiện các động tác dễ gây ngã cho trẻ nhỏ như xốc ngược, tung trẻ.

- Không để trẻ dưới 10 tuổi trông trẻ dưới 3 tuổi.

Cách xử trí ban đầu khi xảy ra tai nạn té ngã

Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần nắm được một số kỹ năng xử trí sơ cứu và phòng ngừa các tai nạn thường gặp ở trẻ:

Khi thấy trẻ bị ngã, phụ huynh cần xem mức độ chấn thương của trẻ để có cách xử lý tốt nhất. Cách xử lý ban đầu là lấy chiếc khăn nhúng nước lạnh vắt ráo nước hoặc bọc nước đá rồi đắp lên trên vết bầm, chỗ chấn thương. Nếu trẻ đau nhiều hoặc đau khi cử động, tay chân bị bầm tím, thì cần lưu ý có thể trẻ bị bong gân hay gãy xương. Nếu trẻ than đau nhiều ở vùng bị chấn thương, khi ấn tay vào vết thương, vết thương bị sưng và sau đó bầm tím, cử động khó khăn vùng bị chấn thương, hoặc chân hay tay trẻ có thể bị cong một cách kỳ lạ thì nên đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra và xử trí kịp thời.

Tóm lại, ngã là một tai nạn sinh hoạt thường gặp nhất ở trẻ, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng lên sức khỏe và tính mạng của trẻ bị nạn. Các biện pháp phòng ngừa và xử trí nêu ra ở trên rất đơn giản, dễ thực hiện. Tuy nhiên để thực hiện tốt việc phòng ngừa thì điều tiên quyết là mỗi cá nhân và gia đình phải luôn cảnh giác, cẩn trọng, nhận thức các nguy cơ có thể gây ra tai nạn và luôn có ý thức thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho chính gia đình thân yêu của mình để những tai nạn thương tâm không còn xảy ra nữa.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: trẻ té ngã