01/06/2016 10:04 GMT+7

Trẻ không có lỗi...

QUỐC NGUYÊN
QUỐC NGUYÊN

TTO - Trong mỗi tai nạn xảy ra, lỗi không bao giờ nằm ở trẻ mà luôn nằm ở trách nhiệm của người lớn, của từng gia đình và cả xã hội.

“Vì cuộc sống an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em” là thông điệp mạnh mẽ, cũng là chủ đề chính của Tháng hành động vì trẻ em 2016 mà chúng ta có thể đọc được ở bất cứ nơi đâu tại nước ta, trong khoảng thời gian này.

Thế nhưng, khi viết những dòng này, hình ảnh ba anh em ruột nằm cạnh nhau trên chiếc giường với tấm khăn phủ trắng sau tai nạn đuối nước ở Tánh Linh (Bình Thuận) ngày 17-5 lại hiện lên rõ mồn một trong đầu tôi đầy ám ảnh.

Và trước đó là tin tức về cái chết vì đuối nước của những học sinh ở Hà Tĩnh, Nghệ An khá dồn dập không khỏi khiến chúng ta nhức nhối. Cái chết đều như nhau. Và lý do cũng chỉ có một - không biết bơi!

Thông tin mới nhất được ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - công bố hôm 29-5 không khỏi làm nhiều người dân TP.HCM giật mình.

Đó là số trẻ em TP.HCM thiệt mạng vì tai nạn giao thông trong ba năm, từ 2013-2015, đều tăng liên tiếp.

Trong đó, con số được đưa ra là 70% trẻ ở TP.HCM tử vong là học sinh THPT, mà 80% trong số ấy chết khi tự điều khiển các phương tiện giao thông.

Đó không phải những con số vô hồn mà là những con số biết nói. Không thiếu những cảnh báo, nào là nghiêm túc chấp hành Luật giao thông, nào là tự giác thực hiện văn hóa giao thông, nào là giới trẻ làm gương khi tham gia giao thông.

Tại sao đã cấm, cảnh báo, khuyến cáo nhưng vẫn nhan nhản học sinh đi xe máy phân khối vượt mức cho phép đầy các cổng trường giờ tan học là câu hỏi không chỉ dành cho quản lý nhà nước mà cần được mỗi gia đình tự chất vấn.

Các hành vi vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt. Nhưng chế tài, sự nghiêm khắc ấy cần bắt đầu ngay từ trong mỗi gia đình.

Có nhiều lựa chọn để di chuyển đến trường, và không thể buông lỏng, làm ngơ việc con em mình điều khiển phương tiện khi chưa đáp ứng đủ các quy định của pháp luật. Liệu rằng có câu trả lời nào thỏa đáng khi phải đánh đổi bằng tính mạng của chính con em mình!

Cũng vậy, có nhiều “lời than khó” cho việc dạy trẻ biết bơi. Để rồi sau mỗi tai nạn xảy ra, nỗi đau dần nguôi ngoai thì mọi việc lại đâu vào đấy.

Và số trẻ biết bơi như một kỹ năng tất yếu cần phải biết trong cuộc sống vẫn chỉ là con số khiêm tốn so với tổng số trẻ em. Nên mới thấy trẻ em ở TP.HCM còn may mắn khi nhiều trường học đã đưa môn bơi vào tiết thể dục.

Mỗi mùa hè, bằng ngân sách, ít nhất có khoảng 5.000 trẻ được học bơi, học cách xử lý tai nạn dưới nước hoàn toàn miễn phí, chưa kể các chiến dịch tình nguyện cũng dạy bơi cho cả ngàn trẻ em khác.

Dẫu con số chưa lớn song là nỗ lực đáng ghi nhận vì ít ra nhờ có thêm kỹ năng này mà trẻ biết cách tự vệ và có thể tìm cách cứu được người khác.

Làm bao nhiêu cho trẻ cũng là chưa đủ. Mà những điều tương tự như thế cần làm ngay, làm nhanh chứ không thể mãi chỉ là quyết tâm, ghi nhớ trong văn bản trên bàn.

Bởi trong mỗi tai nạn xảy ra, lỗi không bao giờ nằm ở trẻ mà luôn nằm ở trách nhiệm của người lớn, của từng gia đình và cả xã hội.

Vì nếu có cái bắt tay từ gia đình ra cộng đồng, dù không xóa hết nhưng tai nạn của trẻ sẽ là con số rủi ro có tỉ lệ thấp nhất.

QUỐC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên