Tạp chí Lacamas (Mỹ) dẫn quan điểm của các nhà tâm lý học trẻ em Kimberly Berry, Alan Chan và Jennifer Ireland giải đáp các câu hỏi liên quan tới sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên, trong đó đáng quan tâm hơn cả là tác động của các thiết bị điện tử trong vấn đề này.
Độ tuổi nào dùng smartphone?
Theo bà Ireland, từ 13 tuổi trở lên là độ tuổi thích hợp để trẻ có thể bắt đầu học cách sử dụng smartphone. Sẽ tốt hơn cho sức khỏe trẻ em khi cha mẹ kiểm soát smartphone cho tới năm chúng học lớp 8 hay lớp 9.
Việc dùng smartphone gây mất tập trung rất lớn với học sinh trung học cơ sở và không tốt cho sức khỏe của chúng.
Cũng theo chuyên gia này, hiện tại nhiều học sinh lớp 6 đã có điện thoại di động. tuy nhiên học sinh lớp 6 chưa cần smartphone, bà Ireland khẳng định.
"Có các loại điện thoại khác nhau cho chúng. Thoạt tiên hãy cho chúng dùng một chiếc điện thoại đơn giản để xem cách chúng sử dụng nó ra sao", bà Ireland khuyên.
Bà Kimberly Berry cũng đồng tình quan điểm này, cho rằng các giáo viên giảng dạy trên lớp đều nhất trí với quan điểm cho trẻ dưới 13 tuổi sử dụng smartphone là chuyện hoàn toàn không tốt. Việc làm này sẽ tạo điều kiện cho trẻ có một cuộc sống bí mật của riêng chúng mà cha mẹ không thể biết.
Mạng xã hội gây nghiện không?
Về câu hỏi này, bà Berry khẳng định: "Có, đương nhiên là vậy, bất cứ cái gì cũng có thể gây nghiện. Chúng tôi biết là thanh thiếu niên hiện đang dành rất nhiều thời gian cho điện thoại của chúng. Những em dành từ 5 tiếng hoặc hơn thế mỗi ngày cho điện thoại có khả năng bị trầm cảm cao hơn".
Chuyên gia này cung cấp những số liệu thống kê giật mình khác: "10% thanh thiếu niên xem điện thoại ban đêm ít nhất 10 lần/đêm. Đó là chưa kể còn có khả năng chúng xem điện thoại mà cha mẹ không biết".
Bà Chan cho rằng từ trải nghiệm của bà, "mạng xã hội và việc sử dụng điện thoại di động là một cuộc xung đột lớn trong đời sống của thanh thiếu niên". Cũng theo bà Chan, điện thoại và mạng xã hội còn trở thành một thứ giống như vị thế xã hội với trẻ em hiện nay.
Chuyên gia Ireland cảnh báo tình trạng nghiện mạng xã hội xảy ra khi trẻ em đang suốt ngày chúi mũi trên cách thiết bị. Điều đáng lo ngại nhất trong thực tế này là với nhiều em, tâm lý tự tin cũng như tự tôn của bản thân lại tùy thuộc vào những gì chúng nhìn thấy trên mạng xã hội mà không phải những điều cụ thể trong thực tiễn đời sống.
Kiểm soát con trên mạng xã hội
Bên cạnh nỗi lo nghiện mạng xã hội, các chuyên gia tâm lý cũng cảnh báo việc mạng xã hội có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên.
Bà Chan nói: "Tôi nghĩ một vấn đề lo ngại của tôi với mạng xã hội là nó tạo ra một thực tế giả tạo. Chúng ta thường chỉ luôn thấy những điều tuyệt vời. Bạn có cảm giác như mình bị lạc lõng và bạn sợ bị lạc lõng. Từ đó bạn cảm thấy như mình dị biệt, như là bạn không thể kết nối, như là bạn đang bị ruồng rẫy".
Từ đó chuyên gia này cảnh báo tình trạng trẻ đang ngày càng trở nên quá lệ thuộc vào mạng xã hội để có thể kết giao với bạn bè và chúng cảm thấy thật khó khăn khi phải rời bỏ môi trường ảo này.
Bà Berry nói: "Tôi khuyến nghị các bậc phụ huynh hãy để ý tới những gì bên ngoài các nội dung đưa lên công khai (post). Hãy đào sâu thêm thông tin trong các tài khoản mạng xã hội (của con). Thường có rất nhiều chuyện đang xảy ra phía sau đó. Mạng xã hội đang tác động tới các bé gái như việc chúng đang tự so sánh với nhau, từ đó gây ra chứng rối loạn ăn uống. Là cha mẹ, chúng ta phải kiểm soát mạng xã hội để có thể kiểm soát những chuyện như vậy".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận