23/08/2023 12:59 GMT+7

Trẻ đau mắt đỏ gia tăng, dễ lây lan thành dịch

Trong một tháng gần đây, khoa mắt Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận gần 50 trẻ thăm khám do đau mắt đỏ. Trong đó, 10-20% trẻ gặp biến chứng giả mạc, trầy xước giác mạc.

Trẻ bị đau mắt đỏ thăm khám tại Bệnh viện Nhi trung ương - Ảnh: BVCC

Trẻ bị đau mắt đỏ thăm khám tại Bệnh viện Nhi trung ương - Ảnh: BVCC

Vừa điều trị khỏi đau mắt đỏ cho con trai 3 tuổi thì hai vợ chồng chị Hoa (tại Hà Nội) lại bắt đầu có triệu chứng đau mắt đỏ. Chị Hoa cho biết đầu tháng 8, con bắt đầu có biểu hiện đỏ mắt, ra dịch mủ mắt nên đã đưa con đi thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán con bị viêm kết mạc.

"Ở lớp mầm non có 14 bạn thì đến nay đã có 9 bạn bị bệnh. Con phải nghỉ ở nhà 10 ngày mới điều trị khỏi bệnh. Con khỏi thì đến lượt bố mẹ bị đau mắt phải nghỉ làm", chị Hoa ngán ngẩm nói.

Gặp tình trạng tương tự, chị Trang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã phải nghỉ làm hai tuần nay để chăm sóc con trai bị đau mắt đỏ. "Tôi có đưa con đi khám, bác sĩ nói con bị viêm kết mạc cấp do nhiễm vi rút. Sau đó, tôi cũng bị lây. Hai mẹ con vật vã mãi mới đỡ đau nhức", chị Trang nói.

ThS.BS Lưu Quỳnh Anh, phó trưởng khoa mắt, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết số ca mắc đau mắt đỏ gia tăng, trong một tháng qua bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 trẻ thăm khám.

Bệnh đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc cấp) là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt). Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân hè, dễ lây lan thành dịch.

Bác sĩ Quỳnh Anh cho hay dịch viêm kết mạc thường do vi rút gây ra, 80% là adeno vi rút, ngoài ra có thể gặp do các nguyên nhân khác như vi rút herpes, thủy đậu, pox vi rút…

Bệnh đau mắt đỏ thường khởi phát 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Triệu chứng phổ biến bao gồm xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ (có thể rỉ trắng, tiết tố dính nếu bệnh do vi rút, hoặc có thể rỉ xanh - vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn). 

Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt…

Trẻ có thể lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng; do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dụi tay vào mắt, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh…

Bác sĩ Quỳnh Anh cũng nhấn mạnh ở trẻ em, bệnh đau mắt đỏ có thể xuất hiện giả mạc. Đây là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi hoặc có thể gây tổn thương giác mạc. Hoặc trẻ có thể xuất hiện viêm giác mạc chấm nông.

Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ. Bởi vậy, cha mẹ không nên chủ quan khi con mắc bệnh. Khi trẻ có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ ghèn cần đưa đến các cơ sở khám mắt để được điều trị và xử lý biến chứng kịp thời.

Cách phòng tránh bệnh lây lan

Theo bác sĩ Quỳnh Anh, để tránh bệnh đau mắt đỏ lây lan, mỗi người cần hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.

Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt. Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân.

Vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt.

Nhận biết và phòng bệnh đau mắt đỏNhận biết và phòng bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên