12/03/2022 09:30 GMT+7

Trao yêu thương qua hành trang giáo dục

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Sau nhiều năm với những chuyến đi dọc miền Bắc đất nước, hai cô gái trẻ từ TP.HCM trở về với những suy nghĩ đau đáu về số phận của lũ trẻ con nơi bản làng - những mầm xanh bị cuốn xoáy trong vòng lặp đói nghèo, bỏ học, lao động sớm.

Trao yêu thương qua hành trang giáo dục - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Ngọc Mai (trái) và Phạm Thị Minh Thảo trong chuyến đi đến Sa Pa của dự án Phiêu Linh vào năm 2020 - Ảnh: NVCC

Sau khi thảo luận tìm kiếm giải pháp, Nguyễn Hoàng Phương Anh (24 tuổi) và Trần Ngọc Phương Duyên (23 tuổi) sáng lập "The Phiêu Linh Project" - dự án giáo dục giúp nâng cao nhận thức của học sinh về các vấn đề đang diễn ra tại địa phương, mang lại cho trẻ em tương lai bền vững hơn.

Từ nỗ lực đến quả ngọt

Địa điểm đầu tiên mà Phương Anh và Phương Duyên lựa chọn để thực hiện dự án là Sa Pa - nơi hình ảnh của trẻ em gắn liền với những hoạt động du lịch khiến nhiều du khách ái ngại. 

Những ngày đầu tiên, hai cô bạn có trong tay ba số 0 tròn trĩnh: không có tiền quỹ, không có sự kết nối với địa phương, không được cộng đồng biết đến. Cũng vì vậy, khó khăn lớn nhất khi ấy là làm thế nào để tạo dựng được sự tin tưởng vào hoạt động của dự án. 

Sau ba tháng trao đổi từ xa không đạt được hiệu quả, Phương Anh và Phương Duyên quyết định lên tận xã Hoàng Liên (tỉnh Lào Cai) để thuyết phục chính quyền địa phương và nhà trường.

Nỗ lực ấy đã mang lại "quả ngọt" vào mùa hè năm 2019 - dự án Phiêu Linh chính thức khởi động tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú San Sả Hồ (xã Hoàng Liên). 

Qua hành trình 8 ngày đồng hành cùng 40 em học sinh dân tộc thiểu số, những người trẻ mang đến cái nhìn mới về giá trị của giáo dục, về sự bình đẳng trong việc tiếp cận cơ hội thông qua các bài học về du lịch bền vững tại Sa Pa. 

Bằng cách đào sâu vào vấn đề lao động trẻ em, dự án đã khơi gợi nhiều vấn đề, từ đó giúp chính các học sinh suy nghĩ về những giải pháp xây dựng cộng đồng tốt đẹp hơn, hướng đến ngăn chặn tình trạng trẻ bỏ học để lao động sớm.

Để giải bài toán kinh phí, cũng trong năm 2019, các bạn trẻ tổ chức nhiều hoạt động gây quỹ như đêm nhạc tại TP.HCM, workshop về giáo dục và môi trường, đồng thời quyên góp sách ở cả TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng để đặt những viên gạch tiếp theo cho dự án.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy không có được những chuyến đi trọn vẹn nhưng những người trẻ vẫn hoàn thành mục tiêu xây dựng môi trường học tập bền vững và sạch hơn cho hơn 400 học sinh tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú San Sả Hồ thông qua việc cung cấp hệ thống dẫn nước uống đến các tầng, bình nóng lạnh, vòi hoa sen, đồng thời tặng hơn 600 đầu sách cho thư viện trường.

Nới rộng vòng tay yêu thương

Năm 2021, không dừng lại ở miền Bắc, Phiêu Linh quyết định chọn điểm đến tiếp theo là miền Trung, với sứ mệnh giúp đỡ các em nhỏ dân tộc thiểu số tại Kon Tum. Tuy tình hình dịch COVID-19 khiến việc di chuyển không được thuận lợi, các bạn trẻ vẫn kịp trao tặng 3 suất học bổng cho 3 học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn tại đây.

Sau khi đặt những nền móng đầu tiên cho Phiêu Linh, Phương Anh và Phương Duyên lui về vị trí cố vấn. Thế hệ tiếp theo - trưởng dự án năm 2022 là Nguyễn Thị Ngọc Mai (21 tuổi), sinh viên năm 3 Học viện Ngoại giao Việt Nam và Phạm Thị Minh Thảo (19 tuổi), hiện đang dành thời gian cho "gap year". Cả hai cô bạn đều đang sinh sống tại Hà Nội, trong khi thành viên tham gia Phiêu Linh không chỉ đến từ ba khu vực Bắc, Trung, Nam mà còn có du học sinh từ các quốc gia khác như Mỹ, Anh, Israel…

Dù bận rộn với việc học, Ngọc Mai nói cô cảm thấy hạnh phúc khi cùng các thành viên của dự án chạy deadline cùng nhau, thức khuya kể chuyện, trao nhau những cái ôm…, hay ấm áp nhất là lần đầu tiên đặt chân đến địa phương, được kết nối với các em nhỏ, lắng nghe những câu chuyện và tâm tư của các em…

"Mùa hè năm nay, tụi mình sẽ tiếp tục mang dự án đến miền Trung cho các em học sinh tại Kon Tum. Chương trình sẽ xoay quanh vấn đề môi trường đang diễn ra tại chính cộng đồng các em đang sinh sống. Bên cạnh đó, dự án cũng giúp các em khám phá, nuôi dưỡng những giá trị của bản thân và đóng góp xây dựng cộng đồng", Mai chia sẻ.

"Chúng mình tin rằng giáo dục chính là chìa khóa để "mở lối" một tương lai bền vững hơn cho các em học sinh. Đặc biệt, quá trình nỗ lực thay đổi hiện trạng môi trường cũng sẽ giúp các em thêm gắn bó và hiểu về địa phương nơi mình sinh ra và lớn lên", Mai nói.

Sau hai năm chật vật vì dịch bệnh ảnh hưởng, Minh Thảo cho biết bằng cách này hay cách khác, dự án vẫn luôn tìm cách để tạo ra những giá trị cho cộng đồng, giữ vững niềm tin vào tính nhân văn, sự bình đẳng của giáo dục và tầm quan trọng của phát triển bền vững.

"Dự án mong rằng các em học sinh sẽ trở thành những cá nhân hạnh phúc, đồng thời là những công dân tử tế, và những giá trị mà giáo dục mang lại sẽ là hành trang để các em bước tiếp sau này", Thảo chia sẻ.

Từng ngán tiếng Anh, thành công ngay khi khởi nghiệp với phương pháp học vạn người mê Từng ngán tiếng Anh, thành công ngay khi khởi nghiệp với phương pháp học vạn người mê

TTO - Khởi nghiệp ở độ tuổi 22, sau 7 năm bạn Lê Đình Lực (CEO DOL English) cho biết bài học quý giá nhất bản thân nhận được là cách trở thành lãnh đạo, song song là việc tận dụng công nghệ để giải quyết vấn đề gốc rễ của giáo dục.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên