12/02/2015 13:23 GMT+7

​Trần ai đòi tiệm bánh mì bồi thường

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TT - “Chuyện rành rành ra vậy mà bác đơn của người tiêu dùng. Không lẽ tụi tui tự đầu độc mình rồi đổ cho tiệm bánh mì Minh Tuyến?”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Điều (trái) - một người bị ngộ độc do ăn bánh mì - đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Bến Tre yêu cầu được giúp đỡ - Ảnh: Ng.Tài

Đó là nỗi bức xúc của chị Nguyễn Thị Hồng Điều (ngụ TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) khi hay tin ông Nguyễn Văn Hoàng bị TAND TP Bến Tre bác đơn kiện đòi bồi thường tại phiên xét xử diễn ra ngày 9-2.

Chị Điều là một trong số 173 nạn nhân của vụ ngộ độc bánh mì trên địa bàn tỉnh Bến Tre hồi tháng 5-2013, đồng thời cũng trong số 22 người gửi đơn lên TAND TP Bến Tre đòi tiệm bánh mì phải bồi thường thiệt hại.

Theo vụ kiện đến cùng

Ngày 10-2, chị Điều tìm đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Bến Tre nhờ bảo vệ quyền lợi cho mình. Theo lời kể của chị Điều, chiều 23-5-2013 chị và hai con ăn bánh mì tiệm Minh Tuyến. Buổi chiều rồi tối hôm đó cả ba mẹ con chị đều không ăn gì thêm.

Đến nửa đêm thì cả ba người bị nôn ói, sốt cao và tiêu chảy. Chị phải nhờ người ở cùng xóm trọ đưa chị và hai con đi cấp cứu. “Sau khi xuất viện, mấy mẹ con tui sụt mỗi người 4-5kg. Gia đình tui tởn bánh mì không dám ăn tới bây giờ”.

Chị Điều, ông Hoàng cùng nhiều nạn nhân của vụ ngộ độc đều cho biết sở dĩ họ theo đuổi vụ kiện đến nay không hẳn vì số tiền bồi thường mà muốn tìm lẽ phải.

“Tui nhớ hoài lúc hòa giải tại UBND phường Phú Khương, chủ tiệm bánh mì nói tụi tui ăn bậy ở đâu rồi đổ thừa cho tiệm của họ. Lúc đó họ chỉ nói tiếng xin lỗi rồi không bồi thường tiền thuốc men đồng nào tui cũng mát lòng mát dạ” - chị Điều tâm sự.

Còn ông Hoàng, sau khi bị TAND TP Bến Tre bác đơn yêu cầu được bồi thường, cho biết sẽ kháng án lên tòa cấp trên. Bà Trần Thị Sinh, ủy viên thường trực Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bến Tre, cũng nói dù ông Hoàng bị tòa án bác đơn kiện nhưng hội sẽ cùng với các nạn nhân theo đuổi vụ kiện tới cùng.

Theo bà Sinh, trước khi kiện ra tòa hội đã nhiều lần mời chủ cơ sở sản xuất bánh mì Minh Tuyến đến làm việc để thỏa thuận bồi thường cho nạn nhân nhưng chủ cơ sở không hợp tác. “Cơ sở sản xuất bánh mì Minh Tuyến coi thường người tiêu dùng quá” - bà Sinh nhấn mạnh.

Rối rắm quanh cái hóa đơn

Ông Trần Văn Mướt, chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế tỉnh Bến Tre, cho rằng trường hợp cơ sở sản xuất bánh mì Minh Tuyến yêu cầu phải có hóa đơn chứng từ mua bánh mì mới chịu bồi thường là khá vô lý vì chính họ có cung cấp hóa đơn cho khách hàng đâu.

“Bánh mì hay một số thức ăn đường phố khác là hình thức mua để ăn liền thì việc yêu cầu có hóa đơn là rất khó thực hiện. Còn yêu cầu phải có mẫu bệnh phẩm mới chứng minh được đã ăn bánh mì ngộ độc cũng khá vô lý. Nhiều người cùng ngộ độc thực phẩm trong một vụ, chỉ cần lấy vài mẫu để đại diện thôi, hơn cả trăm người mà đòi mỗi người một mẫu thì làm sao làm được?” - ông Mướt nói thêm.

Cùng quan điểm, luật gia Nguyễn Thị Biết (Hội Luật gia tỉnh Bến Tre) - luật gia bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân vụ ngộ độc - cho biết nếu thật sự tòa án bác đơn khởi kiện của ông Hoàng do ông không có hóa đơn chứng từ chứng minh mua bánh mì của tiệm Minh Tuyến là không thỏa đáng.

“Căn cứ theo nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán phải có trách nhiệm lập hóa đơn cho người mua. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn. Như vậy, khi yêu cầu chứng minh việc mua hai ổ bánh mì với trị giá 14.000 đồng bằng hóa đơn là sự đánh đố đối với người mua?” - bà Biết phân tích.

Ngày 11-2, trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Duy Phong - phó chánh án TAND TP Bến Tre (Bến Tre) - nói bản thân ông xem rất rõ hồ sơ 22 vụ kiện của người dân yêu cầu bồi thường đối với cơ sở sản xuất bánh mì Minh Tuyến.

Tuy nhiên theo ông Phong, chưa thể đề cập các vụ tòa đang thụ lý và chưa xét xử, riêng vụ ông Hoàng, chứng cứ của nguyên đơn rất mong manh.

Bị ngộ độc thực phẩm, người tiêu dùng cần những chứng cứ gì để chứng minh?

Trả lời câu hỏi này, ông Phong nói: “Hóa đơn chứng minh có mua sản phẩm hoặc đơn giản là bao bì có in nhãn hiệu của cơ sở sản xuất. Còn nếu cơ sở kinh doanh hoàn toàn không có hóa đơn, nhãn hiệu thì các cơ sở y tế điều trị cho người tiêu dùng phải kết luận rõ là điều trị ngộ độc do ăn thực phẩm nào. Nếu các cơ quan chức năng bằng chuyên môn nghiệp vụ kết luận rõ người tiêu dùng bị ngộ độc là do ăn một thứ thức ăn cụ thể thì tòa sẽ rất dễ tuyên buộc cơ sở sản xuất phải bồi thường”.

Giống như ông Phong, ông Trần Văn Hổ - hội thẩm xét xử vụ kiện của ông Nguyễn Văn Hoàng - nhận định: Qua xem xét hồ sơ vụ kiện, hội đồng xét xử rất khó để buộc cơ sở sản xuất bồi thường vì không đủ cơ sở chứng minh ông Hoàng có ăn bánh mì rồi bị ngộ độc hay ngộ độc bởi một sản phẩm khác.

Tòa tuyên án phải dựa vào chứng cứ, không thể dựa trên cảm tính”. Ông Hổ còn nhận xét thêm: “Thực tế kinh doanh thực phẩm hiện tại rất khó có thể đòi hóa đơn, thậm chí là nhãn hiệu trên sản phẩm. Thông qua vụ việc này, tôi khuyên người dân là người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình bằng cách chọn mua sản phẩm ở những cơ sở nào uy tín, có in nhãn hiệu trên sản phẩm”.

Bà Trần Thị Sinh còn lưu ý thêm, giả sử người tiêu dùng bị ngộ độc nên yêu cầu bác sĩ làm đầy đủ các xét nghiệm để làm cơ sở đòi bồi thường.

“Về phía các cơ quan chức năng cũng nên làm hết trách nhiệm khi xảy ra ngộ độc. Phải vào cuộc điều tra ngay, có kết luận rõ ràng” - bà Sinh nói.

* Luật sư HÀ HẢI (Đoàn luật sư TP.HCM):

Tòa vô cảm

Liên quan tới vụ kiện, trước hết cần đánh giá về mặt pháp lý là Tòa án nhân dân TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre ra phán quyết bác yêu cầu đòi bồi thường của nguyên đơn vì không có đủ chứng cứ là đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, phán quyết này là vô cảm, vì trách nhiệm của tòa án cũng chưa được thực hiện đầy đủ.

Trong trường hợp này, nguyên đơn không thể có khả năng thu thập bằng chứng để bảo vệ mình. Bởi lẽ, để thu thập bằng chứng, nguyên đơn phải thực hiện các bước như: nguyên đơn phải bảo lưu vật chứng là ổ bánh mì, giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền, đề nghị trưng cầu giám định, xác định vi khuẩn hay chất độc hại gây ra hiện tượng ngộ độc.

Từ các kết quả giám định, xác nhận từ cơ quan y tế có thẩm quyền mới có thể chứng minh nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc bị ngộ độc là do ổ bánh mì.

Pháp luật hiện nay có quy định trong một số trường hợp đặc biệt, nguyên đơn không có khả năng thu thập bằng chứng (ví dụ như vụ kiện cơ sở bánh mì), nguyên đơn có thể đề nghị tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh.

Pháp luật quy định như vậy, nhưng không có chế tài cụ thể nào nếu tòa án không thực hiện việc này. Ở đây, có thể thấy phía tòa án chọn cho mình cách an toàn nhất, nguyên đơn không đủ bằng chứng chứng minh thì tuyên bác, không chủ động thu thập bằng chứng chứng minh để ra phán quyết cuối cùng.

Đối với cơ quan chuyên môn về y tế, có thể thấy họ đã làm trách nhiệm của họ một cách máy móc, không đầy đủ. Điều quan trọng là chưa có quy định nào buộc họ phải làm đầy đủ, tới cùng trách nhiệm bảo vệ sức khỏe người dân.

Trong vụ việc này, cơ quan y tế địa phương xác định cơ sở sản xuất bánh mì có vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, xác định nhiều người tiêu dùng bị ngộ độc. Tại sao họ không làm tới cùng, cung cấp đầy đủ bằng chứng liên quan tới vụ việc, ví dụ như sản phẩm có vi khuẩn, virút hay chất độc gì, nguyên nhân gây ra những triệu chứng cụ thể nào, ảnh hưởng tới sức khỏe con người như thế nào?

GIA MINH ghi

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên