24/10/2023 08:03 GMT+7

Trầm cảm rồi không muốn sống, làm sao để phát hiện sớm?

Áp lực cuộc sống khiến nhiều người căng thẳng, trầm cảm, thậm chí không còn muốn sống. Thế nhưng từ việc có suy nghĩ đến hành động là một quãng thời gian, vì vậy cần phát hiện và can thiệp sớm trước khi quá muộn.

Bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai khám cho bệnh nhân - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai khám cho bệnh nhân - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Chồng hiền, con ngoan vẫn không muốn sống

Trao đổi với báo chí về rối loạn trầm cảm và nguy cơ tự sát, BS Ngô Tuấn Khiêm - Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai - cho biết mới đây các bác sĩ có tiếp nhận một nữ bệnh nhân tên L.T.S. (40 tuổi) nhập viện trong tình trạng buồn chán, có ý định tự tử.

Điều đáng nói là qua khai thác tiền sử, bệnh nhân chưa từng có rối loạn tâm thần và luôn được chồng hết mực yêu thương.

Khoảng ba tháng gần đây, bệnh nhân có áp lực công việc nhiều, thường xuyên phải làm đêm đến 3-4h sáng mới được nghỉ.

"Trường hợp chị S. do công việc căng thẳng, thức khuya dẫn đến stress. Bệnh nhân không tự điều chỉnh được cảm xúc, rơi vào trầm cảm và muốn tự sát" - BS Khiêm nói.

Bệnh nhân được điều trị dùng thuốc, phối hợp với liệu pháp điều trị tâm lý. Sau 15 ngày, bệnh nhân đã cải thiện nhiều. Hiện bệnh nhân đã được xuất viện về gia đình theo dõi và tái khám.

ThS Đặng Thị Hải Yến - phòng tâm lý lâm sàng Viện Sức khỏe tâm thần - cho hay trong trường hợp này, nếu gia đình có thể phát hiện những triệu chứng sớm hơn, động viên người bệnh, dành sự quan tâm đến bệnh nhân nhiều hơn có thể giúp cải thiện suy nghĩ, giúp bệnh nhân cân bằng lại cảm xúc.

Làm sao để nhận biết dấu hiệu rối loạn trầm cảm?

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ái Vân, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, rối loạn trầm cảm là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tự sát thường gặp.

Theo các bác sĩ, trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, biểu hiện bằng cảm xúc buồn, mất quan tâm thích thú, giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi hoặc đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ và ăn uống, kém tập trung.

Nhiều nghiên cứu cho thấy có khoảng 1 triệu người chết do tự sát mỗi năm, tương đương 3.000 người chết vì tự sát mỗi ngày. Với mỗi một người chết vì tự sát, có khoảng 20 người hoặc nhiều hơn có toan tự sát.

Theo bác sĩ Vân, dấu hiệu đặc trưng của người mắc rối loạn trầm cảm là biểu hiện luôn buồn bã, bi quan, mất hy vọng; mất đi hứng thú hoặc sở thích các hoạt động vốn có trước đây.

Ví dụ một người trước đây rất yêu thích đi du lịch, xem phim thì nay không còn quan tâm gì đến sở thích này.

Ngoài ra bệnh nhân có các biểu hiện mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc sút cân; rối loạn giấc ngủ; rối loạn hoạt động tâm thần vận động... Đặc biệt bệnh nhân có cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi. Họ luôn nghĩ mình đã làm hỏng mọi việc, trở thành gánh nặng cho gia đình, cơ quan và cho xã hội. Bệnh nhân còn có "ý tưởng hoặc có hành vi tự sát".

Người muốn tự sát thường có những biểu hiện như thường xuyên nói về tự tử, chết chóc, bận tâm đến cái chết; tăng cường sử dụng rượu hoặc ma túy; thể hiện cảm giác tuyệt vọng...

Theo bác sĩ Yến, khi thấy người thân hay bản thân có những biểu hiện về trầm cảm hay hành vi tự sát nên tìm đến chuyên gia, bệnh viện tâm thần để được tư vấn kịp thời.

Stress, lo âu, trầm cảm ảnh hưởng sức khỏe tình dục nam giới ra sao?Stress, lo âu, trầm cảm ảnh hưởng sức khỏe tình dục nam giới ra sao?

Tâm trạng căng thẳng, lo âu và trầm cảm có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống tình dục ở nam giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên