Thực trạng xây dựng ven biển Phước Mỹ, Mỹ Khê, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Các lãnh đạo TP Đà Nẵng đều quyết tâm thực hiện rà soát điều chỉnh quy hoạch, lấy lại một phần đất đã cấp cho doanh nghiệp để phục vụ cộng đồng, xem đó là việc cần thiết, cố gắng làm trước khi quá muộn.
Rà soát hàng loạt dự án
Tại thời điểm trước năm 2010, trong quá trình trải thảm đỏ thu hút đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, chính quyền TP Đà Nẵng đã giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trong hàng chục dự án lên đến hàng trăm hecta đất ven biển.
Phía đông đường Võ Nguyên Giáp (đoạn từ Hồ Xuân Hương) đến đường Trường Sa (giáp với tỉnh Quảng Nam) bị rào bịt kín bởi các dự án.
Thậm chí người dân nhà cách biển chỉ 100m nhưng phải đi vòng vài cây số mới xuống được biển vì tất cả đất TP đã giao cho chủ đầu tư rào chắn hết lối đi.
Việc giao hết đất ven biển, bịt kín như một bước tường rào khiến người dân vô cùng bức xúc.
Tại tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân bức xúc đòi hỏi chính quyền phải có biện pháp trả lại lối xuống biển cho dân.
Chính những bất cập trên, vào năm 2018, Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành thông báo 331 với yêu cầu rà soát các dự án ven biển thuộc diện nhạy cảm, được dư luận quan tâm.
Thông báo 331 đã mở đường cho việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch để thu hồi các dự án ven biển, mở các lối xuống biển phục vụ cộng đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thái Ngọc Trung - phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng TP Đà Nẵng - cho biết hiện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án theo thông báo 331 của Thành ủy đang được các sở, ngành tiến hành hết sức khẩn trương và trách nhiệm.
Lối xuống biển công cộng vừa được mở chạy qua giữa khu khách sạn Furama Resort và quần thể đô thị du lịch quốc tế Ariyana tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
"Chúng tôi đã mời các chủ đầu tư dự án để thông báo chủ trương của TP Đà Nẵng để họ cùng hợp tác, chia sẻ.
Mình cũng nói với chủ đầu tư rằng trước đây, người dân giải tỏa di dời nhường đất để TP giao cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án du lịch.
Nhưng bây giờ TP xét thấy cần một phần đất, không gian để phục vụ nhu cầu sinh hoạt chính đáng của người dân thì doanh nghiệp cần đồng hành, ủng hộ. TP sẽ rà soát, điều chỉnh và thu hồi đối với số diện tích đất mà chủ đầu tư chưa tiến hành xây dựng dự án" - ông Trung nói.
Theo ông Trung, hiện nay bước đầu TP Đà Nẵng đã điều chỉnh quy hoạch, thu hồi đất để mở các lối xuống biển tại một số dự án gồm: 6.680m2 nằm giữa hai dự án Premier Village Danang Resort và Pullman Danang Beach resort; 13.236m2 để mở lối xuống biển khu vực giữa dự án Furama và quần thể đô thị du lịch Ariyana (P.Khuê Mỹ, Q.Ngũ Hành Sơn).
Điều chỉnh quy hoạch lối xuống biển, phía bắc giáp dự án Future Property Invest và phía nam giáp dự án The Nam Khang Resort Resident với diện tích 10.397m2...
Tất cả diện tích đất mà TP đã thu hồi đều dành để xây dựng các công trình công cộng phục vụ cộng đồng. Chủ trương rà soát các dự án lấy lại một phần đất để mở lối xuống biển được người dân hết sức đồng tình.
Ông Thái Ngọc Trung (phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng TP Đà Nẵng)
Tìm giải pháp hoán đổi đất
Theo tìm hiểu của PV Tuổi Trẻ, UBND TP Đà Nẵng vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng công viên công cộng kết hợp bãi tắm tại khu đất mà TP Đà Nẵng sẽ thu hồi khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu thuộc P.Khuê Mỹ (Q.Ngũ Hành Sơn) để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách với diện tích 8,5ha.
Diện tích đất thu hồi này được quy hoạch thành công viên công cộng với các hạng mục gồm: quảng trường, khu vui chơi trẻ em, khu dã ngoại, khu vực tổ chức sự kiện, cây xanh, thảm cỏ, khối phục vụ, đường giao thông nội bộ, bãi xe...
Còn đối với dự án DAP Việt Nam (ở P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn) do Công ty TNHH DAP làm chủ đầu tư, ông Thái Ngọc Trung cho biết TP đã làm việc với chủ đầu tư và cơ bản họ đã đồng ý giao lại cho TP 5ha để xây dựng quảng trường kết hợp với bãi tắm và không gian phục vụ công cộng.
Ngoài ra, hiện UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành khái toán giá trị khu đất 3,7ha đối diện đường Huyền Trân Công Chúa (P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn) mà Công ty TNHH I.V.C làm chủ đầu tư để có cơ sở thực hiện phương án thu hồi.
Đối với dự án khu du lịch ven biển có diện tích 15.577m2 của Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản giao Sở Tài nguyên - môi trường kiểm tra trình tự thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tại cuộc họp thường kỳ của UBND TP Đà Nẵng, chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết ở thời kỳ trước, nhiều khu đất ven biển khi TP Đà Nẵng giao cho nhà đầu tư không kèm theo dự án theo đúng quy định.
Vì vậy, bây giờ khi chủ đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng, xây dựng dự án thì TP Đà Nẵng muốn xử lý thu hồi gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, dù biết rất khó nhưng TP sẽ có giải pháp cụ thể và lâu dài để lấy lại một phần đất phục vụ nhu cầu công cộng.
Theo ông Thơ, vướng mắc hiện nay là một số dự án TP đề xuất thu hồi có mức tiền đền bù, hỗ trợ nhà đầu tư khá lớn, vì vậy TP đang tiếp tục làm việc với nhà đầu tư để có phương án hài hòa nhất.
Ông Thơ đề nghị các ngành nghiên cứu cách thức thuyết phục nhà đầu tư theo hướng chuyển đổi, hoán đổi thành phần đất đối với đất thuê trả tiền một lần và thuê trả tiền hằng năm.
Yêu cầu chính là phải đảm bảo được việc thu hồi đất dự án phục vụ cộng đồng nhưng không ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, ổn định môi trường đầu tư và tính nhất quán trong chủ trương của TP.
Trước mắt thu hồi 1 - 2 dự án
Tại cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, ông Trương Quang Nghĩa - bí thư Thành ủy Đà Nẵng - cho biết vừa qua nhận thấy việc rà soát, lập lại quy hoạch các dự án ở khu vực trung tâm và ven biển là hết sức cần thiết nên Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành kết luận 331. Hiện công việc triển khai rà soát đang được tiến hành khẩn trương.
"Các vấn đề quy hoạch lại dự án rất quan trọng và chúng tôi thấy đây là việc phải làm. TP sẽ thu hồi từ 1 đến 2 dự án ven biển để làm công trình công cộng, tuy nhiên phải rà soát đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật" - ông Nghĩa nói.
* PGS.TS Vũ Thanh Ca (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo Việt Nam): Quan trọng là dám làm
Căn cứ vào thời hạn thuê đất để định ra lộ trình di dời, trả lại không gian biển cho cộng đồng là chủ trương, cách làm rất đúng để giải quyết những vấn đề được cho là tồn tại của những giai đoạn trước.
Quan trọng là các địa phương phải quyết liệt, dám làm. Còn với doanh nghiệp, ngay từ khi đầu tư, họ cũng đã xác định đầu tư theo thời hạn được thuê đất, còn về quy hoạch cũng phải chấp nhận như vậy.
Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Luật đã quy định các hoạt động bị nghiêm cấm trong hành lang bảo vệ bờ biển, vì vậy các tỉnh, thành phố có biển cần phải thực hiện nghiêm.
Phải nhìn nhận chính những công trình, khách sạn sát biển đang làm giảm hiệu quả sử dụng của bãi biển, làm giảm giá trị tài nguyên, tác động xấu tới cảnh quan chung.
Đặc biệt, có những dự án đã thuê đất, chiếm dụng đất ven biển từ 10-20 năm trước nhưng đến nay không triển khai dự án, các tỉnh thành cần phải rà soát và cho thu hồi toàn bộ những dự án này, khôi phục quy hoạch để hướng tới mục tiêu phục vụ cộng đồng, đảm bảo hành lang bảo vệ bờ biển.
Đồng thời tránh tối đa những câu chuyện đã từng xảy ra khi doanh nghiệp làm dự án ven biển rào lối đi, bịt đường xuống bãi biển của du khách.
XUÂN LONG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận