Thiếu nhi tìm sách tại hội sách hè ở Cần Giờ - Ảnh: L.ĐIỀN
Sau nhiều lần giới xuất bản tại TP.HCM đặt vấn đề nên tổ chức giải thưởng dành cho sách thiếu nhi như một sự quan tâm thiết thực cho việc đọc sách của các em, lãnh đạo Thành ủy vừa qua đã đồng ý và chỉ đạo thực hiện Giải thưởng sách thiếu nhi.
TS Quách Thu Nguyệt - người đề xuất và trực tiếp chấp bút soạn dự thảo "Đề án Giải thưởng sách thiếu nhi" - cho biết mục đích của giải thưởng là tuyển chọn, giới thiệu và quảng bá những tựa sách hay, những cuốn sách khuyến đọc cho nhà trường, gia đình và bạn đọc nhỏ tuổi.
Qua đó, tạo thói quen, niềm yêu thích của trẻ với sách; biểu dương, khích lệ năng lực và những đóng góp của các nhà xuất bản, các doanh nghiệp kinh doanh sách dành cho đối tượng thiếu nhi; tạo cảm hứng và động lực cho các tác giả trong việc viết sách cho thiếu nhi.
* Thưa bà, có thể kỳ vọng rằng tình hình sách và cả tình trạng đọc của thiếu nhi TP.HCM sẽ có những nét mới nào sau khi giải thưởng này ra đời?
- Ít ra cũng hình thành được tủ sách khuyến đọc cho các em thiếu nhi. Trong lần đi Đức mấy năm trước, nhân lúc ở trong nhà một Việt kiều có hai con nhỏ, tôi thấy hai em đó đọc các sách văn học kinh điển của Đức như một nhiệm vụ học tập được nhà trường giao cụ thể.
Cho nên tôi nghĩ trong lĩnh vực giáo dục ở mình, nên có các đầu sách do nhà trường chỉ định các em phải đọc, theo từng cấp lớp: lớp nào đọc mấy cuốn, và đó là những cuốn nào, nên đưa chương trình như vậy vào nhà trường.
Đề án Giải thưởng sách thiếu nhi này hướng đến 3 chủ thể: phụ huynh và các em là một; người làm sách gồm các công ty sách và nhà xuất bản: họ phải có động lực làm sách cho trẻ con Việt; và thứ ba là các tác giả.
Đề án đặt ra mốc hai năm trao một lần mà còn định kỳ năm năm trao một giải cống hiến, cho tác giả hoặc nhà làm sách có đóng góp và thực sự có cống hiến cho tình trạng đọc sách của thiếu nhi.
Tôi tin tưởng rằng nếu được tổ chức bài bản bằng những con người tâm huyết, có uy tín thì giải thưởng này sẽ thành công. Và giải thưởng sách thiếu nhi sẽ là một thương hiệu nữa cho TP.HCM, bên cạnh thương hiệu
Đường sách.
* Những giải sách ở ta lâu nay thường vướng phải một chuyện: thụ động chờ xem trên thị trường có sách gì hay thì trao giải. Và rồi dẫn đến tình trạng không có sách xứng đáng trao giải nên đành thôi.
- Điểm khác biệt của giải thưởng sách này cũng chính là chỗ đó. Giải này sẽ khác với giải của Sách hay và giải thưởng sách của Hội Xuất bản ở chỗ chúng tôi đang xây dựng nhấn mạnh đến khâu quảng bá, truyền thông, làm lan tỏa các sách được giải.
Để những quyển sách khi được giải cũng đồng nghĩa với việc bắt đầu một chặng đường mới: lan tỏa mạnh mẽ hơn đến với các em thiếu nhi.
Chúng tôi xây dựng hẳn phần 2 của giải thưởng là phải vận động nguồn lực tài chính để in các sách được giải đưa đến các địa chỉ: trường học, các vùng miền, đến tận các chủ thể của giải đang hướng đến.
* Giải thưởng trở thành một nguồn động lực kích thích để các tác giả, các nhà làm sách nhớ đến giải như một định vị trên thị trường và trong lòng công chúng. Bà có hình dung về việc xây dựng được uy tín như vậy cho giải thưởng sách thiếu nhi đang đề cập không?
- Về cách thức, quy trình chấm giải, quy củ của giải thưởng rất rõ ràng và tiến bộ, có sự khác biệt được chú ý tạo nên cho giải thưởng này.
Giải sẽ mang lại cho người được trao cảm giác mình được tôn vinh đúng nghĩa, được trân trọng đúng nghĩa. Và "cái đuôi" là mình sẽ đưa sách lan tỏa. Người được trao cũng thấy được họ đã có những đóng góp gì cho cộng đồng, họ biết những ý nghĩa ngoài kinh tế từ giải thưởng này.
Với TP.HCM, tôi kỳ vọng sẽ làm được giải thưởng này. Trong dự thảo đề án giải thưởng cũng có nhắc đến yếu tố quan trọng: TP.HCM vốn là một thị trường xuất bản sôi động, nơi đây được ví như "hàn thử biểu" phản ánh chân dung, diện mạo, sự chuyển động cùng xu hướng đọc sách, làm sách của Việt Nam và thế giới.
Lại có thêm lớp bạn đọc khát khao tri thức và nhận thức được ý nghĩa và giá trị của việc đầu tư cho giáo dục, cho tri thức là đầu tư cho tương lai.
Ông NGUYỄN MINH NHỰT (giám đốc NXB Trẻ):
Công viên sách, tại sao không?
Tôi từng đề xuất TP sớm bàn bạc, xây dựng và từng bước hoàn thiện các hệ thống giải pháp góp phần hình thành, xây dựng và phát triển thói quen đọc sách cho trẻ em và cộng đồng. Để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ phải từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Về phần gia đình, tôi xin đề xuất bổ sung tiêu chí tủ sách gia đình trong hệ thống tiêu chí bình xét gia đình văn hóa.
Về phần nhà trường, tôi xin đề xuất bằng thiết chế giáo dục của nhà trường, nhất là trường tiểu học và trung học cơ sở, phải góp phần quan trọng cho việc hình thành và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ. Việc đọc sách trong nhà trường phải được quy định rõ ràng trong chương trình đào tạo như các nước phát triển hay như ở Việt Nam trước đây thông qua các giờ cần thiết. Thư viện trường học phải thật sự là trái tim của nhà trường. Người phụ trách thư viện thật sự là một thủ thư chứ không phải là một thủ kho như hiện trạng của không ít trường.
Về phần xã hội, TP có suy nghĩ xem chuyện sách vở, chuyện đọc sách là một trong những đặc thù, một trong những tiêu chí phát triển của TP hay không? Ở TP.HCM, không chỉ có đường sách, trạm sách, thư viện công cộng... mà còn có cả công viên sách nếu chúng ta có quyết tâm. Hai chữ Tao Đàn quá hay để có thể suy nghĩ về một công viên sách cho cộng đồng.
Nhà văn hay viết cho thiếu nhi TRẦN QUỐC TOÀN:
Cần tổ chức bản thảo và tổ chức nhóm tác giả
Trước hết, tác giả viết cho thiếu nhi ở ta lâu nay thường viết về tuổi trẻ của người viết chứ không đủ sức viết về tuổi trẻ hiện nay - tức những người đọc hiện tại. Điều này cần thay đổi.
Thứ hai, chúng ta có thể tổ chức xây dựng bản thảo cho các thể loại đang còn thiếu trên thị trường, chẳng hạn các loại sách về kiến thức phổ thông, các loại chuyện kể có nội dung xây dựng nhân cách và chuyển tải tinh thần khoa học, niềm yêu thích cái đẹp, khơi gợi các giá trị đạo đức...
Chúng ta có thể tổ chức các nhóm tác giả bằng hình thức đấu thầu, để làm các bộ sách nhiều tập, nhiều kỳ. Vấn đề chất lượng sẽ được giải quyết bằng cách tổ chức phản biện và nghiệm thu nghiêm túc. Một trong các tiêu chí để phản biện và nghiệm thu là nên có mặt các em thiếu nhi - đối tượng chính của bản thảo.
Một giải thưởng có sức hút sẽ khiến nhiều nhà làm sách tích cực tìm kiếm bản thảo, có sức quyến rũ các tác giả, quan trọng là cân chỉnh lại những lệch lạc trong người đọc là thiếu nhi và cả người viết cho thiếu nhi.L.Điền ghi
4 hạng mục, 18 giải
Giải thưởng sách thiếu nhi gồm 4 hạng mục, riêng hạng mục sách văn học, do đặc thù tâm lý lứa tuổi nên được chia thành 3 tiểu hạng mục:
* Sách nghiên cứu về thiếu nhi
* Sách giáo dục kỹ năng dành cho thiếu nhi
* Sách phổ biến kiến thức dành cho thiếu nhi
* Sách văn học dành cho thiếu nhi bao gồm: truyện tranh, tranh truyện (truyện được minh họa bằng tranh) và truyện ngắn.
Mỗi hạng mục giải thưởng sẽ trao cho tác giả và đơn vị tổ chức bản thảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận