30/01/2016 09:54 GMT+7

TP.HCM sẽ kiến nghị sửa quy định giấy hẹn tái khám

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Thông tin này được TS.BS Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết tại hội nghị sơ kết một tháng thực hiện việc liên thông khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cho các cơ sở khám chữa bệnh ở phường xã, quận huyện.

Người bệnh ngồi chờ lấy giấy hẹn khám lại tại Bệnh viện Ung bướu, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Người bệnh ngồi chờ lấy giấy hẹn khám lại tại Bệnh viện Ung bướu, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Tại cuộc họp này, đại diện Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM cho biết hiện bệnh viện đang gặp khó khăn khi thực hiện việc cấp giấy hẹn khám lại cho bệnh nhân BHYT theo hướng dẫn tại thông tư 40/2015 của Bộ Y tế (Tuổi Trẻ ngày 29-1 đã phản ánh).

“Bệnh viện chúng tôi có thể giao cho trưởng khoa khám bệnh ký tên, đóng dấu vuông của khoa khi cấp giấy hẹn khám lại cho bệnh nhân được không?” - đại diện Bệnh viện Y học cổ truyền TP hỏi lãnh đạo Sở Y tế TP.

Ông Tăng Chí Thượng xác nhận quy định cấp giấy hẹn khám lại theo thông tư 40 đúng là gây khó khăn cho bệnh nhân.

Theo ông Thượng, vừa qua Sở Y tế TP cũng nhận được văn bản của một số bệnh viện phản ảnh về việc khó khăn khi thực hiện cấp giấy hẹn khám lại theo quy định của Bộ Y tế. Ông Thượng đơn cử như Bệnh viện Nhi Đồng 1 mỗi ngày phải cấp cả ngàn giấy hẹn khám lại thì số lượng người nhà bệnh nhi phải xếp hàng chờ lấy giấy hẹn ở phòng tổ chức cán bộ là rất lớn, gây thêm phiền hà cho bệnh nhân.

“Tôi nghĩ vấn đề này phải giải quyết thôi vì bệnh viện phải cấp giấy hẹn khám lại rất nhiều. Trong lúc thông tư 40 chưa sửa đổi được, tuần sau Sở Y tế TP và Bảo hiểm xã hội TP sẽ họp lại để thống nhất cách thực hiện tạm thời để không gây phiền hà cho người bệnh...” - ông Thượng nói.

Cũng tại cuộc họp này, đại diện phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP cho biết số lượt khám chữa bệnh BHYT tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trong tháng 1-2016 đều giảm theo quy luật chung (tháng 1 là tháng có số lượt khám chữa bệnh thấp nhất trong năm).

Tuy nhiên, có 12/28 bệnh viện tuyến huyện có mức giảm lượt khám chữa bệnh từ 10% trở lên (cao hơn ngưỡng giảm chung của TP).

Nguyên nhân là có hiện tượng dịch chuyển số lượng người khám chữa bệnh từ bệnh viện này sang bệnh viện khác từ khi thông tuyến khám chữa bệnh.

Ngoài ra, có hiện tượng người có thẻ BHYT đăng ký ban đầu tại trạm y tế, phòng khám đa khoa chuyển dịch về bệnh viện quận huyện; người có thẻ BHYT ban đầu từ bệnh viện quận huyện này sang bệnh viện quận huyện khác.

Đáng lưu ý, số lượt khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế trong tháng 1-2016 rất thấp, nhiều trạm y tế không tiếp nhận được người bệnh BHYT. Các phòng khám đa khoa tư nhân muốn có nguồn bệnh BHYT cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, khó có thể cạnh tranh thu hút người bệnh so với các bệnh viện tư nhân tuyến huyện trên địa bàn.

Biết phiền hà nhưng phải làm theo luật

Trao đổi với chúng tôi về việc nhiều bệnh nhân và bệnh viện kêu việc cấp giấy khám lại gây phiền hà cho bệnh nhân, ông Lê Văn Khảm - phó vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế - cho rằng Luật BHYT hiện hành quy định giấy hẹn khám lại phải có chữ ký của đại diện cơ sở khám chữa bệnh bên cạnh chữ ký của bác sĩ là người ra chỉ định, vì vậy thực hiện giấy hẹn này là yêu cầu của pháp luật.

Theo ông Khảm, trước khi thực hiện giấy hẹn khám lại theo quy định mới, có cơ sở khám chữa bệnh hẹn khám lại trên toa thuốc, có nơi hẹn trên sổ y bạ, có nơi hẹn theo giấy riêng mà không theo mẫu chung.

“Nhưng thực hiện việc này là thêm thủ tục gây phiền hà cho bệnh nhân, khiến bệnh nhân phải mất thêm thời gian chờ đợi khi đi khám chữa bệnh?”, trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Khảm thừa nhận việc cấp giấy hẹn khám lại có gây mất thời gian cho bệnh nhân, nhưng ông cho rằng các cơ sở khám chữa bệnh quy mô lớn có thể ủy quyền cho một người chuyên ký đại diện trên giấy hẹn.

Với bệnh nhân nội trú, ông Khảm cho rằng khi ra viện bệnh nhân sẽ có giấy ra viện và giấy hẹn khám lại. Trường hợp bệnh nhân bệnh mãn tính nằm trong nhóm 62 bệnh được sử dụng giấy chuyển viện có thời hạn một năm thì có thể khám theo chỉ định của bác sĩ mà không cần giấy hẹn.

Tuy nhiên, một lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho rằng việc đẻ thêm thủ tục hành chính là phiền hà thêm cho người bệnh và bệnh viện. “Khi soạn văn bản nên hạn chế nảy sinh thêm thủ tục” - vị này đề xuất.

LAN ANH

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên