Giờ ra về của một lớp học thêm THPT tại một điểm dạy trên địa bàn Q.3, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Đó là nội dung chủ yếu trong báo cáo về tình hình quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP của UBND TP.HCM vừa mới ban hành.
Xây dựng website hỗ trợ học tập
Về giải pháp trước mắt, UBND TP.HCM yêu cầu các trường phải xây dựng website hỗ trợ học tập hoặc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin.
Mục đích nhằm giúp đỡ học sinh giải đáp ngay các thắc mắc liên quan đến bài học, hướng dẫn học sinh tự ôn tập, củng cố, mở rộng kiến thức tại nhà, tăng cường khả năng tự học cho học sinh.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cần tập hợp bài giảng ở tất cả các môn học, các bài ôn tập để cung cấp cho học sinh. Song song đó các phòng ban chuyên môn sẽ tập huấn, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tích hợp nội dung dạy học, tập huấn chuẩn bị cho các kỳ thi... để học sinh có thể học tốt tại trường và tự học ngay tại nhà.
Học sinh được lựa chọn giáo viên để học thêm
UBND TP.HCM yêu cầu đẩy mạnh công tác kiểm tra thường xuyên giờ dạy chính khóa nhằm ngăn chặn tình trạng dạy không đủ kiến thức, khiến học sinh phải đi học thêm.
Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ được tổ chức trên cơ sở tự nguyện tham gia của học sinh; phân chia lớp học theo trình độ học sinh. Đặc biệt, học sinh được lựa chọn giáo viên để theo học.
Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm không đúng qui định. Cán bộ, giáo viên đang công tác trong các cơ sở giáo dục công lập tham gia dạy thêm phải thực hiện đúng qui định về dạy thêm, học thêm và chịu sự quản lý, giám sát của thủ trưởng cơ sở giáo dục công lập.
Tăng tính tự chủ cho trường học
Về giải pháp lâu dài để hạn chế dạy thêm học thêm tràn lan, UBND TP.HCM cho biết đang triển khai đề án phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030.
Nội dung đề án tập trung các giải pháp đáng chú ý như cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế.
Bên cạnh đó, UBND TP giao quyền tự chủ cho các trường có điều kiện được phép tự tuyển dụng giáo viên, tự xây dựng kế hoạch giảng dạy, quyết định mức học phí trên cơ sở thu đủ bù chi.
Đặc biệt, đề xuất Bộ giáo dục và Đào tạo cho phép TP.HCM xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn dựa trên khung chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở: một số môn học bắt buộc phải học theo trình tự lớp (Văn - Tiếng Việt, Toán), các môn khác được tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học tối đa chỉ nên là 8 môn trong 1 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận