02/10/2023 09:22 GMT+7

TP.HCM ngăn bệnh đậu mùa khỉ ra sao?

Chưa đầy một tuần sau hai ca bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện trong nước, TP.HCM lại phát hiện thêm một ca đậu mùa khỉ "nội địa" mới. Người này cư trú tại huyện Bình Chánh.

Xét nghiệm bệnh tại Viện Pasteur TP.HCM - Ảnh: Viện Pasteur TP.HCM cung cấp

Xét nghiệm bệnh tại Viện Pasteur TP.HCM - Ảnh: Viện Pasteur TP.HCM cung cấp

Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân mới này (nam, 34 tuổi) chưa ghi nhận yếu tố tiếp xúc người nước ngoài hoặc đi nước ngoài trong thời gian gần đây.

Tự đi khám da liễu khi có dấu hiệu nghi ngờ

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, vào ngày 28-9, bệnh nhân trên đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM với các dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ.

Bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM. Một ngày sau đó, kết quả xét nghiệm cho kết quả bệnh nhân dương tính với vi rút đậu mùa khỉ và được cách ly điều trị sau đó.

Sau khi có kết quả mắc đậu mùa khỉ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã điều tra tiền sử đi lại, lập danh sách người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vòng 21 ngày trước khi khởi bệnh.

Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân thường trú tại huyện Bình Chánh, chưa ghi nhận yếu tố tiếp xúc người nước ngoài hoặc đi nước ngoài trong thời gian gần đây.

Sau khi được chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ, bệnh nhân thông báo cho những người tiếp xúc gần. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày, nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải báo ngay cho trạm y tế.

Những người tiếp xúc hiện sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận dấu hiệu mắc bệnh. HCDC tiếp tục điều tra dịch tễ, theo dõi sức khỏe của bệnh nhân và người tiếp xúc.

Cách đây một tuần, ngày 23-9 Viện Pasteur TP.HCM cũng thông báo kết quả nam bệnh nhân 25 tuổi tạm trú tại TP.HCM (thường trú tại tỉnh Đồng Nai) dương tính với vi rút đậu mùa khỉ sau khi đi thăm khám tại Bệnh viện Da liễu vì có dấu hiệu nghi ngờ và được bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm.

Qua điều tra dịch tễ phát hiện thêm bạn gái của bệnh nhân (22 tuổi, cư trú tại tỉnh Bình Dương) cũng dương tính với đậu mùa khỉ. Hiện cả hai vẫn đang được cách ly điều trị, sức khỏe ổn định.

Tăng giám sát, không kỳ thị người bệnh

Trước tình hình ghi nhận các ca đậu mùa khỉ "nội địa", Sở Y tế TP.HCM vào ngày 29-9 đã có công văn về tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, chỉ đạo HCDC và các bệnh viện, phòng khám... tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát và truyền thông phòng chống sự lây lan của bệnh.

Tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM - nơi đầu tiên các bệnh nhân đến thăm khám, BS Vũ Thị Phương Thảo - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện - cho biết bệnh viện đã xây dựng một quy trình tầm soát, xử lý đặc biệt cho những trường hợp có triệu chứng lâm sàng.

BS Huỳnh Thị Thúy Hoa - khoa nội A Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - cho hay bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua tiếp xúc gần gũi, nên tập trung vào những người bị ảnh hưởng và những người tiếp xúc gần gũi của họ.

Những người tiếp xúc gần với người có khả năng lây nhiễm sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn: bao gồm nhân viên y tế, các thành viên trong gia đình và bạn tình.

Bệnh đậu mùa khỉ thường là một bệnh tự giới hạn với các triệu chứng kéo dài từ 2 đến 4 tuần. Các trường hợp nặng có thể xảy ra, tỉ lệ tử vong do bệnh đậu mùa ở khỉ trước đây dao động 0 - 11% trong dân số nói chung và cao hơn ở trẻ nhỏ.

Trong thời gian gần đây, tỉ lệ tử vong theo ca bệnh dao động trong khoảng 3-6% (theo Tổ chức Y tế thế giới).

"Không kỳ thị những nhóm người bị bệnh này vì có thể là một rào cản ngăn cản người bệnh tìm kiếm sự chăm sóc, dẫn đến sự lây lan không bị phát hiện", bác sĩ Hoa chia sẻ.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao thương du lịch giữa các quốc gia đã dễ dàng, để phòng tránh dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng, bác sĩ Lương Chấn Quang - phó trưởng khoa kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Viện Pasteur TP.HCM - khuyến cáo mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế không chỉ với riêng bệnh đậu mùa khỉ mà còn với các bệnh truyền nhiễm khác.

3 dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ

Ngành y tế TP.HCM khuyến cáo người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng.

Trường hợp được xem là nghi ngờ mắc bệnh là:

* Có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ nhưng không giải thích được.

* Có một hoặc các triệu chứng như đau đầu, sốt trên 38,5 độ C, nổi hạch, đau cơ, đau lưng, mệt mỏi...

* Đặc biệt, trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng có tiếp xúc với ca bệnh hoặc ca bệnh nghi ngờ (thông qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục) hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ cá nhân của người bệnh...

Với trường hợp mắc bệnh, cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm. Đồng thời phối hợp truyền thông cho những người tiếp xúc gần với mình để phát hiện sớm triệu chứng bệnh và ngăn chặn sự lây lan.

Dấu hiệu của bệnh đậu mùa khỉ

Cách phân biệt mụn nước nào là bệnh đậu mùa khỉ như sau:

Bệnh đậu mùa khỉ biểu hiện bằng một hình ảnh điển hình bao gồm nổi hạch nhiều nơi trong cơ thể, trong chuyên môn gọi là hạch bạch huyết, kèm theo sốt, nhức đầu, đau nhức cơ thể và sau đó là có nhiều mụn đỏ gọi là phát ban trên da.

Khởi đầu ban xuất hiện ở mặt, sau đó lan ra vùng ngoại vi như tay chân nhiều hơn trong thân thể như ngực, bụng.

Khác với thủy đậu, thủy đậu nổi ban đỏ ở trong thân như ngực bụng nhiều hơn và hoàn toàn không có nổi hạch. Bệnh đậu mùa khỉ còn thấy ở vùng mũi miệng và bộ phận sinh dục, các mụn nước vỡ ra thành vết loét.

Ở mắt như giác mạc và kết mạc được thấy ở một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân. Phát ban ở bệnh nhân đậu mùa khỉ bắt đầu ở dạng nốt ban đỏ sau đó chuyển sang dạng sẩn gồ lên mặt da, rồi có mụn nước, mụn mủ và cuối cùng khô lại để tạo thành lớp vảy bong ra.

Số lượng mụn nước cũng có thể thay đổi từ một đến hàng ngàn cái trên da. Nổi hạch được coi là một đặc điểm điển hình của đậu mùa khỉ, nó có thể được sử dụng để phân biệt giữa bệnh đậu khỉ và các bệnh đậu khác.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal for Research in Applied Sciences and Biotechnology năm 2022 cho thấy có 84,2% bệnh nhân bị sốt, 78,9% bị nổi hạch và 100% bệnh nhân bị sốt và phát ban mụn nước.

Một nghiên cứu khác vào năm 2004 cũng cho kết quả tương tự.

- Nhức đầu và tổn thương da xuất hiện ở 100% bệnh nhân trong khi 82% bệnh nhân báo cáo sốt, đổ mồ hôi và ớn lạnh.

- Ho được báo cáo ở 73% bệnh nhân, nổi hạch được báo cáo ở 55% bệnh nhân và 18% bệnh nhân báo cáo tình trạng khó chịu.

- Viêm bờ mi, buồn nôn, nghẹt mũi, đau lưng và đau cơ chỉ được báo cáo ở 9% trường hợp.

Như vậy, bà con không nên quá lo lắng khi bé bị nổi mụn nước trên da. Hãy bình tĩnh đưa bé đi khám bệnh ở cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị chính xác.

TP.HCM phát hiện một bệnh nhân đậu mùa khỉTP.HCM phát hiện một bệnh nhân đậu mùa khỉ

Sở Y tế TP.HCM xác nhận TP ghi nhận một ca bệnh đậu mùa khỉ cư trú tại huyện Bình Chánh. Bệnh nhân chưa tiếp xúc người nước ngoài hoặc đi nước ngoài trong thời gian gần đây.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên