25/11/2023 19:24 GMT+7

TP.HCM nên phát triển về hướng Củ Chi

Chuyên gia cho rằng hiện TP.HCM phải phát triển nhà ở cho người dân và chọn vùng đất cao để ít bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Khu vực vùng thấp có tiềm năng phát triển đô thị cao cấp thì hãy để thị trường làm.

Khu trung tâm huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: T.P.

Khu trung tâm huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: T.P.

Ngày 25-11, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến chuyên gia về báo cáo kỳ 2 điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Báo cáo tại hội nghị, liên danh tư vấn cho rằng qua nghiên cứu và các ý kiến đánh giá, mô hình tập trung - đa cực (khu vực nội thành trung tâm với bán kính 15km và 4 cực phát triển) là khó khả thi. Do đó, đơn vị đề xuất phát triển theo mô hình tập trung - đa trung tâm.

Theo dự thảo quy hoạch của đơn vị tư vấn, TP được tổ chức gồm 5 vùng đô thị.

Thứ nhất là vùng đô thị trung tâm hiện hữu với 5-6 triệu dân, là khu hành chính, đối ngoại, thương mại, dịch vụ, kinh tế tri thức, đô thị sáng tạo…

Vùng này gồm vùng Sài Gòn, vùng Chợ Lớn, khu vực Bình Thạnh, nam sân bay, tây sân bay, khu sân bay, Bình Quới - Thanh Đa, đông nam quận 12, phía đông quận Gò Vấp, phía tây quận Gò Vấp, phía tây nam quận 12, vùng phía tây khu đô thị trung tâm.

Thứ hai là TP Thủ Đức với 3 triệu người, trọng tâm là đô thị sáng tạo, giáo dục, đào tạo, công nghiệp công nghệ cao, trung tâm tài chính, y tế, du lịch sinh thái…

Thứ ba là TP phía bắc với 4-5 triệu người là đô thị dịch vụ giải trí, văn hóa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ sinh thái môi trường và nông nghiệp, sản xuất công nghiệp dẫn dắt, hỗ trợ và đào tạo công nghệ phục vụ nông nghiệp và công nghệ sinh thái môi trường…

Khu vực phía tây nam huyện Hóc Môn, khu vực nằm trong quốc lộ 1A, 22, đường Lê Văn Khương thuộc quận 12, huyện Hóc Môn, trung tâm Hóc Môn, phía tây Hóc Môn, trung tâm phát triển mới quận 12 - huyện Hóc Môn, phía tây đường vành đai 3 (huyện Hóc Môn), khu đô thị hiện hữu Củ Chi, tây nam - đông nam Củ Chi, khu sinh thái Củ Chi, công viên sinh thái lâm nghiệp, công nghiệp Củ Chi, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, Đông Bắc Củ Chi.

Thứ 4 là TP phía tây với 2-3 triệu người là đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược, giáo dục đào tạo...

Vùng này gồm khu vực Tân Nhựt - Lê Minh Xuân, khu vực nằm giữa quốc lộ 1 và đường Tân Tạo Chợ Đệm, khu Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc, Bình Lợi - Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, Tân Túc, phía nam đường vành đai 3.

Thứ 5 là TP phía nam với 3-4 triệu người là đô thị công nghệ cao, sinh thái nước, kinh tế tri thức, văn hóa nghệ thuật, triển lãm, hội chợ, giải trí, du lịch sinh thái, công nghiệp, logistics, trung tâm kinh tế biển…

Vùng này gồm khu vực phía nam kênh Đôi, phía đông sông Cần Giuộc đến rạch Ông Lớn, quận 7, phía tây đường Nguyễn Hữu Thọ, phía đông đường Nguyễn Hữu Thọ, khu Long Thới, Hiệp Phước, Bình Khánh, khu đô thị gắn với cảng Bình Khánh, khu sinh thái nông nghiệp - du lịch, khu đô thị Cần Thạnh, khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Góp ý về định hướng tổ chức đô thị, tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP đang chọn hướng chủ đạo phát triển là về phía đông và phía nam là chưa phù hợp. 

Ông đồng tình với việc phát triển về phía đông và phải dồn lực phát triển TP Thủ Đức, tuy nhiên phía nam lại chưa có gì. Ông cho rằng thời điểm này nên định hướng phát triển theo hướng tây bắc vì TP đang có nhu cầu phát triển nhà ở cho người dân, nhà giá rẻ. 

"Hướng phát triển chính cho nhà ở cao tầng mật độ cao sẽ là về phía quỹ đất cao trong bối cảnh nước biển dâng và biến đổi khí hậu", KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích.

Khi TP phát triển về vùng thấp thì sẽ tăng phát triển không gian mặt nước, tiềm năng phát triển các khu đô thị cao cấp. Tuy nhiên ông cho rằng phần cao cấp thì để thị trường làm, TP nên tập trung về phía tây bắc để đáp ứng nhu cầu cho người dân.

Không thể phá hỏng khu dự trữ sinh quyển

Về phía nam, TP định hướng phát triển khu đô thị Cần Giờ. Theo đơn vị tư vấn, đây sẽ là hạt nhân dẫn dắt cho toàn vùng công nghiệp cửa biển (Tiền Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu), là trung tâm tài chính, trung tâm hội nghị sự kiện, trung tâm giải trí, tập trung không gian ở chất lượng cao cho các chuyên gia đầu ngành của thế giới.

TP phát triển cảng ở khu vực Cần Giờ để mở thêm các cơ hội cho ngành logistics và du lịch, phát triển khu đô thị lấn biển Cần Giờ theo hướng đa chức năng, đô thị khoa học - công nghệ hiện đại và gắn kết với hệ sinh thái kinh tế biển của vịnh Cần Giờ...

Góp ý về kết nối giao thông đến khu đô thị Cần Giờ, KTS Ngô Viết Nam Sơn lo lắng khi mọi phương án đều lấy trục Rừng Sác là trục chính.

"Chắn chắn 100% khi đô thị và cảng Cần Giờ hình thành sẽ phá hỏng khu dự trữ sinh quyển. Nên đánh vòng qua khu đô thị ở phía tây Cần Giờ và đây phải là trục chính, đi xa hơn phải chấp nhận. Đường Rừng Sác chỉ có thể là du lịch cảnh quan với mật độ ít", ông Sơn gợi ý.

Đưa Củ Chi lên thẳng thành phốĐưa Củ Chi lên thẳng thành phố

TTO - Huyện Củ Chi sẽ không lên quận mà phát triển thành TP trực thuộc TP.HCM. Bí thư Huyện ủy Củ Chi định hướng phát triển trung tâm logistics, xây dựng hồ phát triển cảnh quan, hình thành các khu dưỡng lão 5 sao...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên